Chính quyền quân sự Myanmar kêu gọi quốc tế viện trợ, nhằm ứng phó trận lũ lụt nghiêm trọng khiến hàng trăm nghìn người phải sơ tán.
"Các quan chức cần liên hệ nước ngoài để nhận viện trợ và cung cấp cho nạn nhân lũ lụt. Cần triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu trợ và khắc phục nhanh nhất có thể", tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, hôm 13/9 cho hay.
Chính quyền quân sự Myanmar cùng ngày cho biết 33 người đã thiệt mạng và hơn 235.000 người phải sơ tán do lũ lụt. Một số khu vực bị mất liên lạc, giới chức cũng đang xác minh thông tin hàng chục người bị chôn vùi trong các trận lở đất ở điểm khai thác vàng thuộc vùng Mandalay ở miền trung.
Động thái kêu gọi của chính quyền quân sự Myanmar được cho là hiếm hoi, bởi họ từng nhiều lần ngăn cản viện trợ nhân đạo từ nước ngoài.
Chính quyền quân sự Myanmar hồi năm ngoái đình chỉ giấy phép đi lại đối với các nhóm cứu trợ cố tiếp cận khoảng một triệu nạn nhân bị ảnh hưởng do bão Mocha. Liên Hợp Quốc khi đó chỉ trích quyết định này là "không thể hiểu nổi".
Năm 2008, cơn bão Nargis khiến hơn 138.000 người ở Myanmar thiệt mạng. Chính quyền quân sự khi đó bị cáo buộc chặn viện trợ khẩn cấp, không cho nhân viên các tổ chức nhân đạo và hàng viện trợ được tiếp cận người dân.
Myanmar và một số nước Đông Nam Á đang đối mặt với mưa lũ và lở đất nghiêm trọng, sau khi bão Yagi đổ bộ và trút lượng mưa rất lớn xuống khu vực từ cuối tuần trước.
Truyền thông Myanmar cho biết lũ lụt ở khu vực xung quanh thủ đô Naypyidaw đã gây sạt lở, phá hủy các cột điện cao thế, đường sá, cầu đường và nhà cửa. Hàng trăm dân làng ở khu vực quanh Naypyidaw hôm 13/9 phải lội hoặc bơi qua vùng nước cao ngang cằm để đến nơi an toàn. Một số người nói rằng họ đã ẩn náu trên cây suốt đêm để thoát khỏi dòng nước lũ dữ dội bên dưới.
Thảm họa thiên nhiên đang khiến tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar trở nên trầm trọng hơn. Khoảng 1/3 dân số nước này cần được viện trợ và hơn 2,7 triệu người đã bị mất nhà cửa sau khi cuộc đảo chính quân sự năm 2021 làm bùng phát xung đột tại quốc gia Đông Nam Á.
|