Bệnh cường aldosteron nguyên phát, bệnh Cushing, liệt chu kỳ cường giáp là những nguyên nhân có thể gây hạ kali máu.
Kali máu đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng bình thường của tế bào thần kinh và cơ. Hạ kali máu là dạng rối loạn điện giải.
Kali máu bình thường 3,5-5,0 mmol/L. Hạ kali máu khi thấp hơn 3,5mmol/L. Trường hợp nhẹ khoảng 3,0-3,5mmol/l, thường không biểu hiện triệu chứng. Hạ kali máu vừa 2,5-3 mmol/L. Nếu nặng kali máu thấp dưới 2,5 mmol/L có kèm hoặc không kèm yếu cơ và rối loạn nhịp.
ThS.BS.CKI Hà Thị Ngọc Bích, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hạ kali máu nhẹ thường không có triệu chứng, một số ít người bệnh có cảm giác tê ở bàn tay và bàn chân. Bệnh tiến triển nặng hơn gây yếu cơ (tay và chân, cơ hô hấp), đau cơ, co rút cơ, loạn nhịp tim, bụng trướng, giảm nhu động ruột, táo bón, buồn nôn, nôn... Hạ kali máu nặng không điều trị kịp thời có thể dẫn đến yếu liệt tay chân, rối loạn nhịp tim, tử vong.
Dưới đây là một số bệnh nội tiết phổ biến gây hạ kali máu.
Rối loạn điều hòa bài tiết aldosteron
Cường aldosteron nguyên phát còn gọi là hội chứng Conn do adenoma (một loại u ở tuyến thượng thận) gây nên. Triệu chứng phổ biến là tăng huyết áp. Chỉ một số trường hợp người bệnh cường aldosterone nguyên phát bị hạ kali máu.
Aldosterone có tác dụng tăng tái hấp thu natri và tăng bài tiết kali. Tăng tiết quá nhiều aldosterone khiến kali máu hạ. Phương pháp điều trị là phẫu thuật cắt bỏ u tuyến thượng thận gây tăng tiết aldosterone.
Bệnh Cushing
Cushing là bệnh nội tiết do adenoma tuyến yên tăng tiết ACTH (hormone tuyến yên), khiến tăng tiết glucocorticoid mạn tính. Bệnh cũng làm tăng tiết aldosterone của tuyến thượng thận. Glucocorticoid có thể ảnh hưởng tới thăng bằng điện giải hoặc qua trung gian thụ thể mineralocorticoid gây ra tình trạng giữ natri, thải kali làm hạ kali máu, tăng huyết áp.
Liệt chu kỳ trên người bệnh cường giáp
Tình trạng này gây hạ kali máu nhiều đợt liên tục. Hầu hết trường hợp liệt chu kỳ là di truyền, một số khác liên quan đến bệnh cường giáp. Cơ chế mà cường giáp tạo ra liệt chu kỳ hạ kali máu chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, hormone tuyến giáp dư thừa có thể là yếu tố dẫn đến các cơn yếu liệt cơ do tăng nhạy cảm của thần kinh cơ.
Có nhiều nguyên nhân gây hạ kali máu khác gồm mất kali qua đường tiêu hóa, thiếu magie, thuốc, hội chứng bất thường về gene.
Bác sĩ Bích cho biết Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thường tiếp nhận người bệnh hạ kali máu có đi kèm u tuyến thượng thận gây tình trạng cường aldosterone. Một số bệnh nhân khác hạ kali trong bệnh cushing hoặc cường giáp. Kali máu dưới 2,5 mmol/L có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh, cần xử trí ngay bằng truyền tĩnh mạch. Trường hợp nhẹ có thể bù kali bằng đường uống. Người bệnh bị hạ kali máu gây rối loạn nhịp tim. Trong và sau khi được bù kali, người bệnh cần được theo dõi nhịp tim liên tục trên monitor cho đến khi điện tim trở về bình thường.
Người bị hạ kali máu nặng cần theo dõi kali máu ba giờ một lần, mức độ vừa theo dõi kali máu 6 giờ một lần, còn nhẹ khoảng 24 giờ một lần cho đến khi kali máu về bình thường. Người bệnh hạ kali máu nên tránh truyền glucose vì dễ làm tăng tiết insulin dẫn đến giảm kali máu.
Bác sĩ Bích khuyến cáo người có các triệu chứng hạ kali máu nên đến tới bệnh viện để được khám, phòng biến chứng nặng.
|