Các nhà khoa học xác nhận mùa hè năm nay đã phá vỡ kỷ lục toàn cầu trong hai năm liên tiếp, tức mùa hè 2024 lại vừa vượt qua mùa hè 2023 để trở thành mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận.
Kỷ lục nắng nóng liên tiếp bị xô đổ
Theo dữ liệu được Copernicus - cơ quan dịch vụ biến đổi khí hậu châu Âu - công bố vào thứ Sáu vừa qua, giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 ở Bắc bán cầu năm nay là giai đoạn nóng nhất thế giới kể từ năm 1940 khi dữ liệu được ghi chép.
Cơ quan Copernicus phát hiện ra nhiệt độ mùa hè năm nay cao hơn 0,69 độ C so với mức trung bình từ năm 1991 đến năm 2020, vượt qua kỷ lục mùa hè năm ngoái 0,03 độ C.Các nhà khoa học cảnh báo rằng đây sẽ không phải là kỷ lục cuối cùng, vì con người vẫn tiếp tục khai thác nhiên liệu hóa thạch, từ đó đẩy nhiệt độ toàn cầu lên cao.
Những tác động và tổn thất đối với sức khỏe và tính mạng con người rất rõ ràng khi các quốc gia trên khắp thế giới đang phải chịu đựng một mùa hè khắc nghiệt, gây ra các đợt nắng nóng chết người, cháy rừng và bão.
Ngay cả nhiệt độ mùa đông ở Nam bán cầu cũng rất khắc nghiệt. Tháng trước, Úc đã phá kỷ lục quốc gia này về ngày nóng nhất trong tháng 8 với nhiệt độ 41,6 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ các vùng ở Nam Cực đã tăng tới 10 độ C so với bình thường vào tháng 7.
Copernicus xác nhận rằng mùa hè năm nay cũng đã khép lại bằng tháng 8 nóng nhất từng được ghi nhận. Với nhiệt độ trung bình là 16,82 độ C, nhiệt độ tháng 8 đã cao hơn 1,51 độ C so với nhiệt độ trung bình trong thời kỳ tiền công nghiệp, thời điểm mà trước khi con người bắt đầu đốt một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch.
Năm 2024 sẽ nóng nhất lịch sử?
Trong vòng 12 tháng từ tháng 9 năm 2023 đến tháng 8 năm 2024 cũng là khoảng thời gian nóng nhất từng được ghi nhận trong bất kỳ giai đoạn nào trong năm và ấm hơn 1,64 độ C so với mức nhiệt trước thời kỳ công nghiệp.Phó giám đốc Copernicus Samantha Burgess cho biết rằng: "Chuỗi nhiệt độ kỷ lục này làm tăng khả năng năm 2024 sẽ là nóng nhất".
Hiện tượng El Nino cũng góp phần khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao tronng năm nay, bên cạnh các yếu tố do con người gây ra như đốt nhiên liệu hóa thạch. Hiện tượng El Niño đã kết thúc vào tháng 6 nhưng các nhà khoa học cho biết tác động của nó không dừng lại ngay lập tức.
"Sự nóng lên toàn cầu kỷ lục vào mùa hè này được dự đoán là do nhiệt độ kéo dài từ sự kiện El Niño, cũng như khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người", Richard Allan, giáo sư khoa học khí hậu tại Đại học Reading ở Anh cho biết.
Allan nói với CNN rằng “cực kỳ đáng báo động" khi nhiệt độ 12 tháng qua đã vượt quá 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp, nhưng đó "là điều không thể tránh khỏi do tốc độ hành động chậm chạp của các quốc gia" trong việc giảm lượng phát thải làm nóng Trái đất.
Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng chúng ta cần hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ công nghiệp để ngăn chặn những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.
Mặc dù mối lo ngại không dựa vào số liệu của từng năm mà tính trung bình trong nhiều thập kỷ, nhưng những “hồi chuông báo động” về diễn tiến và tác động của nó đối với cuộc sống của con người đang được gióng lên.
Bà Burgess đã cảnh báo về những điều tồi tệ hơn nhiều sắp xảy ra: "Các sự kiện cực đoan liên quan đến nhiệt độ vào mùa hè sẽ chỉ trở nên càng dữ dội, với hậu quả tàn khốc đối với con người và hành tinh này, trừ khi chúng ta hành động khẩn cấp để giảm phát thải khí nhà kính".
|