MỘT CÂU CHUYỆN Ý NGHĨA
Ông Winston Churchill –
Cựu Thủ tướng Anh từng nói rằng “chúng ta sinh sống bằng những gì chúng ta kiếm được, nhưng chúng ta tạo lập đời mình bằng chính những gì mà chúng ta cho đi”.
Thế giới này là một nơi tuyệt vời. Bạn cho đi thứ gì thì sẽ nhận được những điều tốt đẹp đáp lại!
Câu chuyện ý nghĩa dưới đây sẽ giúp mỗi chúng ta nhìn thấy được “nhân” và “quả” của cuộc đời mình, nó cũng sẽ là bài học để mỗi khi bạn đứng trước một hoàn cảnh cần phải gieo hạt tốt, bạn sẽ không ngần ngại hành động.
THOÁT CHẾT VÌ HÀNH ĐỘNG THEO NHÂN – QUẢ
Câu chuyện kể về vị danh tướng Dwight Eisenhower. Ông là một vị tướng 5 sao trong Lục quân Hoa Kỳ và là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 34 từ năm 1953 đến 1961. Trong thời Thế chiến thứ 2, ông phục vụ với tư cách là tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh tại Châu Âu, có trách nhiệm lập kế hoạch và giám sát cuộc tiến công xâm chiếm thành công vào nước Pháp và Đức năm 1944 – 45 từ mặt trận phía Tây.
Vào thời đó, một hôm ông Eisenhower cùng với đoàn tùy tùng vội vã lái xe về tổng hành dinh quân đội ở Pháp để tham dự một cuộc họp khẩn cấp.
Lúc đó trời đang mùa đông lạnh buốt lại thêm mưa tuyết rơi phủ đầy khắp nơi. Xe đang chạy thì ông bất ngờ để ý nhìn thấy có hai vợ chồng già người Pháp ngồi ở bên lề đường đang run rẩy vì cái lạnh giá buốt.
Ông lập tức ra lệnh cho đoàn tùy tùng ngừng lại và muốn phái một thông dịch viên tiếng Pháp tới hỏi thăm cặp vợ chồng này.
Một viên tham mưu nhắc nhở ông là nên để cho nhân viên công vụ tại địa phương lo chuyện này, phái đoàn phải đi nhanh lên vì sợ trễ cuộc họp. Ông nói nếu đợi cảnh sát địa phương tới thì sợ là quá muộn và hai người này sẽ chết cóng.
Sau khi hỏi thăm, ông Eisenhower biết được là họ đang muốn tới Paris để gặp con trai nhưng xe của họ bị chết máy giữa đường.
Ông bảo hai vợ chồng già mau lên xe của ông. Ông liền ra lệnh thay đổi lộ trình, đưa cặp vợ chồng tới Paris trước, rồi ông và đoàn tùy tùng mới lái xe tới tổng hành dinh để dự cuộc họp.
Không ngờ chính sự chuyển hướng bất ngờ ngoài kế hoạch này đã cứu mạng ông! Quân Quốc Xã có tin tình báo nên biết chính xác hành trình của ông và đã bố trí sẵn các tay súng bắn tỉa nấp rình tại các ngã tư. Nếu ông tới thì sẽ bị hạ sát ngay chỗ đó. Nhưng hóa ra chỉ nhờ vào lòng tốt gieo đúng lúc đã giúp ông đổi lộ trình và tránh thoát cuộc mưu sát.
THOÁT CHẾT
Câu chuyện thâm thúy trên đang nói với chúng ta một triết lý mà không phải ai cũng thấu hiểu, tin tưởng.
Sự cho đi hay “gieo hạt” là một quy luật vũ trụ, sự cho đi có ý nghĩa, giá trị chính là ở thời điểm và cách cho. Bạn gieo hạt đúng lúc, có thể thay đổi cả số mệnh và cuộc đời của bạn.
Vì vậy, nếu bạn đang khó khăn, bế tắc,… hãy nhìn lại hành trình mà bạn đã đi qua, sự cho đi đã đúng và đủ hay chưa. Đừng đòi hỏi quá nhiều cho bản thân khi chúng ta chưa biết cho đi nhiều hơn.
Khi đến sống chung với anh ta, em đã làm một chuyện khờ dại, em đã cống hiến anh ta cái tiện nghi hoàn toàn miễn phí, anh ta không có sự ràng buộc nào với em, thí dụ như là một đám cưới, có sự cam kết với nhau về một đời sống có trách nhiệm về nhau và có sự chứng giám thiêng liêng của cha mẹ, thân nhân và bè bạn.
Nếu đã có những cam kết chính thức như thế về tình nghĩa vợ chồng, thì mỗi người đều phải có bổn phận với người kia, em cũng có bổn phận phải trông nom, săn sóc và dậy dỗ đàn con của anh ta, vì em là mẹ kế của chúng nó, nếu em có la mắng chúng vì sự lười biếng học hành, thì cũng là bổn phận đối với con chồng, cũng như con mình, lẽ ra anh ta còn phải cảm ơn em nữa.
Sự kiện anh ta thẳng tay đánh em, và chuyện không lưu tâm đến em, không bỏ chút thời giờ để tìm hiểu em, để biết đến chút ước vọng vun bồi tình yêu của em mà đáp ứng bằng một vài cử chỉ có chút tính cách lãng mạn trong yêu đương như tặng nhau chút quà nhỏ, lâu lâu đưa nhau đi chơi, thăm hỏi âu yếm nhau, mà chỉ … “Từ ngày quen nhau cho tới bây giờ chưa bao giờ anh ấy tặng quà cho em hết, mặc dù anh ấy sắm cho em đầy đủ mọi thứ không thua kém một ai…” …đủ nói lên rằng anh ta không coi em là vợ hoặc người mà anh ta yêu thương, trân quý, em chỉ là một “người đàn bà tiện nghi”, bỏ ra chút tiền bạc cung cấp cho em được ăn mặc đầy đủ về phương diện vật chất là xong chuyện rồi.
Chị rất thương hoàn cảnh sớm thiếu tình yêu thương từ gia đình của em, và thương hơn nữa là sự kiện gia đình em chỉ nhìn vào đời sống vật chất của anh ta mà cổ động em, quên hẳn đi cái em cần — và tất cả mọi người cần — là một cuộc đời “sống cho ra sống”, không phải là một cuộc đời của một cung nữ trong triều đình vua chúa xưa, chỉ có bổn phận làm sao cho vua vui, bản thân chỉ được cơm no áo ấm là đã mang ơn vua chúa cho đến mãn kiếp.
Em hãy mạnh dạn yêu cầu anh ta ngồi xuống, một lần cho tất cả, đem vấn đề nhức nhối này lên bàn mổ, nói thẳng, nói hết, để, một là nếu anh ta nhận ra rằng “em cũng là một con người, có yêu, cần được yêu, và có thể bỏ anh ta mà đi mất”, thì anh ta sẽ, hoặc là bừng tỉnh trước thực tế mà thay đổi nếp sống, hoặc là nếu anh ta đã chán em rồi, cũng muốn em ra đi cho gọn chuyện, hoặc là anh ta chưa bao giờ yêu em cả, hai người sống chung cũng giống như sự âm ỉ của căn bệnh ung thư tiềm ẩn, có thể bùng ra bất cứ lúc nào, thì cũng nên mổ phăng ra, cắt luôn phần bị ung thư đi, em mới tự cứu được, mới xây dựng được cuộc đời đáng sống cho bản thân em, khi mà tuổi trẻ của em còn giúp em làm lại cuộc đời dễ dàng, tâm hồn em còn tươi mát, chưa đến nỗi bị trầy trụa, quá đau đớn, thất vọng, phải rút lui vào bóng tối.
Hãy đứng lên, bước ra ngoài đời, kiếm một việc làm, em có thể cực thân, nhưng tâm em sẽ an lạc, em sẽ có niềm tự tin, sẽ ngẩng cao đầu. Những lời khuyên đại khái “mọi người kể cả gia đình em cũng khuyên em là đừng nên thay đổi, ai cũng nói là kiếm một người chồng biết kiếm ra tiền như anh ấy không phải là dễ … ” đã chôn vùi biết bao nhiêu cuộc đời những người đàn bà tội nghiệp, lẽ ra có thể giữ được khí phách, sống một cuộc đời đáng sống, đành chịu ẩn nhẫn làm thân nô lệ cho đàn ông và đã đẩy biết bao nhiêu người đàn ông, lẽ ra có thể trở thành những người tốt, biết tôn trọng nhân vị của đàn ba, thì lại trở thành những tâm hồn khô khan, ngạo nghễ, chỉ biết dùng đồng tiền, nên cũng chỉ mua được những món có thể dùng tiền để mua, mất hẳn cái bén nhậy, tế nhị, để được thưởng thức cái tinh hoa của cuộc đời.
Em năm nay 20 tuổi, anh ấy 23, em quen anh ấy đã được 3 năm, tình cảm giữa em và anh ấy rất mặn mà, anh ấy đang học computer science, nhưng có một chuyện mà hai đứa em luôn đau khổ: em là người đạo Thiên Chúa, nhưng gia đình anh ấy theo đạo Phật, có nhiều lần anh đã muốn công khai chuyện tình cảm của hai đứa nhưng không dám vì gia đình của anh ấy không chấp nhận anh quen với người có đạo, bản thân anh cũng là con út trong gia đình, cho nên bây giờ hai đứa em quen nhau cứ phải lén lút, điều này làm em buồn lắm, gia đình em khó lắm, không chấp nhận em kết hôn với người ngoại đạo, thậm chí anh ấy đồng ý theo đạo mà ba em cũng còn không chấp nhận, chúng em không thể xa nhau.
Bây chúng em phải làm sao để hai gia đình chấp nhận, bản thân anh là người rất có trách nhiệm, là đứa con ngoan trong gia đình, anh ấy sẵn sàng theo đạo nếu gia đình chấp nhận, nhưng mãi mãi gia đình anh ấy không chấp nhận thì chúng em sẽ phải xa nhau mãi mãi ư, đời em đã thuộc về anh ấy, em không hề hối hận những điều em đã làm, nhưng em phải làm sao để gia đình cho anh ấy theo đạo, chẳng lẽ em cứ chờ đợi mòn mỏi hoài vậy, em và anh ấy yêu nhau là một cái tội ư, bây giờ em phải làm sao đây? Xin chi giúp em với.
Em, N., San Jose
Đáp:
Chị xin tóm lược lại câu chuyện của em:
— Em 20 tuổi, anh ấy 23.
— Hai em quen nhau đã 3 năm, rất yêu nhau và đã có quan hệ như là vợ chồng với nhau.
— Gia đình anh ấy đạo Phật, gia đình em đạo Thiên Chúa.
— Gia đình anh ấy “không chấp nhận anh quen với người có đạo” và “… anh ấy sẵn sàng theo đạo nếu gia đình chấp nhận, nhưng mãi mãi gia đình anh ấy không chấp nhận …”…
— “Gia đình em khó lắm, không chấp nhận em kết hôn với người ngoại đạo, thậm chí anh ấy đồng ý theo đạo mà ba em cũng còn không chấp nhận …”…
Em N. rất thương,
Phải nói thẳng một điều là cả hai gia đình, gia đình em và gia đình anh ấy của em, đều hẹp hòi, ích kỷ, không quan tâm đến hạnh phúc của con cái mà chỉ muốn chúng phải là những con cừu do mình chỉ huy, áp đặt, nếu chúng không làm đúng theo ý mình thì mặc kệ, cho chúng nó đau khổ. Họ không thèm quan tâm đến tình huống cặp tình nhân trẻ, quá yêu nhau, muốn sống chung với nhau nhưng phải lén lén lút lút, nếu người con gái có thai ngoài hôn nhân, rồi hậu quả sẽ ra sao, liệu mầm sống mới chưa kịp mở mắt chào đời kia có vì sự khắt khe của ông bà nội, ông bà ngoại mà đành trôi theo bàn tay nạo thai mà ngậm hờn dưới lòng cống không?
Tuyệt đỉnh của tôn giáo là CHÂN THIỆN MỸ. Nhưng khi tôn giáo đã gom lại thành tổ chức thì đôi khi lại nẩy sinh ra những hạng người cuồng tín, làm những điều khiến cho tôn giáo của họ trở thành biến thể, đi xa cái chân thiện mỹ, mà trở thành một hình thức giống như là phe phái. Phe này muốn lấn lướt phe kia, tự cao về phe mình, không nghiên cứu giáo lý của tôn giáo khác để nhìn thấy được cái tuyệt đỉnh, cái CHÂN THIỆN MỸ mà giáo chủ của họ đã vì những điều đó mà hình thành tôn giáo của họ. Trái lại, cứ như con ếch ngồi dưới đáy giếng, nhìn lên thấy bầu trời nhỏ hơn cái chiếu, tưởng rằng chỉ có đạo của mình là hay nhất, không biết gì về các đạo khác, thậm chí, do không hiểu biết, đôi khi nói những điều vô căn cứ, hoang đường, thành ra như là nói xấu đạo khác vậy.
Căn bệnh trầm kha này đã và đang gây tai họa cho nhân loại qua các cuộc thánh chiến. Chỉ khi nào, hoặc là mọi người đều nghiên cứu thêm về các tôn giáo khác để hiểu biết và thông cảm nhau hơn, hoặc là không nghiên cứu thì cứ nên tôn trọng sự tự do tôn giáo, tự nhủ rằng vì mình thiếu hiểu biết, không thấy cái hay của các tôn giáo khác không có nghĩa là đạo khác xấu, mình có bổn phận phải “cứu vớt”. Đừng nghĩ rằng chỉ có riêng những người theo tôn giáo mình là “có đạo”, còn các người không theo đạo của mình thì gom chung thành “người ngoại đạo”, hoặc “kẻ ngọai” …, cần được giáo dục để “trở lại đạo”. Điều này phải cần đến sự tận tâm giảng dậy của các vị linh hướng có tinh thần cởi mở, hiểu biết rộng, và có tấm lòng từ bi, bác ái, thương xót cho cái kiếp người vốn đã đầy nỗi thống khổ, không nên lợi dụng tôn giáo để quàng thêm vòng dây kẽm gai lên đầu lên cổ tuổi trẻ nữa.
Các em nên cố gắng học hành chăm chỉ để kiếm được việc làm, thoát được ảnh hưởng của gia đình về mặt kinh tế, rồi sau đó, hãy can đảm trình bầy hoàn cảnh thực sự của hai em, là hai em không thể xa nhau được, yêu cầu hai bên cha mẹ tác thành, nếu không, các em đã lớn, các em cũng có bổn phận đối với chính mình, các em có thể tự định đoạt đời các em.
Về việc đổi đạo, chị nghĩ rằng nên giữ sự tế nhị và hợp lý, không nên đem hôn nhân làm một áp lực bắt người khác đổi đạo. Hai em nên đạo ai nấy giữ. Sau này, khi hai em sống chung, chính cung cách sống của các em sẽ nói lên tính ưu việt của tôn giáo mà các em chịu ảnh hưởng. Từ đó, tùy theo lòng kính quý của mỗi em đối với từng tôn giáo, các em vẫn còn dư thời giờ để đổi đạo, nếu muốn. Sự cưỡng bách không thể thấm sâu vào lòng người, mà lại phát sinh ẩn ức.
Để xứng đáng đi vào lãnh vực tâm linh, mỗi người phải có tấm lòng thành khẩn, bước những bước hân hoan, tâm hồn sung mãn với những tư tưởng khai phóng, không phải là những bước lầm lũi tủi hờn vì bị ép buộc.
Em và cô ấy đã tổ chức Lễ Hỏi hồi tháng 11 và em đang “đi cày – đi làm” để chuẩn bị cho ngày cưới của chúng em (tháng 6 này). Đùng một cái cô ấy nói lời chia tay với em. Em thật sự bàng hoàng, bất ngờ. Lúc đó, em phải đồng ý theo nguyện vọng của cô ấy. Em hỏi lý do thì cô ấy trả lời:
“Không còn yêu, chỉ có lòng thương”.
Sau đó, em có tâm sự với chị của cô ta (cô ấy sống với chị và ở xa bố mẹ). Chị cô ấy nói là hãy để cho T. có thời gian suy nghĩ, em đồng ý. Một lần, sau khi em liên lạc với chị cô ấy, thì được biết là cô ấy đi chơi xa với bạn 2 ngày mới về. Nhưng thực ra, theo em biết thì cô ấy và chị cô ấy cùng đi chơi với 2 người bạn trai ở tiểu bang khác qua chơi. Em cũng chưa có dịp nói cho cô ấy biết.
Đến ngày 14/2, em lên nhà thăm và có ý muốn bộc lộ cho cô ấy hiểu tình cảm của em. Nhưng chị cô ấy lại giới thiệu em với hai người bạn trai chỉ là “BẠN”. Em cũng không phản đối vì sợ mất lòng người ta (em sợ mọi người nghĩ em là: ăn không được thì phá cho hư).
Sau đó, em cố trình bầy về tình cảm của em và em sẵn sàng tha thứ cho cô ấy. Nhưng cô ấy vẫn dửng dưng. Sau đó em nói chuyện thẳng thắn thì cô ấy vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu “CHIA TAY”. Lúc bấy giờ em mới đề cập đến vấn đề tài chính:
– Số tiền anh đưa cho em để down mua nhà, thì em hoàn trả lại để anh lo công chuyện khác. Em tự lo liệu để trả lại anh hàng tháng.
Cô ấy nói:
– Em không đủ tiền, em sẽ trả cho anh sau.
Em không đồng ý. Và em nói:
– Mình chia tay thì mọi cái cũng phải rõ ràng cả về tài chính và tình cảm một cách êm thấm.
* Sau đó, qua lời chị cô ấy thì cô ấy vẫn còn yêu em. Hiện tại thì cô ấy cũng vui vẻ với em nhưng ở mức độ chừng mực nào đó. Nhẫn cầu hôn cũng như nhẫn mà bố mẹ em tặng cô ấy thì cô ấy đã tháo ra hết (Chúng em yêu nhau được 3 năm rồi). Em có hỏi thì cô ấy nói là “nó vướng”.
* Em đề cập đến xây nhà và đám cưới thì cô ấy không còn mặn mà như trước đây mà có vẻ hời hợt, bản thân em, em nói bị bệnh mà cô ấy không một lời hỏi thăm.
Thưa chị, em có nên dứt khoát chia tay với cô ấy không?
– Có phải cô ấy trở lại với em để có thời gian trả nợ rồi lại tiếp tục chia tay?
Chân thành cảm ơn chị.
Em, Đức, Oakland
Đáp:
– Chị thấy hơi vương vướng với câu “Chúng em yêu nhau được 3 năm rồi.”, em ạ. Chị nghĩ rằng có thể dùng câu ấy cho thời gian đầu, nhưng từ từ, “đốm lửa tình yêu tắt nguội dần” mà tiếc thay, em không nhận ra đó thôi.
Này nhé, sau ba năm “yêu nhau” với em, rồi lại còn làm Lễ Hỏi, sửa soạn đám cưới, cô ấy bỗng nói lên là: “Không còn yêu, chỉ có lòng thương”. Nếu quả là trước kia cô ấy “yêu” em, và mới mấy tháng trước đây còn làm đám hỏi với em, thì cái gì đã làm cho cô ấy bỗng nhiên phát hiện ra rằng “không còn yêu, chỉ có lòng thương”?
Cho nên chị nghĩ là vào buổi đầu của thời gian ba năm đó, hai em quả là đã có tình cảm rất sâu sắc với nhau, có thể nói là hai em yêu nhau, tính toán cho tương lai, muốn cùng nhau xây tổ ấm, em giao tiền cho cô ấy đặt tiền down mua nhà, v. v…
Nhưng thời gian trôi qua, cô ấy từ từ phát hiện ra rằng giữa hai người có những điểm không hòa hợp, và từ đó, có thể là cách cô ấy cư xử với em đã khác rồi, nhưng em vì chủ quan nên không nhận thấy. Tuy nhiên, chỉ sau đám hỏi là một sự kiện thực tế, một bước tiến đến sự kết hợp vĩnh viễn, một điều không còn thay đổi được nữa, thì những suy nghĩ vốn mông lung mơ hồ trong tâm trí cô ấy bỗng xuất hiện mạnh mẽ, và cô ấy nhận rõ, rất sâu sắc, là cô ấy không thể sống chung với em, nhưng “thương em” vì những tận tụy và lo toan của em trong thời gian đã qua.
Xuyên qua những điều em kể lại thì chị thấy em đã cư xử không mấy tế nhị trong vài việc, thí dụ về câu chuyện hai người bạn trai ở tiểu bang khác sang chơi. Khi em đã được chị cô ấy cho biết là họ đi chơi xa rồi mà em lại còn tìm cách để biết đó là hai người bạn trai, rồi sau lại “em cố trình bầy về tình cảm của em và em sẵn sàng tha thứ cho cô ấy”. Tại sao lại có truyện “tha thứ” trong này, bởi vì cô ấy có làm gì để cần em “tha thứ”. Chị em cô ấy là hai người lớn, họ có bạn bè ở tiểu bang khác sang chơi, có thể là họ muốn đưa bạn bè đi coi những thắng cảnh của nơi họ ở, là một tình cảm lành mạnh giữa con người với nhau, sao lại cần sự tha thứ của em?
Cách cư xử hẹp hòi như thế của em càng làm cho cô ấy nhìn rõ những o ép của em sau này đối với cô ấy khi em đã là chồng cô ấy. Rồi tới vấn đề đòi tiền của em. Em có nhận thấy là sự mất cô ấy là một mất mát lớn của em hay không? Vậy thì có tiền nào mà so sánh nổi! Khi yêu nhau, hay “tưởng là yêu nhau”, em giao tiền cho cô ấy down nhà. Lẽ ra chuyện này không cần thiết phải làm vậy, tại sao em không để tiền trong ngân hàng, lại đưa cho cô ấy làm chi? Sự kiện “đưa tiền cho cô ấy giữ” của em liệu có ẩn ý ràng buộc gì không?
Dẫu sao, nay thì chuyện lớn đã tan vỡ, em còn có thể làm một việc tốt đẹp cuối cùng cho mối tình đã qua là hãy quên món tiền ấy đi, hãy coi như đó là bông hồng ấp ủ kỷ niệm của những ngày xa xưa bên nhau trong quá khứ.
Em đang dồn cô ấy vào con đường cùng – vì không có tiền trả em – mà phải hành xử lộ liễu đến nỗi chính em cũng phải thắc mắc : ” – Có phải cô ấy trở lại với em để có thời gian trả nợ rồi lại tiếp tục chia tay?”, than ôi, đoạn cuối của một “cái gọi là tình yêu” sao lại thê thảm, đượm mùi tanh tao “hơi đồng” đến thế này?
Em nên giúp cho người yêu cũ – nếu em muốn dùng từ ngữ này – giữ được một chút danh dự, hãy cởi bỏ cho cô ấy cái ray rứt về sự bất lực, đã không có tiền để trả lại em.
Kiếm ra tiền là chuyện tương đối dễ, biết coi tiền đúng với giá trị của nó là điều cần phải có tấm lòng, em ạ.
Thân mến chúc em sáng suốt, “biết lùi” và “biết mất” là biết những nghệ thuật sống
“Anh trai em lấy chị gái của Khôi đã hơn một năm. Thỉnh thoảng, em hay sang nhà chị dâu chơi và rất mến anh Khôi. Anh ấy bị mất bàn tay trái do một lần đụng xe khốc liệt. Bây giờ Khôi có một liquor ở gần nhà. Tính anh ấy nhã nhặn, đôi lúc cũng hơi cáu giận do mặc cảm tật nguyền. Một lần Khôi nói Khôi yêu em. Em rất bàng hoàng và rung động trước lời yêu đương đó.
Nhưng gia đình em không đồng ý. Bố em bảo:
“Không được. Thằng anh mày làm rể nhà người ta rồi, mày còn làm dâu nữa để mang tiếng là ham giàu à”.
Anh trai em cũng bảo không nên. Dù biết gia đình Khôi rất giầu, em không muốn nói là tiền muôn bạc bể, nhưng em yêu anh đâu phải vì điều này. Em thương Khôi thật tình, em thương Khôi không phải vì Khôi giầu, em cũng không phải thương Khôi vì tấm lòng xót thương cho người tàn tật, nhưng càng bị gia đình cấm đoán em càng thấy gắn bó và yêu thương anh ấy hơn. Hiện nay, em vẫn chưa thuyết phục được gia đình để gia đình chấp nhận cho mối tình của hai đứa em. Em buồn quá. Chị giúp em với.”
– “Em và Khôi quen biết nhau đã hơn một năm, lúc đầu là em “rất mến” Khôi, rồi khi nghe Khôi tỏ lời thì em “… rất bàng hoàng và rung động trước lời yêu đương đó.”
Như vậy, em yêu Khôi và Khôi yêu em, chị thấy không có điều gì sai trái trong mối tình này. Em và Khôi không phải là họ hàng bà con, dù là bà con xa. Chuyện anh chị em bên đàng trai kết hôn với anh chị em bên đàng gái rất thường xẩy ra, ngay cả khi anh kết hôn với chị, rồi em lại kết hôn với cháu cũng là bình thường, từ sự qua lại thăm viếng cặp đã kết hôn kia mà chàng và nàng gặp gỡ nhau, rồi tình cảm nẩy nở, chàng và nàng yêu nhau bằng mối tình trong sáng, lành mạnh. Trong đời, chị đã gặp rất nhiều cặp vợ chồng vốn là thân nhân của bên vợ và bên chồng, nhờ tình thân đó, họ biết rõ nhau, rồi đi đến hôn nhân.
Trường hợp em, lý do mà cha phản đối Khôi không phải vì tư cách hay đạo đức của bản thân Khôi, – điều mà cha mẹ nào cũng lo sợ cho con gái, nếu do mù quáng mà lấy một người tư cách, đạo đức tồi bại thì cuộc sống sau này của con mình sẽ phải lãnh nhận những khổ đau không biết tới đâu mà lường – , nhưng lại là .. “Không được. Thằng anh mày làm rể nhà người ta rồi, mày còn làm dâu nữa để mang tiếng là ham giàu à”…, là lý do không hợp lý, không chính đáng. Những loại lý do vì sợ “mang tiếng là ham giầu”, vì “không môn đăng hộ đối”, vì “là con cái của dòng họ mà gia đình mình không ưa”, v.v… và v.v… này đã làm tan nát biết bao nhiêu trái tim, chị mong em sẽ không phải là một nạn nhân.
Em nên kiên nhẫn, không cần vội vã, cứ bình thản trong tình yêu. Em và Khôi cứ việc yêu nhau trong vòng lễ giáo, đó là quyền tự do tối hậu của tất cả mọi người, không ai tước đoạt được. Hơn nữa, thời gian cũng giúp soi sáng mối tình, để biết rõ đây là tình yêu chân chính, tha thiết, hay chỉ là ngọn lửa rơm, lóa lên rồi tắt lịm trước khó khăn.
Chúng ta đang sống trong thế kỷ thứ 21, và trên mảnh đất tự do. Cho nên chỉ cần em kiên nhẫn, thời gian sẽ giúp em, đứng bên phía em. Nếu mối tình của Khôi và em cứ vững bền, trong sáng, không làm điều gì khiến cha em nổi trận lôi đình, thì chắc em sẽ nhận được phần thưởng tốt đẹp cho cuộc đời vì trước thực tế đẹp đẽ như vậy, cha em sẽ chuyển tâm.
Năm nay cháu gần 19 tuổi, còn bạn trai cháu hơn cháu 9 tháng. Vào đầu mùa Thu năm ngóai cháu gặp H. trong một buổi tình cờ và tình cảm đã đến với cháu ngay lần gặp gỡ đầu tiên ấy. Cháu rất thương H., sẵn sàng bỏ ra nhưng không mong đón nhận lại.
Tụi cháu đã đến với nhau nhưng rất ngắn, chỉ trong vòng ba tháng. Tuy rất ngắn nhưng đã có rất nhiều trắc trở xẩy ra với tụi cháu. Cho đến ngày Christmas, tụi cháu quyết định chia tay. Tuy nói là chia tay, nhưng chúng cháu vẫn gặp mặt, nói phone, thậm chí còn thân hơn lúc go out. Cháu đã có đề nghị quay lại, nhưng H. không có phản ứng. Rồi H. đi San Francisco và đã gặp người con gái khác. H. nghĩ là H. đã yêu cô ấy, nhưng thật sự không phải. Rồi đến một hôm H. nói là vì cháu ép H. quá nên H. cố tình lánh mặt cháu.
Rồi thì cháu tried to go out với một người khác. Nhưng cháu vẫn không thể quên được H. Một hôm, H. nói là H. không biết đó là cảm giác ích kỷ vì cháu đã có người khác hay vì H. vẫn còn thương cháu, nhưng khi xa cháu thì H. lại cảm thấy nhớ cháu. H. đã nói với người bạn không mấy thân gì với cháu. Nhưng chị ấy không nói với cháu mãi cho tới gần đây chị ấy mới nói với cháu. Có lần H. hỏi cháu rằng nếu H. muốn quay lại với cháu thì cháu có nhận lời hay không? Cháu đã không trả lời vì cháu muốn có thời gian suy nghĩ cũng như đó thật sự hơi bất ngờ đối với cháu. Nhưng bây giờ khi cháu nói “Yes” thì H. nói H. muốn suy nghĩ vì H. sợ sẽ làm cháu đau lòng thêm một lần nữa.
Xin nói với cô, cháu và người bạn trai mới đã không còn quan hệ. Thật ra trong chuyện này, H. có phải đang đùa giỡn với cháu phải không cô? Xin cô cho cháu biết chút kinh nghiệm vì cháu thật sự hơi bối rối.
Em hỏi “Thật ra trong chuyện này, H. có phải đang đùa giỡn với cháu phải không cô? “, cô xin trả lời ngay với em là, không riêng gì H., ngay cả em nữa, hai em đều đang đùn giỡn với cái “tưởng như là tình yêu”, nhưng thực ra, không phải là tình yêu!
Sau đây là bốn câu thơ của tác giả Kiều Anh viết về tâm trạng của những người yêu nhau chờ đợi nhau:
” Người hẹn chiều nay sẽ đến thăm
Nôn nao chờ đợi lửa thiêu lòng
Ngoài kia nắng ngả vương mầu nhớ
Ngơ ngác hồn ai, ai biết không?”
Tình yêu chân thật là như vậy, là thấy dường như khắp bầu trời không còn ai ngoài người mình yêu, chờ đợi mà người yêu không đến thì tâm hồn trống vắng, ngơ ngác, dại khờ, gặp nhau thì nhiều khi không cần nói, hai tâm hồn như là đã thông suốt với nhau.
Tình yêu chân thật là sự vắng mặt của tính toán, dùng mưu này kế nọ để giữ nhau, vân vân . . .
Em và H. gặp nhau từ đầu mùa Thu năm ngoái, đến nay cũng là một thời gian khá dài rồi, vậy là khi đó em khoảng 18 tuổi, H. gần 19. Vào tuổi đó, hai em đều mới ở giai đoạn cuối của tuổi teenager, là cái tuổi thấy chuyện gì cũng lạ, thích tìm hiểu, thí nghiệm, v.v… Khi H. gặp em, H. chưa đủ già dặn để mà tính chuyện lâu dài, cậu ta mới chỉ muốn “thám hiểm chuyện trai gái” thôi, cho nên khi H. nói “… là vì cháu ép H. quá nên H. cố tình lánh mặt cháu …”, là H. nói thật đó, em à.
Cô góp ý với em là hiện nay em cũng hãy còn quá trẻ để phải mất quá nhiều thì giờ và tâm trí lo toan chuyện “yêu và nắm giữ người mình yêu”, hao phí những ngày hoa mộng của tuổi xanh. Nếu em cứ lao vào những “cái gọi là tình yêu” kiểu này thì tâm hồn em sẽ trở thành chai đá, dạn dầy với những “trò chơi yêu đương”, không còn sự nhậy cảm để đón nhận khi có mối tình chân thật đến với em.
Hãy quay lưng lại với “cái gọi là mối tình” này đi. Tình yêu gì mà mới chưa tới một năm trời đã đầy dẫy những sóng gió, mưu toan, mất hết cả mộng mơ, em à.
Cô mượn tác giả Lê Nghi Đình Giang bài thơ này để gửi tới em như một lời cầu chúc:
Mỗi xã hội đều có những nguyên tắc sống mà mọi người phái tuân thủ để không bị cô lập, bị tách rời ra khỏi cộng đồng. Nguyên tắc sống này bao trùm tất cả mọi lãnh vực, từ trong nhà ra tới ngoài xã hội, từ chuyện nhỏ như xỉa răng cho tới chuyện lớn như phép xử thế đối với tất cả mọi người, từ kẻ ăn xin cho tới bậc vua chúa.
Mỗi người đều có thể được giáo dục nguyên tắc sống này từ gia đình hoặc nhà trường, – nói gọn là phép lịch sự — và được coi là người có giáo dục. Tuy nhiên, đời sống bận rộn, lắm khi do hối hả đã khiến cho một số người quên mất những điều đã học.
Trong những ngày Xuân, chúng ta luôn có những tiệc tùng, hội họp, ăn uống vui đùa cùng bằng hữu thân nhân để xả hơi cho tâm hồn được thỏai mái sau một năm làm việc cực nhọc. Cho nên chúng ta nhắc nhở nhau một vài điều cần thiết trong cung cách ứng xử hằng ngày mà nhiều khi đã bị lãng quên, thiết tưởng dù dư cũng còn hơn thiếu.
Có câu “Đói ngày giỗ cha, No ba ngày Tết”, ý nói dù nhà nghèo, ngày giỗ cha cũng phải nhịn đói để nhường thực phẩm cho khách, còn ba ngày Tểt thì đi đâu cũng được gia chủ mời ăn nên lúc nào cũng được no nê. Vậy nên chúng ta hãy cùng nói nhỏ với nhau khi có dịp gặp gỡ bạn bè, người thân ăn uống để mà “ăn uống sao cho coi được “.
Thỉnh thoảng Hương có dịp xem một vài phim ngoại quốc, nhìn thấy cách ăn uống của người Tây Phương thường rất êm đềm, nhỏ nhẹ, không nghe tiếng ly tách thìa muỗng chạm vào nhau, khi nhai thì miệng luôn kín đáo và họ chỉ nói khi miệng đã trống, không còn thức ăn.
Nhưng một vài phim của nước Á Châu kia lại cho thấy hành động khá tương phản. Như trong một màn chiếu lên thấy có cái món lấy rau cuốn thịt. Một diễn viên bảo người mà họ muốn tíếp đồ ăn hãy há mồm lên tiếng a. . . a . . . a . . . . Khi mồm người kia đã há rộng, diễn viên sắm vai người bạn tốt bụng bèn nhét ngay cả một búi rau cuốn thịt vào mồm kẻ đang há to. Phim là giả tưởng, nhưng nếu phô bầy cái “văn hóa ăn” kiểu này thì ngoài đời sẽ có lắm kẻ đến chết nghẹn mất thôi!
Hoặc giả có một màn trình chiếu cái món gì giống món lẩu, nhưng lại là một nồi sôi sùng sục đề ngay giữa bàn, mọi người đều cho luôn cái muỗng riêng của mình vào chắt một muỗng đem ra húp sùm sụp khoái trá, rồi cứ thế vục muỗng vào nếm tiếp, nếm tiếp…. Ôi ! Như thế thì cả bàn tiệc chung vui lại có dịp thưởng thức chung cả đám vi khuẩn từ miệng của nhau chăng?
Vậy thì truyền thống ăn uống của người Việt Nam chúng ta khi ăn chung với nhau có như vậy không ?
Trước nhất, nói về đại gia đình Việt Nam gồm 3 thế hệ là ông bà, cha mẹ, con cái. Trong bữa ăn, cả nhà đều quây quần với nhau quanh một mâm cơm hay bàn ăn.
Khi ngồi vào bàn, chỗ ngồi danh dự sẽ dành cho ông bà, nếu không có ông bà thì là chỗ của cha mẹ. Cạnh ông bà là cha mẹ, rồi mới tới các con ngồi chung quanh. Trước khi ăn, cha mẹ mời ông bà :
– Mời thầy mẹ (hoặc có khi gọi thay con bằng đại danh từ “ông bà”) xơi cơm.
Có nơi nói là:
– Mời ba má dùng cơm … vân …vân. . .
Sau khi cha mẹ mời, tới phiên các con mời ông bà, rồi tới mời cha mẹ, rồi tới các em nhỏ mời ông bà, cha mẹ và các anh, các chị. Sau đó, bữa ăn mới bắt đầu.
So với thởi giờ mà ông bà, cha mẹ đã dùng để làm lụng cực nhọc nuôi con thì thời giờ “nói lên lời mời” của con cháu chỉ là một khoảnh khắc rất nhỏ. Mà tuy là khoảnh khắc nhỏ, nhưng lời mời cũng lại nói lên sự kính cẩn và lòng tôn trọng các bậc trưởng thượng,cung kính với sự có mặt danh dự của bậc trưởng thượng trong gia đình.
Tục ngữ có câu “ăn có mời làm có khiến”. Ông bà cha mẹ Việt Nam tới chơi nhà con, thường không tự mở tủ lạnh lấy đồ ra ăn, mà chỉ thưởng thức đồ ăn do con cái đem ra bày lên bát đĩa khay chén đàng hoàng. Câu “miếng ăn là miếng nhục “, “miếng ăn là miểng tồi tàn” thường được thế hệ xưa khắc ghi trong tâm và truyền cho con cái phải ghi nhớ.
Cho nên, trong bữa ăn thường ngày, chỉ sau khi các con mời rồi, cha mẹ mới cầm đũa, và chỉ sau khi cha mẹ nâng bát cơm lên, con cái mới bắt đầu ăn, đó là tác phong, là thói quen của các gia đình nền nếp.
Nhân nói đến việc “mời”, xin kể một câu huyện vui do hiểu lầm.
Trong một kỳ họp mặt bạn bè, nhân ngà ngà say, ông bạn miền Nam chỉ ngay một ông Bắc Kỳ và cất giọng lè nhè:
– Mấy cha giả dối thấy bà. Đang ăn cơm ngon lành mà có người ghé chơi, bày đặt “mời anh dùng cơm”. Người nghe tưởng thật, bèn ngồi xuống tính ăn. Thế là cả nhà ngơ ngác nhìn nhau, nồi cơm trơ ra miếng cháy mà mời cái giống gì? Đúng là mời rơi, cái đồ nói dóc!
Ông bạn Bắc Kỳ cườỉ chẩy nước mắt, lấy khăn ra chùi rồi mới giải thích:
– Ối ông ơi, mấy cha nhớ lộn, “chữ tắc đánh ra chữ tộ, chữ ngộ đánh ra chữ nị” nó hại ông rồi. Bắc Kỳ chỉ “mời” những người cùng ăn thôi. Còn nếu họ đang ăn mà có ai ghé chơi thì họ chỉ nói: “Xin thất lễ… ” hoặc: “Xin vô phép . . . ” . Câu ấy có nghĩa là “tụi tôi xin lỗi quí vị để được tiếp tục ăn, quí vị cảm phiền ngồi chơi.”, chứ không có vụ “mời anh cùng ăn”.
Khi mọi người đang ăn thì không có chuyện “mời” người khác nhào vô ăn ké. Làm gì có chuyện đang ăn lại dám mời khách vào mâm cơm đang ăn giở của mình, bộ tính mời họ ăn đồ thừa à ?
Lại có thắc mắc “Sao phải nói xin thất lễ” với “xin vô phép”?
Thưa rằng “ Khách đến chơi mà không tiếp, ngồi ăn tỉnh bơ là thiếu lễ, cho nên phải xin lỗi là đúng rồi ”
Nay nói tới chuyện được mời ăn tại nhà bạn bè hay thân nhân. Theo đúng lẽ thì ta nên đến sớm chừng 5 hoặc tối đa là 10 phút, đừng sớm quá làm cho người ta phải tiếp mình, gây bận rộn cho người ta, hoặc bà chủ nhà chưa kịp trang điểm chút đỉnh, đầu tóc còn đang bơ phờ vì việc bểp núc.
Tuy nhiên cũng đừng tới muộn khiến cho cả bàn tiệc phải chờ mình. Có người cho rằng đến muộn một chút chứng tỏ mình là nhân vật quan trọng. Rất không nên, đúng giờ là một trong những phẻp lịch sự của bậc đáng kính.
Khi được chủ nhân mờỉ vào bàn tiệc, nên chờ quí vị tu sĩ, quí vị cao tuổi ngồi xuống trước rồi mình mới ngồi.
Vào bàn, nên ngồi ngay ngắn trên ghế, không ngả nghiêng, không bò ra, không chống khuỷu tay lên bàn. Trong khi ăn, nên giữ sự hòa nhã, nhẹ nhàng, không nói năng ồn ào, không nói với sang phía xa, chỉ nói khi đã nuốt hết đồ ăn trong miệng.
Nên dùng muỗng hoặc đũa chung lấy đồ ăn từ đĩa hoặc khay chung cho vào đĩa hoặc bát riêng của mình rồi mới kín đáo gắp đưa lên miệng, không há to mồm rồi nhét đồ ăn vào. Ngậm kín miệng khi nhai. Nếu ly nước có muỗng thì hãy lấy muỗng ra trước khi uống. Nếu nhấp thử thấy nước nóng thì nên để xuống chờ nguội, không thổi phù phù, không húp sụp soạp. Nếu món ăn cần phải cắt nhỏ thì chỉ cắt từng miếng, ăn xong lại cắt miếng tiểp theo, không cắt tất cả đĩa ra thành một đống. Không bỏ xương xuống mặt bàn. Không dùng đũa hay muỗng riêng của mình mà gắp hoặc múc vào đĩa hoặc tô đồ ăn chung.
Khi ăn xong, nếu cần xỉa răng thì hãy vào phòng rửa tay, tối kỵ xỉa răng trước mặt người khác, nhất là ngay trong bữa cơm.
Một điều cần nói nhỏ nhưng cũng khá quan trọng là ăn uống tại nhà bạn bè, thân nhân, nếu bàn ăn đã được bày ly, chén, bát, mình chỉ nên dùng như thế, tránh dùng giấy napkin lau lại chén, bát, đũa, muỗng của mình. Làm thế, chủ nhà sẽ buồn vì có vẻ như mình nghi nhà người ta thiếu vệ sinh, quen dùng đồ dơ dáy. Nhưng nếu ăn ở những quán như phở, bún.. vân…vân . . . thì tha hồ lau, càng lau càng sạch.
Trường hợp ăn tại các nhà hàng sang, trên bàn thay vì để giấy napkin, người ta dùng khăn ăn. Nếu vậy thì lại càng không nên lấy khăn đó mà lau bát, đũa của mình, vừa không phù hợp phép lịch sự lại vừa dơ, vì những khăn này khi giặt thường được cùng giặt chung với tất cả các loại khăn hầm bà lằng linh tinh bí hiểm, không đáng tin cậy.
Khăn ăn ở đây chỉ có nhiệm vụ lau nhẹ chút đỉnh và che cho thức ăn khỏi rơi xuống đùi, dơ quần, không phải là yếm dãi, nên xin đừng đeo lên cổ như đôi khi ta thấy có một vài vị khách trông rất đáng nể mà cổ lại cài gọn ghẽ cái khăn ăn như em bé, rất tức cười.
Ăn xong, không nên ra về ngay, mà hãy ngồi nán lại một lát để cùng nhau vài ba câu cà kê dê ngỗng rồi hãy chào từ biệt, trừ trường hơp có việc cần thiết phải đi gấp thì phải nói lời cáo lỗi.
Trước khi ra về, nên nói lời cám ơn chủ nhà một cách chân thành.
Vợ tôi mất cách đây 3 năm để lại 2 con, một cháu lên 5, một cháu vừa đầy tháng. Rất may, T., em gái của vợ tôi từ miền Đông dọn qua đây đang xin việc. Trong lúc chờ đợi, cô ấy đã giúp tôi trông nom đứa nhỏ. Tôi rất áy náy vì đã nhờ vả T. quá nhiều, song cô ấy bảo có chậm vài tháng xin việc cũng không sao, cái chính là giúp tôi thu xếp việc nhà ổn thỏa.
Từ ngày có mặt T., không khí nhà tôi vui vẻ hẳn lên. Con gái lớn của tôi đi học về là bám riết lấy dì không rời một bước. Còn thằng bé không có dì hát ru thì không ngủ. Tôi cũng thuờng hay chợt nghĩ đến T. Nhiều đêm nằm phòng bên cạnh, hình dung khuôn mặt T. với má lúm đồng tiền, vầng trán cao tinh nghịch, tiếng ru ngọt ngào, bỗng dưng tôi cảm thấy một tình cảm ấm áp đang dâng lên trong lòng. Ba năm trôi qua, khi con trai tôi đủ lớn để đến nhà trẻ. Mấy lần cô ấy định dọn ra ở riêng, nhưng sau đó lại đổi ý. T. bảo xa mấy đứa nhỏ nhớ lắm.
Rất nhiều lần tôi muốn bày tỏ tình cảm của mình với T., nhưng lại không thể thốt được nên lời vì cô ấy đã có người yêu đang học năm chót bên miền Đông và họ sẽ cưới nhau khi cậu ấy qua đây.
Tuần qua, T. thông báo sẽ ra ở riêng và chuẩn bị đón người yêu qua. Nghe vậy, tôi lên cơn sốt, bệnh nằm liệt giuờng. Lúc T. đến chăm sóc, tôi đã nắm tay cô ấy và khóc, nói T. đừng đi. Không biết cô ấy có hiểu được tình cảm của tôi hay không, nhưng T. hứa sẽ chăm sóc tôi cho đến khi bình phục. Tôi phải làm sao đây, nếu tôi có thể thuyết phục được T. để lấy làm vợ thì người ta có dị nghị tôi lấy em của nguời vợ đã mất không
Đọc xong thư bạn, Thuần Nhã thấy phần trả lời dễ nhất là câu: “… nếu tôi có thể thuyết phục được T. để lấy làm vợ thì người ta có dị nghị tôi lấy em của nguời vợ đã mất không?”, thưa bạn, không ai cấm được người khác dị nghị, khi tự điển còn có những chữ “ngồi lê đôi mách”, ” gossip”, v.v… Vấn đề là những lời dị nghị ấy có giá trị không, có đáng cho chúng ta quan tâm không?
Trong câu chuyện này, riêng lý do cô T. là em gái người vợ đã qua đời của bạn, thì bạn không có điều gì sai trái, ngược lại, nếu chuyện đó thực sự xẩy ra, thì quả là điều may mắn cho bạn, cho hai cháu nhỏ, và cả cho tâm linh chị nhà, khi bỏ chồng con nửa đường đứt gánh, với bao nhiêu thương cảm, tiếc nuối, tủi hờn, biết rằng thần thức chị nhà đã siêu sinh được chưa? Giả như chuyện cõi vô hình là có thật, và thần thức chị chưa siêu sinh, còn lảng vảng nơi dương thế vì thương chồng, thương con, thấy em gái ruột thịt vì lòng thương cháu, ở lại lo lắng săn sóc chồng con mình, là những người mình thương yêu mà nay đành bất lực, không còn làm gì cho họ được nữa, hẳn hương linh cũng được an ủi.
Ngoài ra, tình cảm mà T. dành cho các cháu ngay khi các cháu còn rất nhỏ sẽ khiến cho các cháu đỡ bị hụt hẫng, chúng sẽ vô tư, dễ dàng chấp nhận T. như một người mẹ vậy. Trong văn học Việt Nam, có rất nhiều bậc danh nho, đạo cao đức trọng, khi vợ chết, tục huyền với em gái vợ. Ngay cuốn tiểu thuyết có tên là Nhà Nho, do một nhà nho trước tác, cũng cho nhân vật chính là một nhà thâm nho, đỗ tới tiến sĩ, lấy luôn cả hai chị em gái, ngay khi bà chị (vợ cả) còn sống sờ sờ. Cái đó, “nhà nho” ta khi xưa gọi là “hoa thơm đánh cả cụm”.
Nhưng vấn đề cần phải đắn đo, suy nghĩ, không phải về phía dư luận, mà lại thuộc về phía T. bạn ạ.
Trong câu chuyện này, nếu quả là T. đã có bạn trai, mà người đó lại hào hiệp đến nỗi sẵn sàng chấp nhận chuyện T. dọn đến ở chung với anh rể góa vợ để nàng có dịp tận tình giúp anh rể và hai cháu mồ côi mẹ, nhất là đối với cháu vừa mới lọt lòng, hoàn cảnh thật là đau thương, thì hành động này thật là trong sáng và tốt lành.
Cảm tình tốt đẹp ấy nay lại bị bạn hồi đáp bằng cách định lôi cuốn T., “nếu tôi có thể thuyết phục được T. để lấy làm vợ …”, thì tôi hơi trách bạn đấy, trách là bạn không đủ hào sảng để đáp lại thịnh tình của con người tốt lành kia, nhẫn tâm đoạt mất người yêu của anh ta.
Tôi nghĩ rằng, vai chính quyết định tương lai sẽ là T.
Nếu tình yêu của cô ấy đối với bạn trai không đủ sâu đậm, chưa phải là tình yêu, mới “tưởng như là tình yêu” mà nay lại đem lòng yêu bạn, thì cô ấy sẽ tự giải quyết, và ngả vào vòng tay bạn.
Nếu như cô ấy đến với cha con bạn chỉ thuần túy là vì tình nghĩa anh em, dì cháu, trong khi cô ấy đang yêu, đang có những chương trình riêng với người cô ấy yêu, thì bạn nên sáng suốt mà đem lòng biết ơn cô ấy và cả bạn trai của cô ấy nữa, đừng tìm cách làm sứt mẻ tình cảm của hai con người dễ thương và tốt bụng kia, khiến cho cô ấy phải khó xử, mà tình anh em cũng thành ra có những vướng mắc sau này.
Nếu chị nhà không qua đời, thì cảnh “… nhiều đêm nằm phòng bên cạnh, hình dung khuôn mặt T. với má lúm đồng tiền, vầng trán cao tinh nghịch, tiếng ru ngọt ngào,…”… có lẽ đã không lạc lõng vào tâm hồn bạn. Bởi vì thực tế là “má lúm” đó, “vầng trán ” đó, “tiếng ru ” đó không phải thuộc về tổ ấm của bạn, mà là của một tổ ấm khác, tổ ấm của T. và người yêu của cô ta, xin bạn hãy tỉnh lại.
Cầu chúc bạn gặp được bạn đời như ý mà không làm cho cặp uyên ương nào khác phải tan vỡ.
Bố em là người bảo thủ. Bố em rất ghét những người anh rể của em chỉ vì các anh ấy hay lấn át vợ. Bố em không muốn em cũng bị rơi vào hoàn cảnh vậy nên bố em tuyên bố rằng bố em chỉ chấp nhận bạn trai của em nếu trước đây em và bạn trai em quen từ tình bạn đi lên mà thôi. Và cũng chỉ có con đường đó là được bố em chấp nhận mà thôi.
Nhưng trước đây bố em không hề nói với em điều đó. Mà em lại quen bạn em không từ tình bạn đi lên, chúng em quen nhau trong một trường hợp rất dễ thương và tình cảm chúng em rất gắn bó.
Bố em mới chỉ gặp bạn em 1, 2 lần nhưng bố em đã tuyên bố rằng bố em rất ghét bạn em mặc dù bố em chẳng có lý do rằng tại sao hay bạn em không tốt ở điểm nào mà bố em không thích. Bố em nói rằng em thích là quyền của em nhưng không thích là quyền của bố em, nếu em muốn em cứ tiếp tục tiến tới nhưng bố em sẽ từ em. Bố em nói rằng thà bố em ngăn từ đầu chứ không thể nào để chuyện “con đặt đâu cha mẹ ngồi đó” xảy ra với bố em.
Nghe sao thật tàn nhẫn, bố em chẳng cần biết tình cảm của em ra sao cả trong khi bố em cho rằng em cũng chẳng coi suy nghĩ của bố em ra gì cả. Ở lần gặp thứ 2 với bạn em hồi trước Tết, bố em đã xúc phạm bạn trai em bằng lời lẽ không thể là của một vị trung tá quân đội đã về hưu.
Xin chị cho em vài lời khuyên. Em có nên dẫn bạn em tới nhà nữa không? Chúng em phải có cách cư xử sao cho hợp ý với bố em? Có phải thành kiến ban đầu là không thể vượt qua không vậy chị?
Bố em là người thương các con gái theo kiểu cổ điển, kiểu coi các con như những loại cây dây leo, từ bé đã được dậy dỗ theo kiểu lệ thuộc, chỉ biết bám vào cây cổ thụ là cha mình, kết quả là các chị của em khi đi lấy chồng cũng đã có thói quen tâm lý nương dựa như vậy, cho nên mới bị chồng lấn át. Bố tưởng là nếu chồng em sau này đã từng là bạn em thì em sẽ tránh được tình trạng bị lấn át như hoàn cảnh các chị của em là điều mơ ước hão huyền. Có câu “phải ăn với nhau một ký muối mới biết được lòng nhau”. Cùng với nhau ăn hết một ký muối có nghĩa là cùng ăn chung với nhau một thời gian dài lắm, liệu em có thể có được người bạn trai chơi với nhau lâu như vậy chưa, để hy vọng đã biết rõ tính tình của nhau, để tin rằng sau này sẽ không bị lấn át?
Vợ chồng sống chung với nhau, nhiều khi người ngoài không thấu suốt được. Họ có những thói quen, ước hẹn bất thành văn riêng, người ngoài nhìn, tưởng người này đang lấn át người kia, chắc là ngưòi bị lấn át khổ lắm, nhưng thực tế nhiều khi họ lại thấy vui vì “được chồng lấn át”. Cho nên mới có câu: “trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu nổi”. Vậy thì cứ “đèn nhà ai nhà nấy sáng” là tiện nhất.
Các chị đã đi lấy chồng, bố em nên mừng thấy gia đình con cái bền vững, không nên đi sâu vào chi tiết quá mà nẩy ra những thành kiến với các con rể, cũng có thể gây nên những bất đồng ý kiến, làm cho các chị khó xử.
Bố em có quyền thích hay không thích người bạn của em, điều đó rất đúng, Nhưng em cũng có quyền tán thành hoặc không tán thành cái quyền ấy của bố em, nếu nó có lý hay vô lý. Nếu vì những lý do chính đáng mà bố không đồng ý thì chị cũng đề nghị em nên xét lại. Nhưng nhìn toàn bộ vấn đề của em thì lý do của bố đưa ra là không chính đáng, em không cần phải vì cái lý do không chính đáng đó mà đành chịu tan vỡ mối tình của hai em.
Đọc câu ‘’Ở lần gặp thứ 2 với bạn em hồi trước Tết, bố em đã xúc phạm bạn trai em bằng lời lẽ không thể là của một vị trung tá quân đội đã về hưu.’’, chị thấy em tỏ ra ngạc nhiên, như thế có nghĩa là bố em khi xưa không có những hành động thô lỗ, mà nay thay đổi tính tình nên mới thế, làm chị nghĩ đến câu tục ngữ: “Khi cha cho con, cha con cùng cười, khi con cho cha, cha con cùng khóc”, nói lên rằng khi con còn nhỏ, cha âu yếm nhìn đứa con bé bỏng, chiều chuộng nó, cho nó cái này cái kia với niềm vui, từ đáy lòng đã có những mơ ước hoa mộng về tương lai của con. Khi cha già yếu bất lực rồi, con tặng quà cho cha, nhìn mái tóc bạc, gương mặt nhăn nheo, thấy trước những ngày tháng còn lại của cha, mà mủi lòng rưng rưng nước mắt, khiến cho cha cũng khóc theo.
Bố em xưa kia là một sĩ quan, đã từng là cấp chỉ huy, nay già rồi, tấm thân lưu lạc đất khách quê người, trở thành bất lực, cũng có nhiều hờn tủi lắm. Bởi vậy, em nên rất khéo léo tránh cho bố cái mặc cảm nay bố đã trở thành người vô dụng, không còn chút uy tín nào ngay đối với con ruột của mình, dù rằng đòi hỏi của bố là vô lý (nhưng dĩ nhiên là bố chủ quan, không biết là mình vô lý)
Các em còn đầy ắp ngày tháng của tương lai. Tạm thời, em đừng vội làm bố em buồn, nên tránh chuyện dẫn người yêu của em về nhà. Thời gian đứng về phía các em. Cuộc đời vô thường, có nghĩa là mọi sự đều luôn luôn thay đổi, chắc chắn là bố em sẽ thay đổi quan điểm và nếu tình yêu của hai em đủ bền chắc để kiên nhẫn chịu đựng thử thách, mối tình của hai em sẽ có kết quả tuyệt diệu.
Thân chúc hai em sẽ cùng nhau xây dựng tổ uyên ương
Năm nay em 24 tuổi, làm thư ký cho một hãng sản xuất dụng cụ y khoa. Người yêu của em là M., 28 tuổi. Chúng em yêu nhau đã trên 3 năm, trải qua biết bao nhiêu là sóng gió vì gia đình M. giầu lớn, quen biết nhiều, không muốn M. lấy em là người ít học, không xứng đáng với anh ấy (ảnh có bằng Master).
Cũng nhờ M. kiên trì yêu em nên mấy lần gia đình mai mối ảnh với những con cái của các bạn cha mẹ mà ảnh đều từ chối. Nay thì gia đình ảnh cực chẳng đã phải bằng lòng cho ảnh cưới em vì ảnh hăm nếu không thì ảnh sẽ xin đi làm overseas. Nội chuyện đám cưới cũng phiền lắm. Gia đình ảnh thì muốn làm lớn cho nở mặt, muốn đám cưới ở khách sạn Mỹ như cái mốt bây giờ. Họ nói rằng nhà họ quen biết rộng, toàn tai to mặt lớn, mời tới gần cả ngàn người, không có nhà hàng Tầu hay Việt Nam nào mà chứa cho nổi. Đồng thời cũng nói với chúng em là ăn ở đó thì mắc, mỗi người phải tốn cỡ trên 150 dollars, nhưng chuyện đó thì khỏi lo lỗ vốn, khách đến ăn sẽ mừng lại cho mình đủ để trả tiền nhà hàng, tiền mừng sẽ tùy theo cấp bậc của nhà hàng chớ không phải mời tới đâu họ cũng mừng đồng hạng mà lo. Về chuyện này bố mẹ em nói rằng như thế là họ không muốn thân nhân và bạn bè bên em tham dự rồi, vì phần lớn các bác bạn ba em đều là HO, hai vợ chồng mà đi thì phải tốn 300 dollars, tiền đâu ra!
Ngay cả chuyện sắp tới là đám hỏi cũng nhức đầu lắm. Bố mẹ em thì muốn đơn giản thôi, phận mình nghèo, chỉ xin một cặp đèn cầy, một cặp rượu, một mâm trái cây, một chục hộp bánh và trà để cúng ông bà là đủ. Nhưng bên nhà ảnh nói làm vậy mang tiếng là nhà họ kẹo, đòi mang một con heo quay, một mâm xôi gấc và các loại bánh và trà hảo hạng, đồng thời muốn gia đình em mời bên đàng trai ở lại dự tiệc bánh hỏi thịt quay cho đúng theo truyền thống…
Gia đình em ở apartment, chật chội lắm. M. thì rất thương em nhưng cũng sợ gia đình, không dám cãi nhiều, chỉ chống đối một cách tiêu cực thôi.
Em không biết phải làm sao để gia đình M. chịu làm đám cưới đơn giản hơn, thí dụ mời ăn tại nhà hàng Việt Nam mình, để cha mẹ em có thể mời bạn bè chung vui cho khỏi tủi thân, chị giúp em với.
Đọc thư em, chị hoàn toàn cảm thông với nỗi phiền muộn của em. Quả là như em viết “hai vợ chồng mà đi ăn cưới em phải tốn 300 dollars, tiền đâu ra!”, chị biết có một số vị mỗi khi nhận được Thiệp Báo Hỉ là mặt mũi nhớn nhác, vội vã mở ra, chỉ đến lúc không thấy có “Thiệp Mời” đi nhà hàng mới mừng rỡ thở phào. Nếu có thiệp mời – mà lại mời đi Hotel này nọ – thì nét lo âu hiện lên mặt rất rõ ràng, bắt đầu “động não” để tìm lý do từ chối, thí dụ “hôm đó nhà có giỗ”, “đi out of town”, v . v… Chuyện hậu trường “vui buồn cưới hỏi” kể rằng có ông kia khi bước chân vào hotel để dự đám cưới, được bố chú rể ra đón, vừa cười vừa nhắc khéo:
“Chà, ở đây họ cứa cổ thiệt ta, chỉ riêng chỗ ngồi, chưa tính tiền ăn do nhà hàng Tầu mang lại, đã gần trăm rưởi mỗi người rồi”.
Báo hại ông khách lót tót mang tấm card mừng kèm theo có một trăm, bèn phải giả bộ quên đồ, chạy ra xe ký lại cái check thành ra hai trăm! Oan ôi ông Địa!
Dĩ nhiên là đồng thời cũng có những người rất thích đi ăn cưới, nhất là đám cưới lớn, vì nơi đó chính là môi trường lý tưởng để biểu diễn màn “trình diễn với một vẻ khiêm tốn”, có khán, thính giả chiêm ngưỡng những biểu tượng của sự hơn người như về nhan sắc, về trang sức, về những thành công lớn, những bằng cấp cao của con cái, về những tài sản lẫy lừng mà gia đình sở hữu, và cả về những nguồn gốc rất gồ ghề của những ông cố ông sơ, những tôn thất Đinh Lê Lý Trần, hoàng thân quốc thích nào đó xa tít mù khơi, v . v … Với những vị này thì năm ba trăm mừng cưới không thành vấn đề, trái lại, còn là dịp mua vui lớn, niềm hãnh diện tưng bừng còn tràn đầy hương vị cả trong giấc ngủ sau đó nữa, em à.
Trong lễ hỏi, bên nhà M. đòi “gia đình em mời ở lại dự tiệc bánh hỏi thịt quay cho đúng theo truyền thống…” là một điều tức cười. Có những cái gọi là “truyền thống” nhưng cũng đã thay đổi nhiều, mất nguyên bản của “truyền thống” rồi, thí dụ “truyền thống heo quay”. Truyền thống này bắt nguồn từ một tục lệ thời cổ, nhà trai khi đi đón dâu phải dắt theo những con vật sống như trâu, bò, để đổi lấy cô dâu, theo như hôn ước. Vì nhà gái đã mất một “nhân công”, nên những con trâu bò này sẽ thay cô ta mà làm lụng trả hiếu cho gia đình. Từ trâu bò là những con vật to kềnh, xã hội chuyển đổi dần thì tục lệ cũng chuyển đổi theo cho phù hợp với trào lưu văn hóa. Thay vì đưa con trâu con bò để làm ruộng cho gia đình cô dâu thì nay chỉ còn đưa qua con heo tượng trưng, kèm theo là tiền dẫn cưới để trong mâm quả trùm mảnh khăn hồng xinh xỉnh xình xinh thôi. Nhưng chẳng lẽ lại nghễu nghện dắt con heo đi nghênh ngang trên đường, cho nên nó được hân hạnh chui vào lò quay trước khi leo lên cái khay sơn đỏ chót, mồm ngậm một đóa hoa hồng như cái bình cắm hoa tội nghiệp nhất trên đời!
Vì có con heo quay nên mới có “truyền thống” bánh hỏi thịt quay. Nay cứ bỏ phắt luôn cái “truyền thống heo quay”, bắt nguồn từ “truyền thống” lạc hậu “đổi vật lấy người” là mọi sự sẽ đơn giản, ăm ắp tình cảm hơn nhiều.
Trong chuyện các em, có lẽ chỉ M. là có thể thuyết phục cha mẹ anh ta. Nếu M. quả đã có gan tính đi overseas, sau đó, cha mẹ anh ta đã nhượng bộ, thì cha mẹ M. cũng mềm lòng với con, không đến nỗi khắt khe quá với anh ta đâu. Có thể là em và M. nên nhờ vào đồng minh thời gian. Đồng minh này luôn luôn đứng về phía tuổi trẻ. Các em cứ thưa với các bậc cha mẹ là hãy từ từ, chờ vài năm nữa cũng được, để các ngài có thời giờ nghĩ lại. Các em chờ vài năm dễ dàng, nhưng cha mẹ mong con có vợ có chồng, ông bà mong có cháu bế thì sốt ruột lắm. Điều đó cũng nẩy sinh từ lòng thương yêu con cháu mà ra thôi. Cho nên mình đành phải hy vọng quý vị ấy bỏ cuộc xuyên qua nhược điểm tình cảm rất đáng kính này vậy. Có thể là thấy M. lì ra, không tính chuyện đám cưới nữa, cha mẹ anh ta sẽ chiều anh ta, đồng ý cho các em tổ chức hôn lễ đơn giản, có sự hòa đồng giữa hai gia đình hơn, ngay trong mùa cưới năm nay, biết đâu!
Hôn nhân là một trong những nghi lễ trọng đại nhất của cuộc đời, vì khởi đi từ đó, một gia đình mới được hình thành. Cho nên, hôn lễ nên được cử hành trong bầu không khí trang nhã, tràn ngập niềm vui chân thật, nồng ấm. Danh sách mời tham dự nên là những thân nhân, họ hàng bằng hữu gần gũi, thật lòng quý mến hai gia đình cô dâu chú rể, muốn đến để cùng chung vui, để thành thật chúc phúc cho cặp uyên ương chắp cánh bay những nhịp đầu của tình nghĩa vợ chồng. Không nên vì muốn phô trương mà biến những buổi tiệc cưới thành những cuộc triển lãm, thi đua nhau phát triển khả năng xa hoa, phung phí tiền móc ra từ túi gia đình có hỉ sự và túi thực khách tham dự. Được xếp vào hàng ngũ thân hữu gần gũi, thật lòng yêu quý này thì mỗi đám cưới có chừng 500 thực khách cũng là quý lắm rồi, có thể tổ chức tại những nhà hàng Việt Nam, vừa ấm áp tình tự dân tộc, vừa giúp đỡ cho nền thương mại của cộng đồng thăng tiến.
Thuần Nhã cũng tha thiết mong quý vị “mạnh vì nhiều gạo, bạo vì nhiều tiền” rủ lòng thương nhìn xuống đám dân nghèo như Thuần Nhã, đừng mời đi ăn cưới tại những nhà hàng lớn quá, khiến cho người tham dự phải cắn răng ký tấm check “Mừng Cô Dâu Chú Rể” có con số vừa viết vừa hoa cả mắt, ký xong rồi là ngân quỹ hổng một lỗ to đùng, chỉ có nước ăn mì gói nguyên tháng để bù vào chỗ thâm thủng.
Tôi năm nay gần 40 tuổi, lập gia đình được vài năm và có 2 cháu rất xinh xắn. Chồng tôi đi làm còn tôi ở nhà chăm sóc con còn rất bé đã được hai năm. Đời sống gia đình vừa đủ. Đi làm về chồng tôi giúp tôi việc nhà và chăm sóc con.
Vì 2 cháu còn quá bé, hai vợ chồng rất bận rộn và ít có thời gian cho nhau. Nói là ít chứ không phải là không có, nếu chồng tôi dành thì giờ ít ỏi này cho tôi. Tôi tôn trọng sở thích riêng của ảnh và hiểu rằng mỗi người cần có thời gian riêng cho công việc của mình, nhưng nếu thỉnh thoảng ảnh biết nghĩ tới tôi mà dành cho tôi chút thời giờ thì tôi không nghĩ đòi hỏi này là quá đáng. Tôi cố gắng thay đổi quan hệ vợ chồng và nhiều lần nói chuyện để hiểu nhau. Chồng tôi tỏ ra hiểu biết, xin lỗi và hứa thay đổi. Nhưng chỉ thấy nói mà chẳng thấy làm.
Tôi cũng không thể trách ảnh được. Một ngày 24 tiếng mà công chuyện và đi làm đòi hỏi và chiếm hết thì giờ. Ngủ ngày vài tiếng là quý lắm. Dù biết vậy nhưng tôi cũng vẫn thấy buồn. Gần 40 tuổi, không trẻ không già, nhưng cuộc sống sao thấy khô khan và nhàm chán quá.
Tôi hy vọng vài năm sau, khi 2 cháu lớn một chút, cuộc sống giữa 2 vợ chồng sẽ đỡ buồn chán. Nhưng đợi vài năm sao thấy quá xa xôi và liệu sau thời gian chờ đợi này sẽ có gì thay đổi ???
Tôi mong chị sẽ có vài lời giúp tôi sống sao để thấy mỗi ngày không chỉ có tã, sữa và tối đi ngủ thui thủi một mình, mà là một ngày đỡ đen tối và chán nản. Cám ơn chị.
Đọc thư bạn, Thuần Nhã lại nghĩ đến hình ảnh tiêu biểu của những gia đình Việt nam tại quê nhà cách nay chừng sáu, bảy chục năm. Đó là vào thời mà những loại ca dao như:
“Con gái là con người ta,
Nàng dâu mới thực mẹ cha MUA về ”
và
“Trai ƠN vua đứng mũi thuyền rồng,
Gái ƠN chồng tay bồng con thơ “,
… thường xuyên được nhắc tới. Bạn thấy không, thời đó, được bế con là đã phải “ơn ” chồng rồi đó! Người phụ nữ sau khi lấy chồng chỉ còn biết chúi mũi vào công việc hầu hạ nhà chồng, đầu tắt mặt tối, xốc xếch lấm lem, không biết đến “hạnh phúc lứa đôi” là cái gì đâu.
Nhắc lại chuyện xưa tích cũ cho giãn thần kinh một chút thôi, bạn ạ. Bây giờ Thuần Nhã xin cùng bạn tâm tình. Vì thư bạn viết kín đáo, nên Thuần Nhã xin tóm lược lại vài ý, như sau:
– Vợ chồng bạn mới kết hôn chừng 3 hoặc 4 năm và có hai cháu, hoặc là sinh đôi, hoặc là chỉ cách nhau một năm, cháu bé mới 2 tuổi.
Vì hai cháu quá nhỏ, nên bạn rất bận bịu, do đó, sau khi tan sở trở về, anh nhà cũng phụ giúp bạn một tay.
Sau khi được anh nhà phụ giúp trong việc săn sóc các cháu, ba mẹ con bạn ôm nhau đi ngủ, không có chuyện vợ chồng âu yếm mặn nồng gì, vì anh nhà cũng cần thời giờ cho những sở thích của anh (thí dụ say sưa với computer chẳng hạn), sau khi đã dành gần hết cả ngày cho sở làm và phụ bạn trong việc nhà.
Hẳn là sự xa cách của anh đã tới mức quá đáng cho nên bạn đã phải nhiều lần nói chuyện với anh, mong hai người sẽ hiểu nhau hơn. Anh nhà tỏ ra hiểu biết, nói lời xin lỗi, nhưng không biểu lộ bằng hành động thực tế là anh bù đắp, sưởi ấm cõi lòng bạn.
Bạn HN thân mến,
Bây giờ Thuần Nhã thử đứng vào vị trí anh nhà để nhìn vấn đề nhé.
Mãi đến tuổi trên dưới bốn mươi, hai bạn mới kết hôn. Như thế, hai bạn hẳn là cũng xây đắp nhiều kỳ vọng cho đời sống lứa đôi, muốn có những ngày sống tươi vui, tràn ngập hạnh phúc của thời gian trăng mật. Thế nhưng hai bạn đã sớm có ngay hai cháu với công việc nhà bận bù đầu, có thể là đã đưa tới tình trạng vì không có thời giờ, bạn cũng bỏ rơi luôn sự vén khéo, gọn gàng, chải chuốt của thời con gái. Thay vào đó, có thể bạn đã trở thành một bà mẹ xốc xếch, bận rộn lu bù, cằn nhằn về những việc linh tinh không hoàn tất, v. v …
Hằng ngày nhìn vào cái cảnh tượng như thế, chính anh nhà cũng thấy nản, mà không muốn nói ra. Sự kiện “Tôi cố gắng thay đổi quan hệ vợ chồng và nhiều lần nói chuyện để hiểu nhau. Chồng tôi tỏ ra hiểu biết, xin lỗi và hứa thay đổi. Nhưng chỉ thấy nói mà chẳng thấy làm.”… nói lên rằng có thể là anh ấy đã nản, không muốn cãi, chỉ ừ ào cho qua chuyện mà thôi.
Cái khổ cho phụ nữ chúng ta sống vào thời đại này là chúng ta không còn được quyền ngồi nhà cho chồng nuôi như khi xưa nữa, nhưng cũng nhờ vậy mà chúng ta thoát ra được khỏi cái cảnh ông chồng phát tiền chợ cho, mình chỉ biết lo cơm nước, con cái, còn ông ta thì tự do bồ bịch bên ngoài, thậm chí còn ngang nhiên lập phòng nhì, phòng ba,..v….v… Và đời sống tinh thần của người phụ nữ thời nay cũng được nâng cao, trong hôn nhân, người phụ nữ cũng có quyền đòi hỏi hạnh phúc như nam giới, chứ không còn là công cụ để chiều chồng và làm máy đẻ.
Thuần Nhã góp ý với bạn là, tạm thời trong thời gian các cháu còn nhỏ quá, bạn ở nhà săn sóc các cháu, nhưng cũng sửa soạn sẵn những phương tiện để có thể sớm gửi các cháu vào trường vườn trẻ, khi các cháu đủ tuổi, rồi kiếm việc để đi làm, bạn ạ. Hầu hết phụ nữ chúng ta trong thời buổi này đều phải đi làm, trước là nhờ có hai pay checks, sự chi tiêu cũng bớt phải tính toán quá, nó làm mụ người đi. Sau nữa là, nhờ có ra ngoài, đời sống tinh thần cũng bớt bó chặt trong bốn bức tường, bạn cũng có thêm những hiểu biết vòng quanh thế giới để chiều về quanh bàn ăn, hai người còn có thêm đề tài thảo luận với nhau, nhờ vậy mà cuộc sống tinh thần thêm phần linh động. Sự kiện bạn có đi làm nó cũng khiến cho chính bạn thấy thêm tự tin, bớt bị mặc cảm, tủi thân.
Trong khi chờ đợi chuyện sẽ đi làm, xin bạn quan tâm đến những câu chuyện với nhau, nên bớt nói về tiền bạc hoặc những đề tài nặng về vật chất, và xin bạn để ý cách ăn mặc, trang điểm, sao cho đừng quá khác khi xưa, lúc hai người còn đang trong thời kỳ hò hẹn.
Có một cặp vợ chồng, bạn của Thuần Nhã, bỏ nhau. Người chồng than với Thuần Nhã là anh ta không bỏ người anh ta yêu khi xưa, mà bỏ một người khác, vì vợ anh ta ngày nay đã khác hẳn người mà anh ta đã từng say mê, cả về tính tình lẫn hình thức bề ngoài.
Thuần Nhã không so sánh họ với trường hợp bạn, nhưng tục ngữ có câu: ” Lượm kinh nghiệm của người khác mà xài thì mình đỡ phải trả giá”,
… cũng hay, bạn nhỉ.
Thân chúc bạn sớm tìm lại những ngày hạnh phúc như khi trước
Nhiều người bảo em yêu nhiều nên lận đận, em nghiệm ra hình như họ nói đúng. Hồi còn là sinh viên năm thứ ba, em có cảm tình với một bác sĩ hơn mình 10 tuổi. Sau 3 năm yêu đương, vì cảm thấy anh ấy giống như một người anh đáng tin cậy hơn là bạn trai, em đã nói lời chia tay. Tất nhiên, anh ấy không đồng ý và lúc nào cũng khuyên em phải biết nuôi dưỡng tình cảm bấy lâu nay.
Sau đó, em gặp và yêu Bình. Anh Bình rất tốt bụng, khéo tay, khôi hài, mỗi lần ở bên cạnh Bình, em cũng cảm thấy được một hạnh phúc thật sự. Lúc đó, gia đình em rất khó khăn, mẹ em đã mất, bố em vắng nhà thường xuyên, có khi cả tuần mới về nhà lo toan những việc lặt vặt trong nhà rồi lại đi tiếp. Trách nhiệm của một người chị cả không cho phép em được nghĩ đến hạnh phúc bản thân. Em đã khước từ lời đề nghị kết hôn của Bình.
Một năm sau, em gặp Định, chồng em bây giờ. Khi yêu, em đã thẳng thắn nói với anh rằng không còn trinh tiết nữa bởi em đã trao cho Bình. Định nói chuyện đó không quan trọng. Chúng em kết hôn, thời gian đầu vợ chồng sống rất hạnh phúc. Đến khi sinh con đầu lòng, tình cảm của Định đối với em bỗng lạnh nhạt, anh lại còn vụng trộm, lăng nhăng với những bạn gái thời còn đại học. Em vô cùng đau khổ và đã đề nghị với Định hai đứa nên ly dị. Định không đồng ý và nói rằng anh chọn em chứ không phải cô bạn.
Sau nhiều lần cải vã, giận hờn, lúc tan, lúc hợp, vợ chồng em lại sinh thêm một cháu nữa. Song dường như đứa con ấy cũng không thể cứu vãn hạnh phúc gia đình. Định vẫn ngoại tình, muốn đi thì đi, muốn về thì về, cư xử như một người thuê phòng không hơn không kém. Còn em cảm thấy mệt mỏi lắm rồi, không còn đủ khả năng, nghị lực để mong hàn gắn cái tình cảm dối trá, hời hợt này nữa. Chị nghĩ em có nên dứt khoát hẳn với Định hay không? Chị có nghĩ rằng Định không muốn ly dị với em âu cũng là vì muốn trốn cái trách nhiệm “child support” sau khi ly dị. Em nhiều lần cũng nghĩ về vấn đề này, nhưng em không biết em nghĩ có đúng hay không. Em thì hiện đang là software engineer cho một cơ quan của thành phố. Em nghĩ em cũng đủ khả năng để nuôi hai đứa con một mình em. Em xin cảm ơn chị.
Diễn Đàn Người Việt Hải Ngoại. Tự do ngôn luận, an toàn và uy tín. Vì một tương lai tươi đẹp cho các thế hệ Việt Nam hãy ghé thăm chúng tôi, hãy tâm sự với chúng tôi mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi giây phút có thể. VietBF.Com Xin cám ơn các bạn, chúc tất cả các bạn vui vẻ và gặp nhiều may mắn.
Welcome to Vietnamese American Community, Vietnamese European, Canadian, Australian Forum, Vietnamese Overseas Forum. Freedom of speech, safety and prestige. For a beautiful future for Vietnamese generations, please visit us, talk to us every day, every hour and every moment possible. VietBF.Com Thank you all and good luck.