Tự dưng sáng nay làm siêng đi đốt rác, khói vương mắt cay xè.
Tự dưng nhớ.
Cả một thời ấu thơ bay về rợp ký ức...
Ngày còn nhỏ nhà nghèo, toàn chụm bếp củi. Ba uốn cong thanh sắt thành cái kiềng dài nấu được lần hai xoong. Củi thì mấy chị em gom từ hồi hè. Cứ mỗi khi hè đến nghỉ học, chị em lại rủ nhau mót củi từ những vườn điều, vườn tràm người ta tỉa nhánh. Lâu lâu hên gặp được vườn họ hạ cây bán gỗ thì mừng còn hơn trúng số nữa. Củi được chặt từ khi còn tươi, lấy xe đạp thồ về, xếp gọn bên chái bếp. Cứ bỏ mặc đó dầm mưa nắng ba tháng hè, tới đầu năm học là củi khô, chụm được rồi.
Bình thường ngày nắng khi nào nấu cơm chỉ cần ra đống củi ôm một ôm là đủ nấu cả ngày. Mưa thì cực hơn, dù đã lấy bao ni-lon trùm kín đống củi, vậy mà củi vẫn ẩm ướt, canh khi nào trời hửng nắng là phải tranh thủ đem hong cho khô. Mà có khô được đâu. Củi ẩm chụm khói nhiều cay xè, nước mắt giàn giụa y như đang khóc.
Nấu hoài thì nhìn khói cũng biết củi khô hay ướt nữa. Củi khô khói mỏng như vải voan, lượn lờ bay chút đã tan vào không khí. Củi ướt thì khói đặc, nhiều, đậm màu hơn, mà hăng nồng cay mắt lắm. Gặp những ngày mưa, quần áo giặt chẳng khô được, đành phải đem hong khô có cái mà mặc đi học. Củi ướt. Quần áo ướt. Khói được dịp trổ tài bám dày vào thớ vải. Mặc cái áo đi học mà như mang cả gian bếp đến trường, hăng nồng mùi khói. Đến độ bạn học phải nhăn mũi khó chịu khi ngồi gần, bởi vậy chỉ thui thủi chơi một mình, ngó nắng ngoài sân trường, hóng cây bàng từ khi ra hoa vàng tới khi quả chín vàng rụng đầy gốc.
Dẫu vậy chẳng bao giờ ghét khói. Chỉ là sau này khi tôi lên đại học, xa nhà, ở thành phố toàn nấu bếp gas. Phố mà, củi đâu mà nấu. Cho dù có củi thì cũng chẳng có không gian rộng như ở nhà quê để tự do nấu bếp củi. Phố mà đốt chút rác hàng xóm cũng đã rần rần la làng khói quá, ô nhiễm môi trường quá. Hơn nữa, thời đại phát triển, má cũng mua bếp gas xài với người ta. Nấu cho nhanh, má biểu. Công chuyện thì nhiều mà còn mò mẫm nấu củi biết chừng nào xong. Mà giờ, củi cũng hiếm hoi, người ta cưa cây san nền bán hết đất rồi, đâu còn những vườn điều, vườn tràm bạt ngàn như hồi đó nữa. Thành ra, bao nhiêu năm nay vắng khói, chẳng còn cơ hội được khói ám vào tóc, vào quần áo nữa. Con người thiệt lạ, có thì than, thì mong đừng có, rồi khi không có lại nhớ, lại tiếc.
Nhất là khi người ta ở độ tuổi lưng lửng dốc đời, niềm nhớ, tiếc lại càng cồn cào, day dứt hơn. Bởi tự dưng khói lỡ vương vào mắt có chút xíu mà tôi khóc thiệt. Không phải cay mắt, mà là nhớ. Tôi nhớ cái tuổi thơ cơ cực. Tôi tiếc tháng ngày ấu thơ bên chị em, bên ba má. Thời đó tuy nghèo mà bình yên, sum vầy. Giờ thì mỗi người một nơi, tính tình cũng thay đổi nhiều. Như lũ gà con hồi nhỏ chiêm chiếp rúc cánh mẹ, ngủ cùng nhau, lớn chút có lông có cánh thì lại đá nhau, cắn nhau giành ăn. Ai cũng lo thu vén cho gia đình nhỏ của mình, ganh ghét nhau.
Thôi thì đành nhớ. Ký ức bao giờ cũng là nơi yên bình nhất cho tâm hồn trú ẩn.
Và tôi trốn trong ký ức để được thỏa thích hít hà mùi khói. Nhớ những sáng giáp tết như vầy, trời lạnh, sương dày, má thường dậy sớm đốt đống lá gom từ hồi chiều qua cho lũ con ngồi sưởi ấm. Nhà nghèo, quần áo ấm đâu có, má biểu cả năm lạnh có mấy ngày, sưởi ấm đi chớ mua quần áo mà mặc được có mấy bữa phí lắm. Vậy là sáng nào cũng vậy, chúng tôi dậy sớm chồm hổm ngồi cạnh nhau bên đống lửa, hơ tay, hơ chân cho ấm. Ngồi thì buồn tay buồn chân, chúng tôi rủ nhau nướng đủ thứ. Lúc thì vùi hạt mít, củ khoai lang còi cọc mót ngoài vườn, trái chuối chưa kịp chín còn chát xít. Bữa nào sang thì có bắp nếp, đó là những ngày vườn bắp bắt đầu khô râu, hạt căng sữa, sau vài bữa thì bắp già, ăn cứng. Hết bắp nếp, chúng tôi lén bẻ cả bắp đỏ trồng cho gà đã già ngắc đem vùi ăn. Ăn xong mặt mày đứa nào đứa nấy lem nhem nhọ nồi, nhìn nhau phá lên cười. Dĩ nhiên má biết hết mấy trò quậy phá của chúng tôi nhưng không la. Sau này mỗi lần nhắc lại má hay chặc lưỡi tội nghiệp ngày xưa.
Là ngày xưa tội nghiệp hay ngày nay tội nghiệp? Đôi lần tôi vu vơ hỏi lòng mình như vậy. Ngày xưa đói khổ thiệt mà thương yêu, đùm bọc nhau. Ngày nay khá giả thiệt mà cứ lo nhìn nhau để ganh tị, châm thọc. Vậy thì giữa cái xưa và nay cái nào đáng thương hơn cái nào?
Tôi đem câu hỏi vu vơ cài vào trong khói. Khói la đà mặt đất chút ít rồi nhanh chóng bay vào không gian, biến mất. Khói đã lên trời mang theo câu hỏi của tôi. Tôi tin là vậy.
Và, tết sắp về…
Câu hỏi còn lưng lửng đâu đó giữa tầng cao kia, khói tan mất tiêu rồi, ai biết có đưa câu hỏi lên được tới ông trời hay không!