Thay vì dành cho Tel Aviv sự ủng hộ mạnh mẽ sau cuộc tấn công của Hamas, các nước châu Âu ngày càng công khai chỉ trích Israel vì xung đột ở Trung Đông.
Ngày 7/10/2023, khi Hamas bất ngờ tấn công vào miền nam Israel và khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng, Israel đã nhận được chia sẻ và ủng hộ vững chắc từ Mỹ và nhiều nước châu Âu.
Tuy nhiên, nền tảng ủng hộ đã xuất hiện nhiều rạn nứt khi chiến dịch đáp trả Hamas của Israel tàn phá Gaza, khiến hơn 43.000 người chết. Các chính phủ châu Âu coi chiến dịch của Tel Aviv ở Gaza là "không cân xứng và mâu thuẫn với luật pháp quốc tế", theo Hugh Lovatt, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao trong Chương trình Trung Đông và Bắc Phi thuộc tổ chức Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) tại Berlin.
Chiến dịch trên bộ của Israel chống lại Hezbollah ở miền nam Lebanon đã "đảo ngược" sự ủng hộ của nhiều nước châu Âu. Israel bị cáo buộc đánh trúng các căn cứ lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở miền nam Lebanon, khiến một số binh sĩ bị thương.
Lực lượng Lâm thời Liên Hợp Quốc tại Lebanon (UNIFIL) đóng quân ở đó từ năm 1978 và được hợp thành từ binh sĩ của 50 quốc gia, trong đó có những nước châu Âu như Tây Ban Nha, Ireland, Pháp và Italy. UNIFIL nói hành vi của Israel "gây sốc", trong khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres chỉ trích rằng các hành động này có thể cấu thành "tội ác chiến tranh".
"Quan hệ giữa Israel và EU hiện tại ở mức căng thẳng chưa từng thấy", Lovatt nói.
Maya Sion-Tzidkiyahu, giám đốc Chương trình Quan hệ Israel - châu Âu tại tổ chức nghiên cứu Mitvim ở Jerusalem, cho biết "các nước châu Âu có xu hướng lên tiếng nhiều hơn khi thấy cần phải bảo vệ binh lính của họ".
Israel nói rằng họ không có ý định gây tổn hại cho lực lượng gìn giữ hòa bình ở miền nam Lebanon, nhưng cáo buộc Hezbollah sử dụng UNIFIL làm lá chắn sống. Ông Netanyahu cảnh báo UNIFIL ở Lebanon đang gặp nguy hiểm và kêu gọi Tổng thư ký Guterres di dời lực lượng này ngay lập tức.
Tranh cãi giữa Israel và một số lãnh đạo châu Âu ngày càng nóng lên trong những tuần qua. Hồi giữa tháng 10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng "ông Netanyahu không được quên đất nước Israel được thành lập sau một nghị quyết của LHQ", đề cập tới Nghị quyết 181 của LHQ mở đường cho Israel lập quốc năm 1948.
Ông Macron sau đó nhấn mạnh "đây không phải là lúc coi thường các quyết định của LHQ". Tổng thống Pháp trước đó kêu gọi đình chỉ hoàn toàn việc bán vũ khí cho Israel sử dụng trong cuộc chiến, đồng thời khẳng định Paris không cung cấp vũ khí cho Tel Aviv.
Trong tuyên bố đáp trả sau đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói việc thành lập nhà nước Israel không phải bắt nguồn từ nghị quyết của LHQ, mà là từ "chiến thắng trong cuộc chiến giành độc lập của những người lính anh hùng".
Thủ tướng Israel thêm rằng trong những thập kỷ gần đây, LHQ đã phê chuẩn "hàng trăm nghị quyết bài Do Thái chống lại Tel Aviv, với mục đích chối từ "quyền tồn tại và khả năng tự vệ" của Israel.
Israel đã nhiều lần cáo buộc LHQ và ông Guterres về chủ nghĩa bài Do Thái. Tel Aviv hồi đầu tháng 10 cấm Tổng thư ký LHQ nhập cảnh vào Israel. Quan chức ngoại giao châu EU Josep Borell lên án quyết định của Israel, thêm rằng những cáo buộc về bài Do Thái chống lại ông Guterres là "vu khống".
EU và Anh đã liệt Hamas vào danh sách tổ chức khủng bố và nhiều lần lên án nhóm vũ trang này kể từ sau cuộc tấn công tháng 10 năm ngoái. EU cũng đã trừng phạt cánh quân sự của nhóm vũ trang Hezbollah.
Italy, nước đóng góp 1.100 lính cho UNIFIL, đã chỉ trích mạnh mẽ Israel. "Chúng tôi bảo vệ quyền sống trong hòa bình và an ninh của Israel, nhưng muốn nhắc lại rằng điều này phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế", Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nói.
Italy là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba của Israel, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Tuy nhiên, sau khi xung đột Gaza nổ ra, Italy đã đình chỉ toàn bộ giấy phép xuất khẩu mới và hủy bỏ các thỏa thuận ký sau ngày 7/10.
"Chính sách này khắt khe hơn nhiều so các nước khác như Pháp, Đức và Anh. Chúng tôi đã chặn mọi thứ", Thủ tướng Italy Meloni nói.
Tây Ban Nha và Ireland kêu gọi EU xem xét lại Thỏa thuận Hợp tác với Israel vì cho rằng quốc gia này đã vi phạm điều khoản nhân quyền trong thỏa thuận. Ông Borrell cho biết vấn đề sẽ được thảo luận tại Hội đồng Đối ngoại EU.
Nếu EU đồng thuận, thay đổi thỏa thuận sẽ làm tổn hại Israel, đặc biệt là về thương mại. EU là đối tác thương mại lớn nhất của Israel với kim ngạch hai bên đạt 50,7 tỷ USD năm 2022, theo dữ liệu của khối.
Hồi tháng 5, Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy tuyên bố chính thức công nhận Nhà nước Palestine.
Anh cũng tìm cách kiềm chế Israel bằng cách trừng phạt các bộ trưởng cực hữu của nước này. Thủ tướng Anh Keir Starmer tuần trước cho biết chính phủ đang xem xét trừng phạt Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich. Cả hai bộ trưởng Israel đều chỉ trích bình luận của ông Starmer.
Anh tháng trước đình chỉ 30 trong tổng 350 giấy phép xuất khẩu vũ khí sang Israel khi lo ngại số vũ khí này sẽ được sử dụng để vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Quyết định của Anh bị nhiều quan chức Israel lên án.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nước EU đều quay lưng với Israel, Đức thường là ngoại lệ. Berlin là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Tel Aviv sau Washington, khi Đức đóng góp khoảng 30% vũ khí Israel tính đến năm 2023.
Trong 8 tuần qua, chính phủ Đức đã phê duyệt xuất khẩu thiết bị quân sự và đạn dược cho Israek trị giá tới 33,7 triệu USD, theo DPA. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi tháng 10 nói sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Israel.
Bất chấp những rạn nứt gần đây, Sion-Tzidkiyahu nhận định quan hệ EU - Israel khó đổ vỡ hoàn toàn và "vẫn rất quan trọng" với Tel Aviv. "Khối chưa gây tổn hại nào về vật chất cho Israel, song những lời chỉ trích của họ khiến Israel ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế".
VietBFsưu tập
|