Cuộc tấn công tên lửa trực tiếp của Iran vào Israel gần đây đánh dấu sự thay đổi từ chiến tranh ủy nhiệm thường thấy, báo hiệu khả năng tên lửa đang mở rộng của Tehran. Theo CSIS, kho vũ khí của Iran bao gồm hàng nghìn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, với tầm bắn có thể dễ dàng vươn tới Israel.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là chương trình không gian đang tiến triển của Iran, có khả năng phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Với công nghệ nhiên liệu rắn và chuyên môn về tên lửa được củng cố nhờ hợp tác với Nga, Iran dường như đang tiến gần đến việc sở hữu ICBM.
Những tiến bộ của Iran làm nổi bật mối đe dọa cấp bách đối với các quan chức quốc phòng Mỹ và Israel, trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông vẫn tiếp diễn.
Các đợt tấn công gần đây của Iran nhằm vào nhà nước Do Thái cho thấy quốc gia này đang tiến gần đến việc có được công nghệ cần thiết, để triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Vào tháng 4/2024, đánh dấu lần đầu tiên Tehran tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột với Tel Aviv khi phóng hơn 300 quả đạn các loại vào lãnh thổ Israel.
Trước đó, Iran thường sử dụng các nhóm vũ trang được hậu thuẫn trong khu vực để tiến hành các cuộc tấn công tương tự vì họ ở gần Israel hơn. Tuy nhiên, những cuộc tấn công trực tiếp của Tehran trong thời gian gần đây là minh chứng cho thấy kho tên lửa ngày càng lớn mạnh của nước này.
Theo báo cáo năm 2021 do Dự án Đe dọa Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố, Iran sở hữu hàng nghìn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình với nhiều khả năng và tầm bắn khác nhau. Kho tên lửa hành trình của Tehran là nguy hiểm nhất, vì chúng có thể bay với tốc độ gấp nhiều lần tốc độ âm thanh và có thể với đến lãnh thổ Israel từ Iran trong vòng chưa đầy mười lăm phút.
Các tên lửa nguy hiểm nhất do Iran chế tạo là các mẫu Sekkil, Kheibar và Haj Qasem. Sekkil là vũ khí tầm trung có khả năng mang tải trọng 700 kg và có thể bắn tới mục tiêu cách xa tới 2.500 km. Kheibar và Haj Qasem có tầm bắn lần lượt là 2.000 và 1.400 km.
Chương trình không gian của Iran
Hiện Tehran chưa sở hữu ICBM, (loại vũ khí có tầm bắn xa hơn 5.500 km) nhưng các chuyên gia tin rằng chương trình không gian của họ có thể đẩy nhanh quá trình phát triển loại tên lửa sát thương này. Vì các phương tiện phóng không gian và tên lửa đẩy thường giống hệt về công nghệ và các thành phần cần thiết để phóng ICBM, nên Tehran có khả năng sử dụng chương trình không gian của mình để tiến gần hơn đến việc triển khai các loại tên lửa này.
Theo Quỹ Bảo vệ Dân chủ, "Chương trình không gian của Iran từ lâu đã đóng vai trò là vỏ bọc cho việc phát triển và thử nghiệm các thành phần cho ICBM. Với việc Iran gửi tên lửa đến Nga để sử dụng chống lại Ukraine, Nga có thể đáp lại bằng cách cung cấp cho Iran các công cụ và kiến thức cần thiết để phát triển chương trình phóng không gian của nước này. Kết hợp với việc Iran gần đây tăng tốc sản xuất uranium làm giàu, khả năng phóng không gian sẽ đưa nước này tiến gần hơn đến việc triển khai vũ khí hạt nhân và có thể đe dọa đến lãnh thổ Mỹ".
Bước ngoặt trong nỗ lực của Iran nhằm có được công nghệ ICBM diễn ra vào năm 2020 khi quốc gia này phóng vệ tinh quân sự thành công đầu tiên (Noor-1), được mang theo bằng tên lửa đẩy ba tầng Qased do nước này tự chế tạo. Vụ phóng đáng chú ý này cho thấy nhiên liệu rắn có tiềm năng nâng cao các thiết kế tên lửa trong tương lai của quốc gia này.
Xây dựng các chương trình vũ khí trên diện rộng là ưu tiên hàng đầu của Iran. Khi Tehran đạt được những đột phá về công nghệ hạt nhân, chắc chắn họ sẽ đổ nguồn lực vào việc xây dựng một hệ thống phương tiện mang vũ khí hạt nhân có khả năng như ICBM.
VietBF@ Sưu tập