Đàn ông ngại đi khám, bỏ qua các yếu tố nguy cơ, vì vậy dễ phát triển và tử vong vì bệnh tim mạch, vốn được coi là "kẻ giết người số một thế giới".
Sau sự ra đi đột ngột ở tuổi 69 của DJ Steve Wright, phát thanh viên nổi tiếng hồi đầu năm, các cuộc thảo luận về sức khỏe nam giới tại Anh đã bùng nổ. Nguyên nhân cái chết của Wright chưa rõ ràng, nhưng theo một người bạn, ông phải phẫu thuật bắc cầu tim 15 tháng trước đó và "bệnh tình nặng hơn những gì ông thể hiện".
Những người khác nhắc đến sở thích xì gà và đồ ăn nhanh của Wright. Hình ảnh gần đây cho thấy DJ này thừa cân - yếu tố góp phần gây ra bệnh tim. Anh trai của Wright, ông Laurence, chia sẻ hôm 18/11: "Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, thói quen ít tập thể dục, giấc ngủ không ổn định, tình trạng căng thẳng, đó đều là những điều bình thường, giống với bất kỳ ai lơ là chăm sóc bản thân trong thời gian dài".
Bệnh tim mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho cả nam và nữ ở các nước công nghiệp. Tuy nhiên, theo Ruth Goss, y tá tim mạch cấp cao của Tổ chức Tim mạch Anh, căn bệnh này ảnh hưởng đến nam giới nhiều gấp hai lần so với nữ giới, là nguyên nhân chính gây ra các cơn đau tim. Đây cũng là kết quả thu được từ nghiên cứu của Na Uy trên 34.000 người bị đau tim từ năm 1979 đến năm 2012.
"Con số vẫn giữ nguyên ngay cả khi đã tính đến các yếu tố nguy cơ truyền thống, bao gồm cholesterol cao, huyết áp cao, tiểu đường, chỉ số khối cơ thể và hoạt động thể chất", nghiên cứu nêu rõ.
Theo báo cáo năm 2022 của công ty dược phẩm Merck, nam giới ít kiểm tra sức khỏe hơn so với phụ nữ. Họ ngại đi khám vì "quá bận" hoặc lo lắng về việc trở thành gánh nặng cho Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Một số người "không thể đặt lịch hẹn trong giờ làm việc" và 23% cho biết "họ xấu hổ hoặc ngại ngùng" khi đi khám bệnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do bệnh tim ở nam giới cao hơn.
Minh họa một người đàn ông bị đau tim. Ảnh: Pexel
Năm 2017, Cơ quan Y tế Công cộng Anh tiết lộ, "một trên 10 nam giới ở độ tuổi 50" có mức độ lão hóa sinh học của tim nhanh hơn 10 năm so với tuổi thật.
Nghiên cứu cho thấy nam giới đặc biệt có nguy cơ mắc các bệnh nền, làm tăng nguy cơ phát triển biến chứng tim mạch. Báo cáo năm 2016 công bố trên JAMA Internal Medicine "tiết lộ sự khác biệt trong thói quen, tâm lý xã hội và hành vi giữa nữ và nam giới". Nhìn chung, đàn ông đối phó và thích nghi với căng thẳng kém hơn. Các bất ổn về sinh lý, hành vi và cảm xúc góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, mạch vành.
Tuy nhiên, một số học giả cho rằng cần chú ý hơn đến bệnh tim ở nữ giới. Thông thường, các triệu chứng tim mạch ở nam giới rất điển hình và cụ thể. Các triệu chứng của phụ nữ có thể bị nhầm lẫn với những bệnh khác, chẳng hạn buồn nôn.
Theo Amitava Banerjee, giáo sư Khoa học Dữ liệu Lâm sàng, bác sĩ Tim mạch danh dự tại Đại học London (UCL), người phát ngôn của Hiệp hội Tim mạch Anh, có những yếu tố nguy cơ gây bệnh tim phổ biến ở cả hai giới tính, ví dụ cholesterol và huyết áp cao. Ông cũng lo ngại tiểu đường type 2 và béo phì gia tăng có thể khiến tỷ lệ bệnh tim cao hơn trong dân số già.
"Bạn có thể phòng ngừa bệnh bằng cách thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc. Điều quan trọng là chẩn đoán và điều trị sớm", Banerjee nói.