Người nội trợ thường trữ bí đỏ vừa để được lâu lại có nhiều dưỡng chất, đặc biệt hỗ trợ giảm đau đầu do thay đổi thời tiết ở người có tuổi.
Bí đỏ còn có nhiều tên gọi khác như bí ngô, bí rợ, bí thơm. Theo Đông y, bí đỏ vị ngọt, tính hơi ôn, tác dụng bổ trung ích khí, thanh nhiệt, nhuận phế, sinh tân dịch, giúp chữa đau đầu, chóng mặt, mắt kém, viêm gan, thận yếu.
Theo y học hiện đại, bí đỏ chứa nhiều dinh dưỡng như beta-carotene, một tiền chất của vitamin A, canxi, natri, kali, magie, phốt pho, sắt, đồng, mangan... Trong đó magie, chất oxy hóa giúp làm giảm cơn đau đầu do nhiều nguyên nhân.
Hai món ăn từ bí đỏ hỗ trợ chữa đau đầu
Bí đỏ xào tỏi
Bí đỏ gọt vỏ, bỏ hạt rửa sạch rồi thái miếng vừa ăn. Tỏi bóc vỏ, đập dập cho ra tinh dầu thơm.
Phi thơm 1/2 số tỏi, trút bí đỏ vào và nêm gia vị mắm, muối, thêm chút nước để không bị bén cháy hay dính đáy nồi. Đậy vung nấu ở lửa nhỏ, thỉnh thoảng đảo nhẹ (nếu nhiều) để chín đều. Thử đầu đũa xiên nhẹ vào miếng bí đỏ thấy mềm thì mở vung, cho nốt phần tỏi còn lại vào, tăng nhiệt chút để rút nước rút gia vị ngấm vào bí đỏ là hoàn thiện. Một số nơi cho mắm tôm, một số nhà lại cho chút tía tô thái nhỏ vào cuối cũng tạo dư vị riêng.
Canh sườn bí đỏ
- Sườn chặt miếng vừa ăn, chần sơ để loại bỏ tạp chất, rửa sạch rồi ướp chút muối cho đậm vị.
- Bí đỏ gọt vỏ, bỏ hạt rửa sạch rồi cắt hình móng lợn hoặc to bản để khi nấu chín vừa độ mà không bị nhũn nát quá.
- Trút sườn vào nồi đảo sơ rồi đỏ nước (căn đủ lượng người ăn), đun sôi hạ lửa nhỏ rồi hớt bọt nếu có. Sau 30 - 35 phút khi sườn hơi mềm thì cho bí đỏ vào hầm tiếp ở lửa nhỏ. Khi bí đỏ mềm vừa độ như ý muốn, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, thêm hành lá (tùy chọn) là được.
- Tùy theo sở thích, có thể thay bí đỏ hầm sườn bằng móng giò cũng được, vị béo ngậy hơn. Cũng có nhà hầm với xương gà có vị ngọt tự nhiên. Còn nếu muốn nhanh gọn, rút ngắn thời gian thì nấu canh bí đỏ với thịt băm hoặc bò viên đều ngon.
Chú ý không nên ăn quá nhiều bí đỏ liên tiếp mà cần đa dạng thực phẩm trong các bữa ăn. Bởi bí đó chứa hàm lượng lớn beta-carotene, nếu cơ thể hấp thu lượng vừa đủ thì beta-carotene chuyển hóa thành vitamin A. Nếu dồn dập và quá nhiều trong thời gian dài, beta-carotene tích trữ trong các mô mỡ dưới da gây hiện tượng vàng da. Nếu gặp tình trạng này, cần giảm số lượng sử dụng thì hiện tượng vàng da sẽ biến mất.
|