9/12
Nhiều nơi bán rau muống 35.000 đồng một mớ, một kg bí xanh 45.000 đồng, đắt gấp đôi trước bão.
Cuối giờ chiều 11/9, chị Thanh Mai (Hà Đông, Hà Nội) ghé một hàng rau tại chợ dân sinh cạnh nhà hỏi mua rau xanh nhưng sốc khi thấy giá tăng gấp đôi so với một tuần trước. "Một cân bí xanh 45.000 đồng, hành lá 80.000 đồng, cà chua 50.000 đồng", người bán nói với chị Mai.
"So với hôm qua, giá cũng thêm 15.000-20.000 đồng mỗi loại", người bán nói, phân trần nguyên nhân do phía đầu mối tăng giá, chứ họ không cố lấy thêm lãi. "Mưa lũ khiến vận chuyển khó hơn, nguồn hàng hạn chế, sáng nay, mọi người tranh nhau nhưng vẫn không nhập đủ lượng dự kiến", chị nói thêm.
Song, mức này vẫn thấp hơn đáng kể so với một số cửa hàng thực phẩm sạch tại các tuyến phố trong khu dân cư. Chị Phương (Hà Đông, Hà Nội) kể, mưa nặng hạt, lại có con nhỏ, không tiện ra ngoài nên chị gọi nhân viên cửa hàng gần đó mang đồ lên. Trong đơn hàng, chỉ riêng tiền rau gần 300.000 đồng, gồm 4 loại là cà chua, cải thảo, bí xanh và khoai tây.
Ghi nhận tại một số chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm ở Hà Nội cho thấy giá rau củ liên tục tăng mạnh những ngày qua. Trong đó, cà chua tăng từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng mỗi kg với hàng thường và 70.000-80.000 đồng với trái to, ngọt. Ngoài ra, xà lách, cải xoong cũng lên 50.000-70.000 đồng một kg, đắt thêm 20.000-35.000 đồng. Hành lá, các loại rau gia vị khác đồng loạt tăng thêm 50-70%.
Một số loại rau ăn lá hiện gấp hai, ba lần ngày thường. Ví dụ, rau muống có giá cao nhất lên tới 35.000 đồng một bó. Mồng tơi, rau cải cũng đang bán giá hơn 20.000 đồng, gấp đôi trước bão.
"Đi chợ mà tôi sốc ngang. Rau ít nhất 20.000-30.000 một bó, các loại củ quả cũng phải 40.000-50.000 một kg", chị Thu (Hoàng Mai, Hà Nội) nói. Theo chị, mưa bão, ngập lụt gây ảnh hưởng tới hoa màu và việc vận chuyển nhưng mức giá nhân hai, ba lần khiến chị bất ngờ.
Ở một số chợ, người bán còn tăng giá nhiều loại rau củ theo giờ, theo chị Hoa, một tiểu thương tại Nam Từ Liêm. Chị nói bí xanh, mướp hương giá buổi sáng là 30.000-35.000 một kg, cuối giờ chiều đã lên 45.000 đồng một kg. Tương tự, cà chua sáng được bán giá 75.000 đồng một combo 2 kg, cuối giờ chiều 50.000 đồng chỉ mua được một kg. Hành lá 50.000 đồng một kg buổi sáng, sang cuối giờ chiều lên 75.000-80.000 đồng.
Rau, củ được bán tại một chợ dân sinh tại Hà Đông, chiều 11/9. Ảnh: PD
Báo giá của các cơ sở rau Mộc Châu (Sơn La) cũng cho thấy, bí xanh đang có giá sỉ 20.000-30.000 đồng một kg, đậu cove 40.000 đồng, mướp 35.000 đồng, cải ngồng 32.000 đồng, cà chua 40.000 đồng, đậu Nhật 37.000 một kg.
Trong khi đó, các cơ sở rau Đà Lạt (Lâm Đồng) có giá vừa phải, thấp hơn khoảng 20-30%. Song, theo chị Quỳnh Như, một đầu mối chuyên cung cấp rau Đà Lạt, đây chỉ là báo giá theo ngày. "Mai chưa biết giá tại chợ như thế nào vì tình hình mưa gió khó dự đoán", chị nói.
Tại các siêu thị, nguồn cung hàng và giá vẫn ổn định. Nhiều mặt hàng rau củ tại đây có giá chỉ bằng một nửa so với ngoài chợ. Chị Thảo Vy (Dương Nội, Hà Nội) cho hay: "Gần trưa, tại siêu thị gần nhà, rau tươi ngon, giá không tăng so với các ngày trước. Quả bí hơn 2 kg hết 45.000 đồng cả VAT, tương đương 20.900 đồng mỗi kg". Vy nói mức này thấp hơn đáng kể so với giá bí xanh đang bán trên các hội nhóm cư dân và chợ dân sinh gần nhà. Tuy nhiên, các mặt hàng hết sớm tại một số siêu thị.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, mưa ngập khiến rau bị hỏng và khó khăn để thu hoạch, vận chuyển. Song, nhà chức trách khẳng định tại hệ thống bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản đảm bảo. "Để ổn định nguồn cung và giá, các mặt hàng này đã được chủ động điều chuyển sang nguồn hàng các tỉnh phía Nam", cơ quan quản lý cho biết.
Thực tế, ngay sau bão, các siêu thị đẩy tăng nguồn nhập từ miền Nam, Lâm Đồng để thay thế cho nhà cung cấp tại địa phương bị ảnh hưởng. Theo ông Võ Văn Tuấn, quản lý cao cấp nguồn hàng và hậu cần của MM Mega Market, số lượng chuyến xe rau quả từ Lâm Đồng ra miền Bắc đã tăng gấp 3 lần so với trước bão. Trước đây chỉ có 2 chuyến mỗi tuần, nhưng nay đã tăng lên 6 chuyến.
Tương tự, Central Retail Việt Nam tăng nhập hàng từ các đơn vị cung ứng ở Đà Lạt lên gấp đôi, trung bình 75-80 tấn mỗi chuyến. Saigon Co.op cũng tăng mua các mặt hàng rau xanh (rau muống, cải ngọt, bí đao, cải thảo, dưa leo, cà chua ...) từ Đồng Nai, Lâm Đồng và một số tỉnh Tây Nam Bộ.
Đại diện Senta Việt Nam, đơn vị cung ứng rau quả cho nhiều siêu thị trên toàn quốc, cho biết đã tăng gấp 3 sản lượng cho thị trường miền Bắc so với ngày thường. Trước đây, công ty chỉ vận chuyển 2 lần mỗi tuần, nhưng hiện tăng lên 4 chuyến để đáp ứng nhu cầu tăng cao.
Cùng đó, các đầu mối thương lái tại Đà Lạt và Tây Nguyên cũng đẩy mạnh thu gom nông sản với số lượng tăng nhiều lần. Chị Thanh Hoa, thương lái tại Lâm Đồng và Đông Nam Bộ, cho biết đang ưu tiên cung ứng cho miền Bắc. Trước đây, 70% hàng hóa được đưa vào các chợ đầu mối tại miền Nam và TP HCM, 30% cho miền Bắc, nhưng hiện tỷ lệ này đã được điều chỉnh thành 45% cho miền Bắc và 55% cho miền Nam. Chị Hoa khẳng định đang kết nối với nông dân để thu mua với giá hợp lý nhằm giữ ổn định giá cho người tiêu dùng.
Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với cơ quan quản lý dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra. Nhà chức trách nói họ sẽ tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, nắm tình hình các địa phương để kịp thời điều tiết, vận chuyển hàng hóa, phục vụ người dân.
|
|