Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây hứng chịu tổn thất pháp lý khi bị thẩm phán bác bỏ kiến nghị bãi bỏ cáo buộc hình sự nhằm vào ông, theo Reuters.
Những cáo buộc hình sự nêu trên liên quan đến 2 vụ tố tụng xoay quanh cựu Tổng thống Trump: nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử 2020 và lưu trữ tài liệu mật trái phép sau khi rời Nhà Trắng.
Thẩm phán Aileen Cannon ở bang Florida ngày 4/4 bác bỏ lập luận của ông Trump, người khẳng định những tài liệu kể trên là tài liệu cá nhân của ông, không phải của chính phủ.
Cựu Tổng thống Trump khẳng định luật pháp Mỹ cho phép các cựu tổng thống lưu giữ hồ sơ cá nhân không liên quan đến trách nhiệm chính thức của họ.
Các công tố viên từng khẳng định những tài liệu được ông Trump lưu giữ tại nhà riêng có tính nhạy cảm cao, liên quan đến vấn đề quân sự và tình báo. Do đó, không thể xem chúng là tài liệu cá nhân.
Ở vụ tố tụng liên quan đến cáo buộc can thiệp bầu cử, Thẩm phán bang Georgia Scott McAfee ngày 4/4 cũng đã bác bỏ lập luận của cựu Tổng thống Trump, người khẳng định những gì ông làm chỉ đơn thuần là thể hiện quyền tự do ngôn luận.
Thẩm phán McAfee nhấn mạnh cáo buộc hình sự nhằm vào cựu Tổng thống Trump ở vụ kiện này là một phần trong nỗ lực "đẩy mạnh hoạt động chống hành vi phạm tội".
Thẩm phán McAfee đồng thời tuyên bố hành động của cựu Tổng thống Trump không nằm trong nhóm được Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ bảo vệ.
Cựu Tổng thống Trump khẳng định cả 4 cáo trạng hình sự chống lại ông đều mang động cơ chính trị. Ông vẫn còn một số thách thức đang chờ giải quyết liên quan đến vụ án tài liệu mật, bao gồm lập luận cho rằng ông được hưởng quyền miễn truy tố của tổng thống và rằng ông bị công tố viên nhắm mục tiêu có chọn lọc.
Tòa án Tối cao Mỹ tháng này sẽ lắng nghe lập luận của cựu Tổng thống Trump để quyết định liệu ông có được hưởng quyền miễn truy tố trong vụ kiện can thiệp bầu cử hay không.
VietBF@ sưu tập
|