Một tuần sau khi được Viettel thương mại hóa, đã mang đến cho người dùng những trải nghiệm thú vị về mạng dữ liệu tốc độ cao. Tuy nhiên tốc độ vẫn còn thất thường, chênh lệch đáng kể khi đo ở các địa điểm khác nhau.Sau 3 tháng kể từ khi được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép sử dụng tần số để nhà mạng thương mại hóa 5G, Viettel đã đi đầu trong việc triển khai mạng 5G độc lập - 5G Standalone tại Việt Nam.
Theo như công bố của nhà mạng, tốc độ truyền tải có thể đạt từ 700Mbps-1Gb, gấp 10 lần so với 4G và độ trễ thấp gần như bằng 0.
Thông qua một số ứng dụng như i-Speed, Ookla Speedtest phóng viên ghi nhận có những thời điểm tốc độ download có lúc đạt hơn 700 Mbps, nhưng cách đó vài chục mét có thể xuống dưới 100 Mbps.
Nguyễn Ngọc Duy Luân - một tester công nghệ quen thuộc với cộng đồng cũng là một trong những người có trải nghiệm đầu tiên về mạng 5G tại khu vực TP Hồ Chí Minh. Duy Luân chia sẻ, khi test tại đường Đông Du, thuộc Quận 1 thì tốc độ đạt đến hơn 380Mbps. Khu vực tốc độ cao nhất mà Luân ghi nhận được là hơn 500Mbps và thấp nhất là gần 200Mbps.
Tại địa bàn một tỉnh lẻ miền Trung, phóng viên ghi nhận tốc độ đa phần dưới 100Mbps. Cá biệt có những lần thậm chí tốc độ còn xuống dưới 50Mbps, tương đương với mức trung bình 4G.
Công cụ Speedtest cũng đưa ra một thống kê cho thấy mạng 5G mà họ theo dõi trong quý III/2024 tại Việt Nam có tốc độ trung bình hơn 300 Mbps, gấp gần sáu lần tốc độ trung bình của 4G trong nước. Đây là giai đoạn các nhà mạng chuẩn bị thương mại hóa công nghệ kết nối mới và nhiều người có thể bắt sóng, dùng thử.
Chuyên gia phân tích Affandy Johan của Ookla - công ty phát triển công cụ Speedtest, "đây là giai đoạn rất sớm của 5G tại Việt Nam", vì vậy người dùng sẽ gặp tình trạng tốc độ và tín hiệu kém ổn định, cần thời gian để chất lượng đồng đều như 4G. Một số yếu tố chính có thể ảnh hưởng đến kết quả đo tốc độ mạng là khoảng cách đến trạm phát sóng, vật cản và số lượng thiết bị kết nối vào một trạm.
Affandy Johan cho biết thêm, nhà mạng khi triển khai 5G có xu hướng tập trung tại khu vực đô thị, đông người. Khi số lượng người dùng không nhiều, một số trạm thu phát sóng "dư thừa dung lượng", dẫn đến tốc độ truy cập rất cao.
Hạn chế của giai đoạn đầu triển khai là số lượng trạm ít, vùng phủ sóng không đều, hoặc chịu ảnh hưởng khi ở nơi đông người hoặc trong nhà. Ngoài ra, 5G của Viettel khai thác trên tần số tầm trung 2,6 GHz, còn 4G là 1,8 GHz. Theo lý thuyết, tần số càng cao suy hao càng mạnh, độ phủ của một trạm 5G với tần số trên có thể thấp hơn 15-20% so với trạm 4G hiện nay.
Khi Viettel triển khai mạng 4G vào năm 2017, số lượng thiết bị đầu cuối rất phổ biến. Nhà mạng này có 36 nghìn trạm 4G, phủ rộng trên 90% dân số trên toàn quốc ngay trong giai đoạn ra mắt. Hiện tại với mạng 5G, Viettel cho biết đã lắp đặt 6.500 trạm trên cả nước, mức rất nhỏ so với hàng chục nghìn trạm 4G. Hiện tại, các nhà mạng khác chưa triển khai thương mại chính thức 5G nên chưa có các số liệu cụ thể.
Liên minh Liên minh Viễn thông quốc tế ITU trong một báo cáo cho biết: "Ở hầu hết thị trường triển khai 5G, nhà mạng thường kết hợp băng tần thấp và băng tần trung để cân bằng hiệu suất tốc độ cao - phạm vi phủ sóng".
Tại Việt Nam, băng tần thấp 700 MHz vẫn đang trong quá trình chuẩn bị đấu giá. Tại cuộc họp tuần trước, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ có phương án tổ chức đấu giá sau khi Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều Luật Viễn thông 2023 được ban hành và có hiệu lực.
|