Theo Business Insider, trang web của hội nghị thượng đỉnh BRICS cho biết khách mời nước ngoài đến Nga cần mang theo tiền mặt là USD hoặc euro để đổi sang đồng Rúp. Họ cũng có thể sử dụng thẻ Union Pay của Trung Quốc thay cho Mastercard và Visa.
Nga đang tổ chức Hội nghị thượng đỉnh quy mô lớn với sự tham gia của hơn 20 nhà lãnh đạo trên thế giới. Một trong những mối ưu tiên hàng đầu của sự kiện này là phi đô la hoá khi các quốc gia trong khối BRICS đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh.
Tuy nhiên, việc từ bỏ đồng USD không phải điều dễ dàng. Theo Business Insider, bộ phận tổ chức Hội nghị thượng đỉnh BRICS đã khuyến nghị người tham dự từ nước ngoài mang theo tiền mặt, cụ thể là USD và euro, đến sự kiện tại thành phố Kazan, Nga.
Trang BI trích dẫn nội dung trên trang web của hội nghị cho biết, hầu hết các ngân hàng Nga sẽ chỉ chấp nhận USD hoặc euro để đổi sang đồng Rúp.
Trong khi đó, họ không được dùng phương thức thanh toán không tiền mặt, vì không thể sử dụng thẻ Mastercard hoặc Visa được phát hành bên ngoài nước Nga. 2 đơn vị phát hành thẻ này đã dừng hoạt động tại Nga từ năm 2022.
Ngoài ra, các khách mời có thể sử dụng thẻ Union Pay của Trung Quốc “nhưng sẽ có một vài hạn chế”. Trang web hướng dẫn thêm, các bên tham dự có thể đăng ký thẻ thanh toán Mir của Nga và sẽ có một ngân hàng tại sân bay quốc tế Kazan hỗ trợ quá trình làm thẻ, đổi tiền và rút tiền mặt.
Khối các quốc gia mới nổi vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu thay thế đồng USD. Hôm 22/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc đến việc sử dụng các đồng tiền nội tệ trong sự kiện bên lề của hội nghị thượng đỉnh.
Ông Putin phát biểu trong cuộc họp với Dilma Rousseff, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển mới (NDB): “Các khoản thanh toán bằng các đồng nội tệ được thúc đẩy sẽ giúp giảm chi phí nợ, tăng khả năng độc lập về tài chính của các quốc gia thành viên BRICS và giảm thiểu rủi ro địa chính trị ở mức độ lớn nhất có thể.”
Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay có quy mô lớn hơn vì khối này bày tỏ mong muốn thay đổi trật tự thế giới vốn do phương Tây thống trị. Ở sự kiện này, BRICS cũng chào đón các thành viên mới bao gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã gia nhập trong năm qua. Ả Rập Xê Út được mời để trở thành thành viên nhưng chưa chính thức gia nhập.
Các nhà phân tích nhận định, dù BRICS muốn thay đổi trật tự thế giới nhưng khối này vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề về sự cạnh tranh và lợi ích của mỗi quốc gia thành viên. Ví dụ, Ấn Độ và Trung Quốc từ lâu đã có mâu thuẫn về tình hình ở biên giới 2 nước, hay Ấn Độ và Nam Phi cũng đưa ra quan điểm trung lập khi là thành viên của khối song không muốn ảnh hưởng đến mối quan với các đối tác phương Tây.
VietBF@ Sưu tập