Ở Việt Nam có một môn phái võ thuật lâu đời, vốn được sáng tạo ra để chống lại kẻ thù từ phương Bắc. Môn võ này hiện nay đã rất nổi tiếng, được nhiều bạn trẻ theo học.
Việt Nam trải qua hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước. Dân ta không chỉ hiếu học mà còn rất anh hùng, ham võ thuật. Trong dân gian lưu truyền lại nhiều môn phái, thế võ nổi tiếng. Phái võ Nhất Nam có lẽ là môn phái võ có qui mô, tính tổ chức cao nhất.
Nhất Nam có hệ thống môn công đồ sộ, toàn diện cả về quyền, binh khí, công phu luyện nội, ngoại cùng hệ thống lý luận về tâm pháp, yếu pháp làm cơ sở và nền tảng lý luận cho người tập, giao đấu, đối nhân xử thế.
Ảnh minh họa
Nhất Nam được xây dựng dựa trên đặc điểm riêng về thể trạng của người Việt Nam, với vóc dáng nhỏ con. Đặc biệt, môn võ này vốn được sáng tạo ra nhằm để chống lại kẻ thù phương Bắc. Kỹ thuật nổi trội của Nhất Nam là đánh đoản đòn, lấy đi, ép, trượt, bám, xoay làm chính… Khác với nhiều môn võ khác, Nhất Nam không thiên về phô trương mà phát huy sự nhanh nhẹn, khéo léo, mưu trí của người dùng. Trong khi đó, võ Trung Quốc lại thiên về phát triển cơ cấu tổ chức quân sự, những hình thái tổ chức tôn giáo lớn nên rất nguyên tắc, khuôn thức chặt chẽ và có phần bảo thủ.
Với lối đánh gọn, hẹp, đánh theo 1 phương, lấy đoản binh chế trường trận, Nhất Nam phần nào khắc chế được quyền thuật của Trung Hoa. Võ thuật nước láng giềng Việt Nam thường trải rộng theo một đồ hình, nguyên tắc nhất định. Người Trung Quốc đánh võ rất uy mãnh, cuồng bạo, dồn dập. Nhưng người Việt với Nhất Nam lại di chuyển linh hoạt, bất ổn, tiến thoái vô hình, không dùng sức nhiều, không đối đầu lộ liễu.
Thời kỳ vũ khí còn chưa phát triển, võ thuật trở thành sức mạnh lớn nhất giúp tổ tiên ta chống lại quân thù, giặc xâm lăng. Với thể hình nhỏ bé, người Việt khó có thể đánh theo đối đòn và trả miếng với đối thủ. Để khắc chế lại võ của Trung Quốc, chúng ta đã tìm ra thế mạnh riêng và luyện tập chúng thật nhuần nhuyễn. Võ thuật Việt Nam nói chung, Nhất Nam nói riêng thiên về sự nhanh nhẹn, tránh né rồi chọn cơ hội nhắm vào điểm yếu, chỗ hiểm của địch để ra đòn.
Thế mới nói, tinh hoa võ thuật Việt Nam có thể gói gọn trong câu: “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”. Các võ sư Nhất Nam thì có câu: “Học đạt cái tinh để chế cái nhiều, cái tĩnh để chế cái động, cái đột để phá cái ì, cái cong để chống cái cứng, cái thẳng để chống cái vòng…. tất cả đều phải đạt đến độ quyền biến, tức tới mức thần quyền”.
Võ Nhất Nam xưa kia có 12 đẳng, ứng với 12 vạch, nhưng hiện tại chỉ còn 9 đẳng. Ngày nay giới trẻ có nhiều người biết đến môn võ cổ truyền này của Việt Nam và theo học nó.