Móng tay có thể tiết lộ nhiều điều về tình trạng sức khỏe tổng thể. Những thay đổi về màu sắc, hình dạng hay kết cấu móng tay là dấu hiệu cảnh báo của các vấn đề bên trong cơ thể của bạn. Mặc dù một số thay đổi có thể vô hại, song cũng có những biểu hiện bất thường báo hiệu các bệnh lý nghiêm trọng không nên bỏ qua.
Móng tay vàng là biểu hiện của nhiễm nấm, móng có thể trở nên dày, giòn và dễ gãy, thậm chí phần dưới móng bị lõm vào. Biểu hiện này cho biết các vấn đề sức khỏe như bệnh tuyến giáp, phổi, tiểu đường hoặc loãng xương.
Ngoài ra, móng đổi màu vàng có thể liên quan đến bệnh gan mãn tính, vì khi chức năng giải độc của gan suy giảm sẽ dẫn đến sự tích tụ độc tố trong cơ thể. Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính khiến móng tay chuyển sang màu vàng do tác động của nicotin và các hóa chất trong khói thuốc.
Ảnh minh họa
Móng tay chuyển màu xanh lam thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể thiếu hụt oxy, liên quan đến các vấn đề về phổi như viêm phổi, hoặc bệnh lý về tim.
Màu xanh lá cây trên móng tay là một trong những dấu hiệu ít phổ biến hơn, thường là kết quả của nhiễm trùng vi khuẩn hoặc nấm, đặc biệt ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước như người bơi lội hoặc lao động trong môi trường ẩm ướt. Tình trạng này, được gọi là hội chứng móng tay xanh, thường xuất hiện khi vi khuẩn phát triển dưới móng tay.
Các đốm trắng hoặc vệt trắng trên móng thường liên quan đến nấm móng, đặc biệt là loại nấm trắng gây nên hiện tượng móng dày lên, đổi màu và xuất hiện các vệt, đốm trắng. Hiện tượng này chỉ ra các vấn đề về gan như xơ gan, chức năng gan bị suy giảm.
Ngoài ra, thiếu hụt dưỡng chất, đặc biệt là sắt, có thể gây ra hiện tượng móng mỏng, trắng và đôi khi có hình dạng như chiếc thìa. Các chất dinh dưỡng khác như protein hay vitamin cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe móng tay, và sự thiếu hụt các chất này có thể dẫn đến những thay đổi về màu sắc.
Màu đen trên móng tay thường do xuất huyết dưới móng sau khi có tác động vật lý mạnh, gây tụ máu. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này sẽ tự khỏi khi móng mới mọc lên.
Tuy nhiên, nếu móng đen xuất hiện mà không có lý do rõ ràng, có thể đây là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn như ung thư da ác tính. Melanoma có thể phát triển dưới móng hoặc vùng da xung quanh, thường xuất hiện dưới dạng các vệt đen hoặc đốm. Đây là một loại ung thư nguy hiểm nhưng có tiên lượng tốt nếu được phát hiện và điều trị sớm.
Móng tay màu xanh da trời báo hiệu các vấn đề về tuần hoàn máu hoặc oxy trong cơ thể. Hội chứng Raynaud, một bệnh liên quan đến mạch máu, có thể khiến ngón tay và móng tay chuyển sang màu xanh khi tiếp xúc trong môi trường lạnh hoặc căng thẳng.
Móng xanh cũng có thể do tình trạng methemoglobinemia, trong đó cơ thể không cung cấp đủ oxy cho các mô, khiến móng và da chuyển màu.
Tình trạng móng tay dễ nứt, gãy hoặc trở nên giòn thường liên quan đến tuần hoàn máu kém và thiếu hụt dinh dưỡng. Khô da và móng tay nứt cũng có thể là kết quả của việc không cung cấp đủ độ ẩm cho da.
Do đó, cần bổ sung các thực phẩm giàu protein, vitamin và dưỡng chất, cũng như chăm sóc da tay bằng kem dưỡng ẩm sau khi rửa tay.
Các đường gợn sóng trên móng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau. Đường gợn dọc thường liên quan đến việc tập thể dục quá mức hoặc thiếu dinh dưỡng, đặc biệt ở trẻ nhỏ hoặc những người ăn kiêng. Trong khi đó, đường ngang trên móng có thể liên quan đến các bệnh mãn tính hoặc căng thẳng nặng nề.
Sự thay đổi hình dạng của móng như móng bị lõm hoặc nhô lên là dấu hiệu của thiếu máu hoặc các vấn đề tiêu hóa và hô hấp. Móng bị lõm thường chỉ ra sự thiếu hụt sắt trong cơ thể, trong khi móng nhô lên có thể là biểu hiện của tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa và hô hấp.