Thời Xuân Thu chiến quốc, nước Sở và nước Lương có chung biên giới đều trồng dưa. Người bên nước Lương, vun xới chăm chỉ nên dưa tốt quả nhiều. Người bên nước Sở lười, làm biếng tưới nên dưa xấu quả ít. Quan huyện sở tại nước Sở thấy vậy thì lấy làm tức giận lắm. Những người trồng dưa bên Sở thấy vậy cũng đem lòng ghen ghét, tối tối lẻn sang nhổ cây, bứt lá làm cho dưa bên nước Lương đang tốt tươi bỗng trở nên héo hon, xơ xác. Những người trồng dưa bên nước Lương rình biết, bèn trình báo lên quan sở tại của mình và cũng rắp tâm sang phá dưa bên Sở để trả thù. Nhưng quan sở tại của nước Lương là người thâm trầm, liền can ngăn và bảo: ”Nếu lấy ác mà xử lại thì chỉ là cách gây thù chuốc oán, gieo mầm loạn lạc binh đao, cho nên thay vì trả thù, ta cứ lẳng lặng sang tưới dưa cho họ, đó mới là thiện chí”.
Một thời gian sau, dưa bên nước Sở xanh tốt, quả nhiều. Dân nước Sở lấy làm lạ, họ để ý rình rập mới hay người bên nước Lương sang tưới dưa cho mình. Biết được điều đó, Quan bản địa có ý thẹn.
Việc đó đến tai vua Sở, vua Sở lấy làm xấu hổ và nghĩ rằng ngoài cái tội phá hoại dưa của người, chắc còn những việc khác gây oán thù. Vua Sở bèn xuống chiếu trách cứ quan huyện, khuyến cáo dân chúng nước Sở, rồi viết thư sai sứ giả sang nước Lương xin lỗi, tỏ lòng hiếu hòa bang giao.
VietBF@sưu tập