Siêu bão Yagi, cơn bão mạnh nhất 30 năm qua tại Vịnh Bắc Bộ đã khiến Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc phải hứng chịu không ít thiệt hại cả về người và tài sản. Sức mạnh của những đợt gió giật cấp 10 trong nhiều giờ khiến lượng lớn cây xanh bị bật gốc, gãy cành. Trong đó, có không ít cây đổ đè vào ô tô đỗ ngay bên cạnh.
Những người có kinh nghiệm chăm sóc và bảo dưỡng xe hơi cho biết, thông thường, trường hợp ô tô bị cây đổ đè vào do ảnh hưởng của thiên tai sẽ được các đơn vị liên quan đền bù. Cụ thể:
Theo quy định của Bộ Tài chính, tất cả các phương tiện cơ giới khi tham gia giao thông đều phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Bên cạnh đó sẽ có nhiều loại bảo hiểm tự nguyện nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho chủ nhân khi phương tiện không may xảy ra va chạm dẫn đến hư hỏng.
Đối với trường hợp ô tô đỗ đúng vị trí nhưng bị cây đổ đè vào gây hư hại, nếu chủ xe đã mua bảo hiểm thân vỏ (bảo hiểm vật chất) thì sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường. Do là bảo hiểm tự nguyện nên mức chi trả bồi thường thiệt hại sẽ phụ thuộc quy định cụ thể được nêu trong hợp đồng bảo hiểm.
Để nhận được đền bù từ đơn vị bảo hiểm, chủ xe ô tô cần liên hệ ngay tới trung tâm hỗ trợ khách hàng của các công ty bảo hiểm. Đồng thời, ghi lại hình ảnh hiện trường và gọi cơ quan chức năng đến xác nhận. Đây sẽ là căn cứ để đơn vị bảo hiểm giám định tình trạng và mức độ hư hỏng của xe, từ đó đưa ra mức đền bù phù hợp.
Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Thị Thu thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cũng chia sẻ thêm, căn cứ theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, tài sản được đưa vào sử dụng phải đảm bảo tính an toàn cho người khác. Trường hợp tài sản gây thiệt hại đến người và tài sản của người khác thì chủ quản lý tài sản phải thực hiện bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Ô tô và cây xanh đều là tài sản. Do đó, nếu ô tô dừng, đỗ đúng quy định mà bị cây xanh đè vào dẫn đến hư hỏng thì đơn vị quản lý cây phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho chủ xe. Thiệt hại sẽ gồm các chi phí sửa chữa, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và chi phí phát sinh trong quá trình khắc phục hư hỏng của xe.
Ngược lại, ô tô dừng, đỗ sai quy định thì bên quản lý cây xanh sẽ không có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại.
Đối với trường hợp bất khả kháng như cây xanh bị bật gốc, gãy cành do mưa bão, gió lốc...dẫn đến đè vào các phương tiện giao thông đỗ phía dưới hay đang di chuyển trên đường. Nếu cây xanh đến giai đoạn phải cắt tỉa, chặt cành định kỳ nhưng đơn vị quản lý không thực hiện dẫn đến đổ cây, gãy cành thì công ty đó phải có trách nhiệm thực hiện bồi thường cho chủ xe.
Trường hợp cây xanh đã được cắt tỉa đúng quy định đạt tiêu chuẩn an toàn nhưng vẫn gãy, đổ do tác động từ thời tiết, thiên tai gây thiệt hại về tài sản thì đơn vị quản lý cây xanh không có trách nhiệm đền bù.
Như vậy, không phải trường hợp nào ô tô bị cây bật gốc, gãy cành đè vào cũng sẽ được bảo hiểm hoặc các đơn vị liên quan đền bù.
|