Nhiều ngày nay, hơn 600 hộ với khoảng 2.500 nhân khẩu thuộc Kênh Gà (xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) bị cô lập bởi mưa lũ sau bão số 3. Phóng viên Dân Việt đã về trực tiếp nơi đây ghi nhận cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Học cách thích ứng với nước lũ dâng
Để vào khu vực Kênh Gà (xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) nơi có hơn 600 hộ dân với 2.500 khẩu đang bị cô lập, chia cắt sau bão số 3, phóng viên Dân Việt được ông Trần Văn Vĩ (thôn 2, xã Gia Lập) dùng thuyền làm bằng tôn đưa tới các hộ dân xung quanh.
Qua quan sát chúng tôi thấy nước sông Hoàng Long vẫn chảy xiết, hai bên bờ sông là những ngôi nhà của người dân bị ngập, có nhà nước dâng lên hết hết tầng 1. Ông Vĩ cho biết: "Người dân ở Kênh Gà dường như đã quen với tình huống ngập lụt, nên đã có sự chuẩn bị để ứng phó".
Ông Vĩ nói tiếp, ở đây nhà nào cũng chuẩn bị một chiếc thuyền bằng tôn hoặc xi măng phòng khi có sự cố nước sông Hoàng Long lên. Đồng thời, thuyền còn là nhà, nơi cất đồ đạc, nấu ăn…khi lũ thượng nguồn bất ngờ đổ về.
Trực tiếp nấu cơm trên thuyền, chị Nguyễn Thị Huyền (thôn 2, xã Gia Thịnh) chia sẻ: "Gia đình tôi có 8 người, khi nước lũ dâng tôi đã gửi các cháu đến nhà người thân bên trong đê. Chúng tôi quen với cảnh nước sông Hoàng Long dâng thế này rồi".
Chị Huyền hy vọng nước sông rút nhanh để còn về dọn nhà cửa, con cái quay lại trường học như bình thường.
Hiện tại ở khu vực Kênh Gà mất điện, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt nước sạch để ăn uống hiện là vấn đề cấp thiết nhất đối với bà con lúc này.
Trong quá trình đi ghi nhận cuộc sống người dân vùng Kênh Gà (xã Gia Thịnh), chúng tôi bắt gặp nhiều chuyến hàng cứu trợ được vận chuyển bằng thuyền từ chính quyền, người dân đến người dân Kênh Gà.
Chị Trần Thị Vân (thôn 2, xã Gia Thịnh) nói: "Nước sông Hoàng Long dâng cao tới nóc nhà tôi, để đảm bảo an toàn tôi đã di chuyển sang nhà mẹ đẻ. Ở đây tôi cũng nhận được các gói hàng cứu trợ như: Nước uống, mì tôm, lương khô…tôi chia, dùng tiết kiệm bởi chưa biết lúc nào nước mới rút cạn".
Ông Trần Duy Nhất, Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh cho biết: "Do ảnh hưởng của bão số 3-cơn bão Yagi, từ ngày 7/9 đến nay toàn bộ địa giới hành chính Kênh Gà được tổ chức thành 3 thôn gồm: thôn 1, thôn 2 và thôn 3 với hàng trăm hộ dân bị ngập. Công tác "4 tại chỗ" được địa phương chấp hành nghiêm túc".
Ông Nhất cho biết thêm, địa phương đã có những hoạt động hỗ trợ đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ như: Giao Ban Công tác Mặt trận các thôn tổ chức rà soát các hộ già cả, neo đơn, hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn để di chuyển đến ở nhờ các hộ có nhà cao tầng, nhà liền kề. Đồng thời, quan tâm các điều kiện ổn định tình hình đời sống, lương thực, nước sạch cho người dân...
Nước sông Hoàng Long đang xuống
Theo thông tin, sáng 13/9 của Đài Khí tượng thủy văn Ninh Bình, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế giảm còn 4,82m; dự báo trong 12 giờ tới sẽ biến đổi chậm theo xu thế xuống nhưng vẫn ở mức cao.
Dự báo trong 12h tới, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu biến đổi chậm theo xu thế xuống nhưng vẫn ở mức cao. Mực nước trên sông Đáy tại Ninh Bình biến đổi chậm, chịu ảnh hưởng của thủy triều và dao động ở mức cao.
Trong 12-24 giờ tiếp theo, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu biến đổi chậm theo xu thế xuống nhưng vẫn ở mức cao. Mực nước trên sông Đáy tại Ninh Bình biến đổi chậm, chịu ảnh hưởng của thủy triều và dao động ở mức cao.
Trước đó, tối 12/9, mực nước tại Bến Đế đã đạt đỉnh ở mức 4,93m, trên báo động 3: 0,93m; tại Gián Khẩu ở mức 4,53m, trên báo động 3: 0,83m, cao hơn mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017 (4,50m) 0,03m. Sông Đáy tại Ninh Bình đạt đỉnh thứ nhất ở mức 4,21m, trên báo động 3: 0,71m, cao hơn mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017 (3,94m) 0,27m.
Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: "Chúng tôi đã huy động mọi lực lượng tham gia ứng cứu về con người, tài sản ở những khu vực bị ảnh hưởng ngập lụt. Hiện tại nước sông Hoàng Long đang xuống chậm".
VietBF@ sưu tập
|
|