Ung thư tuyến giáp là tình trạng các tế bào tuyến giáp phát triển bất thường và ác tính. Đây là ung thư phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp chủ yếu là phẫu thuật, uống iốt phóng xạ. Trong một số trường hợp, người bệnh ung thư tuyến giáp cần điều trị với hóa trị, liệu pháp miễn dịch.
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và hồi phục sức khỏe cho người bệnh ung thư tuyến giáp. Rau củ cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu như chất xơ, vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa... mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số loại rau có thể ảnh hưởng đến liệu pháp điều trị và khả năng hấp thu của các loại thuốc, ví dụ như rau họ cải.
Rau củ họ cải như bông cải xanh, bắp cải, cải ngồng, cải thìa, cải xoăn chứa hàm lượng vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cao, tốt cho sức khỏe. Song nhóm thực phẩm này cũng chứa nhiều goitrogens, có thể ức chế quá trình vận chuyển iốt đến tuyến giáp. Dù vậy, tác động của goitrogens sẽ giảm khi nấu chín hoặc kết hợp với các thực phẩm nhiều iốt như cá, tôm, rau tía tô...
Bắp cải và rau họ cải chứa isothiocyanate, nếu người bệnh ung thư tuyến giáp ăn nhiều dễ làm ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp. Nếu ăn sống, cơ thể hấp thụ nhiều isothiocyanate gây cản trở quá trình hấp thụ iốt của tuyến giáp. Bắp cải còn chứa glucosinolates (chất tạo ra mùi đặc trưng của loại rau này) có thể làm giảm khả năng sử dụng iốt của tuyến giáp, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Bác sĩ Vinh tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Các tác động này chỉ xảy ra khi bạn ăn quá nhiều bắp cải hoặc sử dụng liên tục khi bị bệnh tuyến giáp. Trường hợp của bạn không cần kiêng rau họ cải, thay vào đó bạn có thể ăn rau củ họ cải với liều lượng vừa phải, chẳng hạn 1/4 bắp cải mỗi tuần. Liệu lượng này không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như không có khả năng gây tái phát bệnh ung thư tuyến giáp.
Sau điều trị, bạn nên tái khám định kỳ để bác sĩ kiểm tra, phát hiện bất thường nếu có và điều trị kịp thời.
VietBF@sưu tập