Năm 1628, tàu chiến Vasa của Thụy Điển bị đắm ngay trong chuyến đi đầu tiên. Hậu quả là 30 người đã thiệt mạng. Nguyên nhân vụ chìm tàu trở thành bí ẩn lớn trong nhiều năm.
Bảo tàng Vasa ở Stockholm là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Thụy Điển. Khi đến đây, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng và tìm hiểu "quá khứ" của tàu chiến Vasa. Quá trình trục vớt con tàu này diễn ra từ năm 1958 và hoàn thành năm 1961. Ảnh: Sjöhistoriska museet/Karolina Kristensson.
Theo Theworld, tàu chiến Vasa của Thụy Điển bị đắm ngay trong chuyến đi đầu tiên vào ngày 10/8/1628. Trước khi bị đắm, đây là một trong những tàu chiến mạnh nhất ở Baltic khi được trang bị 64 khẩu pháo bằng đồng.
Nhà vua Thụy Điển Gustav II Adolf đã cho đóng tàu chiến Vasa. Con tàu dài gần 70m, nặng hơn 1.200 tấn và được bao phủ bởi những bức chạm khắc bằng gỗ kể những câu chuyện về hoàng gia Thụy Điển.
Vào chiều ngày 10/8/1628, tàu Vasa có chuyến ra khơi đầu tiên từ bến cảng cung điện ở Stockholm. Tuy nhiên, sau khi đi được hơn 1 km, tàu chiến Vasa bị lật úp.
Vụ chìm tàu Vasa đã khiến 30 người thiệt mạng. Sau khi xảy ra vụ đắm tàu, giới chức trách và các chuyên gia đã vào cuộc nhằm làm sáng tỏ nguyên nhân.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, tàu Vasa có kích thước khủng, thiết kế không cân xứng nên khi gặp gió mạnh thì bị lật úp rồi chìm dần xuống đáy biển.
Fred Hocker, nhà khảo cổ học tại Bảo tàng Vasa, cho hay ông đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu con tàu sau khi Vasa được trục vớt. Nghiên cứu của nhóm chỉ ra con tàu có nhiều cấu trúc ở mạn trái phần thân tàu hơn so với phía mạnh phải. Điều này khiến con tàu bị nghiêng về bên phải khi có gió mạnh.
Một yếu tố khác khiến tàu Vasa bị chìm ngay trong chuyến hải hành đầu tiên là con tàu này có phần nổi trên mặt nước nặng hơn rất nhiều so với phần ở dưới nước. Điều này khiến con tàu dễ bị nghiêng dẫn tới sự cố chìm tàu.
Sau gần 400 năm, tàu chiến Vasa giữ được hình dáng và vẻ đẹp gần như ban đầu. Nó trở thành một trong những con tàu được bảo tồn tốt nhất thế giới.