Cháy rừng đang hoành hành tại nhiều vùng ở Nam Mỹ, từ rừng nhiệt đới Amazon của Brazil đến vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới và các khu rừng khô nhiệt đới ở Bolivia.
Theo dữ liệu vệ tinh được Viện nghiên cứu vũ trụ Brazil (Inpe) phân tích, từ đầu năm 2024 đến ngày 11/9, có 346.112 điểm nóng cháy rừng tại tất cả 13 quốc gia Nam Mỹ, vượt qua kỷ lục năm 2007 là 345.322 điểm nóng trong chuỗi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận từ năm 1998.
Khói bốc ra từ các đám cháy ở Brazil đã khiến bầu trời trên các thành phố như Sao Paulo tối mịt, hòa vào hành lang khói cháy rừng được nhìn thấy từ vũ trụ, trải dài theo đường chéo trên khắp lục địa từ phía Tây Bắc của Colombia đến phía Đông Nam của Uruguay.
Hiện Brazil và Bolivia đã điều động hàng nghìn lính cứu hỏa trong nỗ lực kiểm soát các đám cháy song gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt đang khiến hỏa hoạn ngày một nghiêm trọng.
Các nhà khoa học cho biết trong khi hầu hết các đám cháy đều do con người gây ra, thì điều kiện thời tiết nóng và khô hạn gần đây do biến đổi khí hậu đang khiến đám cháy lan rộng nhanh hơn. Từ năm ngoái, Nam Mỹ đã hứng chịu một loạt đợt nắng nóng như thiêu đốt.
Karla Longo, nhà nghiên cứu chất lượng không khí tại Inpe, cho biết Sao Paolo đã không có mùa Đông khi nhiệt độ tại đây là 32 độ C (hôm 7/9), bất chấp việc thời điểm hiện tại ở Nam bán cầu đang là mùa Đông.
Theo Cơ quan giám sát thiên tai quốc gia Cemaden của Brazil, năm ngoái nước này ghi nhận tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử. Theo dữ liệu của Inpe, số lượng đám cháy rừng lớn nhất trong tháng này là ở Brazil và Bolivia, tiếp theo là Peru, Argentina và Paraguay. Các đám cháy bất thường dữ dội xảy ra ở Venezuela, Guyana và Colombia đầu năm nay đã góp phần vào con số kỷ lục đám cháy ở Nam Mỹ, song đến nay đã giảm bớt.
Chuyên gia Longo cho biết cháy rừng tại Amazon đã khiến cả một khu vực rộng lớn (khoảng 9 triệu km2, tương đương một nửa diện tích Nam Mỹ) mù mịt khói, giống như đám mây hình nấm nguyên tử.
Theo trang web IQAir.com, do ảnh hưởng của cháy rừng, Sao Paulo, thành phố đông dân nhất ở Tây bán cầu, đầu tuần này có chất lượng không khí tồi tệ nhất trên toàn cầu, cao hơn cả các điểm nóng ô nhiễm nổi tiếng như Trung Quốc và Ấn Độ.
Việc tiếp xúc với khói sẽ khiến số người phải nhập viện điều trị các vấn đề về đường hô hấp tăng lên và có thể gây ra hàng nghìn ca tử vong sớm.
VietBF@ sưu tập
|