RFA
Những người Việt Nam vốn từng cộng tác với các cơ quan của Liên Hiệp quốc (LHQ) để báo cáo tình trạng vi phạm nhân quyền của quốc gia độc đảng này, đã và đang hạn chế các hoạt động của mình do lo ngại bị trả thù.
Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền (OHCHR) ngày 10/9 công bố báo cáo mang tựa đề “Cooperation with the United Nations, its representatives and mechanisms in the field of human rights - Report of the Secretary-General” (tạm dịch: Hợp tác với LHQ, các đại diện và cơ chế trong lĩnh vực nhân quyền- Báo cáo của Tổng Thư ký).
Trong báo cáo được trình bày trước tại kỳ họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền LHQ từ ngày 09/9 đến ngày 09/10, Việt Nam cùng với Indonesia và Philippines là ba quốc gia ở khu vực Đông Nam Á bị nêu danh là có hành vi trả thù các cá nhân và tổ chức cộng tác với LHQ trong thời gian từ tháng 5/2023 đến tháng 4/2024.
“Theo thông tin mà OHCHR nhận được, trong thời gian báo cáo, các tổ chức xã hội dân sự đã kiềm chế không tham gia công khai với các cơ quan và cơ chế nhân quyền của LHQ và yêu cầu ẩn danh và bảo mật trong các đóng góp và cam kết của họ với tổ chức do sợ bị trả thù,” báo cáo nói về Việt Nam.
Hệ quả là số lượng các báo cáo về hồ sơ nhân quyền ở Việt Nam bị giảm sút trong đợt Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Việt Nam trước Hội đồng Nhân quyền hồi tháng 5.
Ông Quyết Hồ, một nhà hoạt động nhân quyền ở Đà Nẵng, đồng ý với đánh giá của LHQ. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 13/9 trong tư cách một người có đóng góp vào báo cáo nhân quyền gửi LHQ:
“Chính quyền Việt Nam trả thù các tổ chức và cá nhân báo cáo vi phạm nhân quyền lên các cơ quan nhân quyền quốc tế.
Không những thế, Cơ quan an ninh của Bộ Công an còn trả thù cả những người nào dám tham gia trả lời báo chí nước ngoài hoặc báo chí của người Việt ở hải ngoại. Gần đây, nhiều người đã bị bỏ tù vì những clip trả lời báo chí nước ngoài trước đó.”
Ông cho biết chính quyền độc đảng ở Việt Nam đang vũ khí hoá luật pháp nhằm trấn áp các ý kiến bất đồng, và do vậy, nhiều người đã chọn cách im lặng để được yên thân, thậm chí từ bỏ những quyền bày tỏ ôn hoà nhất trên không gian mạng.
Một nhà hoạt động nhân quyền khác muốn ẩn danh vì lý do an ninh, nói việc Chính phủ Việt Nam trả thù những tổ chức, cá nhân dám lên tiếng về vi phạm nhân quyền cho thấy một môi trường hạn chế nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận.
Theo bà, các hành động đó không chỉ làm giảm ý chí của những cá nhân và tổ chức muốn bảo vệ quyền con người mà còn tạo ra một bầu không khí sợ hãi trong xã hội. Hơn nữa, nó có thể dẫn đến việc thế giới thiếu thông tin chính xác và đầy đủ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Ngoài ra, báo cáo của Tổng Thư ký LHQ dẫn báo cáo của Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc (CERD) về Việt Nam, trong đó nói rằng những người làm việc vì quyền của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo, người bản địa đã bị nhắm mục tiêu một cách có hệ thống bằng bạo lực, đe dọa, giám sát, và trả thù do công việc của họ.
Ủy ban này nêu điển hình trường hợp của hai người Thượng là ông Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban bị các cơ quan chức năng Việt Nam trấn áp trước và sau khi diễn ra Hội nghị Tự do Tôn giáo hoặc Niềm tin Đông Nam Á (SEAFORB) được tổ chức ở tại Bali (Indonesia) năm 2022, một sự kiện mà người tham dự có cơ hội tương tác với đại diện của LHQ và nâng cao nhận thức về cách tham gia vào các cơ chế nhân quyền của tổ chức này.
Hai ông bị chặn xuất cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất khi đang trên đường đi dự hội nghị ở Bali. Sau đó, họ bị an ninh đưa trở về Đắk Lắk thẩm vấn và đe doạ nhiều lần về các mối liên hệ của họ với các tổ chức bên ngoài Việt Nam trong việc ghi chép và báo cáo về tình hình của người Thượng.
Chính phủ Việt Nam phản bác cáo buộc bắt giữ tùy tiện, giám sát và hạn chế đi lại đối với hai nhà hoạt động người Thượng nói trên.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về báo cáo của Tổng Thư ký LHQ nhưng chưa nhận được ngay câu trả lời.
Bộ Ngoại giao luôn bác bỏ các cáo buộc đàn áp nhân quyền từ LHQ và các tổ chức nhân quyền quốc tế, nói rằng các cáo buộc dựa trên những thông tin không đúng và chưa kiểm chứng.
|