Nördlingen còn được mệnh danh là "thị trấn kim cương" vì số lượng kim cương ở đây ước tính lên đến 72.000 tấn.
Nằm ở bang Bavaria thuộc miền nam của nước Đức, thị trấn Nördlingen thoạt nhìn cũng giống như những thị trấn lân cận khác. Điều đặc biệt khiến nơi này được chú ý tới là các công trình ở đây được xây dựng trên 72.000 tấn bụi kim cương, dát hàng triệu viên kim cương siêu nhỏ. Có thể nói đây là thị trấn dát kim cương “có một không hai” trên thế giới.
Nördlingen là nơi sinh sống của khoảng 20.000 người. Thị trấn có nét trúc cổ điển với nhiều tòa nhà và nhà thờ được xây dựng từ thời Trung cổ. Tháp nhà thờ St.-George-Kirche là biểu tượng nổi bật của Nördlingen, cùng với hàng trăm ngôi nhà mái đỏ được xây dựng theo kiến trúc Gothic.
Theo các nghiên cứu cho biết, kim cương ở thị trấn này là kết quả của một khối thiên thạch đã rơi xuống khu vực này khoảng 15 triệu năm trước. Kết quả của cuộc va chạm này đã tạo nên miệng núi lửa Ries có đường kính gần 24 km và sâu khoảng từ 100m đến 150m. Sự kiện này tạo ra hàng triệu hạt kim cương siêu nhỏ nằm rải rác khắp mọi nơi ở vùng đất này. Cuộc va chạm cũng tạo ra một loại đá hạt thô, đá dăm có tên là suevite gồm thủy tinh, tinh thể pha lê và kim cương.
Gisela Pösges, một nhà địa chất đồng thời là phó giám đốc Bảo tàng Ries Crater chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng đó là một thiên thạch có khối lượng xấp xỉ 3 tỷ tấn. Nó có kích thước ngang bằng diện tích của thị trấn này, với đường kính lên tới 1 km”.
Mãi đến năm 898, người dân mới đến đây khai hoang để định cư, họ là nhóm người gây dựng nên thị trấn này. Vào thời Trung cổ, người ta thường sử dụng loại đá ở địa phương để dựng nên mọi công trình, trong đó có các bức tường thành bảo vệ Nördlingen. Và những người dân khi đến đây họ đã dùng những viên đá suevite để xây nhà. Chính vì thế mà các công trình trong thị trấn đều được "dát" bằng kim cương.
Theo bà Gisela Pösges, phó giám đốc bảo tàng Ries Crater ở Nördlingen cho biết: “Chỉ riêng nhà thờ St. Georgs được xây từ đá suevite, đã chứa đến 5000 carat kim cương. Nhưng thực tế, chúng chỉ là bụi kim cương, không thấy qua mắt thường, mà chỉ nhìn được bằng kính hiển vi. Bởi vậy, kim cương ở đây mang ý nghĩa về khoa học, chứ không đem lại giá trị kinh tế”.
Trong quá trình xây dựng thị trấn, người dân ở thị trấn thậm chí không nhận ra rằng những tảng đá dăm suevite mà họ dùng để xây dựng là kết quả của vụ va chạm thiên thạch với trái đất. Họ nghĩ rằng chiếc hố khổng lồ này chỉ là miệng núi đã dừng hoạt động. Cho tới năm 1960, người dân ở Nördlingen mới biết được sự thật này.
Ngày nay, du khách từ khắp nơi trên thế giới đến để chiêm ngưỡng thị trấn kim cương Nördlingen, nằm trên một miệng hố khổng lồ này. Bảo tàng Miệng núi lửa Ries của Nördlingen thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan thị trấn có hướng dẫn viên với nhiều mẫu vật đặc biệt được trưng bày.
Mặc dù sống ở thị trấn dát kim cương hay có thể nói rằng sống trên “mỏ kim cương” nhưng người dân ở đây thấy không có gì khác lạ, họ cảm thấy bình thường. Ngoài ra, các viên kim cương đều có kích thước siêu nhỏ nên người dân cũng không lo lắng đến nạn trộm cắp.
VietBF@sưu tập