Mỹ vận hành máy bay tàng hình nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Bên cạnh những chiếc F-22 Raptor, F-35 Joint Strike Fighter hay B-2 Spirit, còn có nhiều máy bay tàng hình khác chưa bao giờ được đưa vào hoạt động vì các kế hoạch phát triển bị hủy bỏ hoặc chúng chưa bao giờ được thiết kế để phục vụ chiến đấu. Đôi khi, các dự án này chỉ nhằm chứng minh các khái niệm công nghệ tiên tiến mới, thử nghiệm các hệ thống bí mật mới hoặc chứng minh tính hiệu quả của một khả năng dự kiến sẽ được tích hợp vào các máy bay khác.
Vì tính chất đặc thù của công nghệ, các máy bay tàng hình mới thường được phát triển trong bí mật tuyệt đối. Ví dụ nổi tiếng là F-117 Nighthawk, đã hoạt động trong nhiều năm trước khi chính phủ Mỹ công nhận sự tồn tại của nó.
Tương tự, các nguyên mẫu, trình diễn công nghệ và thậm chí cả những chương trình dự kiến đưa vào phục vụ nhưng bị hủy bỏ vì nhiều lý do cũng thường vẫn nằm sau bức màn bí ẩn trong nhiều năm, ngay cả sau khi chúng bị xếp kho.
Những chương trình này thường được gọi là "Dự án đen" (Black Program). Lầu năm góc có một lịch sử dài và vẻ vang về việc tài trợ cho sự phát triển bí mật của các công nghệ tiên tiến. Ngày nay, những nỗ lực bí mật nhất thuộc về "Kế hoạch truy cập đặc biệt" (Special Access Programs - SAPs), trong đó thông tin bị hạn chế ngay cả đối với những người có quyền tiếp cận an ninh cao nhất. Nhưng ngay cả trong thế giới của SAPs còn có nhóm thông tin thậm chí mờ ám hơn: SAPs không được công nhận (Unacknowledged SAPs - USAPs).
Những nghiên cứu này bí mật đến mức các báo cáo chỉ được truyền miệng cho các cấp cao nhất của chính phủ mà không được ghi chép trên giấy tờ.
Nhưng một số máy bay tàng hình cực kỳ bí mật này đã được hé lộ.
Bird of Prey của Boeing
Trong suốt những năm 1990, một nhóm kỹ sư từ McDonnell Douglas' Phantom Works (Boeing) đã phát triển và thử nghiệm một chiếc máy bay tàng hình độc đáo trong bí mật của Khu vực 51. Chiếc máy bay này được biết đến nhiều nhất với tên gọi Bird of Prey. Không giống như hầu hết các dự án tàng hình, Bird of Prey được phát triển dưới cái tên "YF-118G", không nhằm mục đích đưa vào hoạt động mà nhằm trình diễn công nghệ tàng hình: các yếu tố trong thiết kế và quy trình sản xuất của nó vẫn đang được áp dụng vào các máy bay của Mỹ cho đến ngày nay.
Có lẽ đóng góp lớn nhất chiếc máy bay này mang lại cho hệ thống phòng thủ của Mỹ là thiết kế khung máy bay độc đáo. Trong khi hầu hết các máy bay tàng hình đều được biết đến với chi phí cao, Bird of Prey từ bản phác thảo trên giấy đến bầu trời Khu vực 51 chỉ với chi phí thấp hơn một chiếc F-35 ngày nay. Toàn bộ dự án chỉ tốn 67 triệu USD.
Được trang bị một động cơ Pratt & Whitney JT15D-5C turbofan, sản sinh chỉ 3.190 pound lực đẩy, Bird of Prey không phải là một máy bay chiến đấu, nhưng nó đã chứng minh rằng Boeing có khả năng sản xuất một máy bay tàng hình trong khi phát triển các công nghệ liên quan đến chế tạo nhanh và cấu trúc vật liệu tổng hợp đơn lẻ.
A-12 Avenger II của McDonnell Douglas
Vào ngày 13 tháng 1 năm 1988, McDonnell Douglas và General Dynamics đã giành được hợp đồng từ Hải quân cho một dự án sau này được gọi là A-12 Avenger II. Khi hoàn thành, A-12 của Hải quân sẽ có thiết kế cánh bay tương tự như B-2 Spirit của Northrop Grumman hoặc B-21 Raider, nhưng nhỏ hơn nhiều. Hình dạng tam giác sắc nét của A-12 cuối cùng đã khiến nó được đặt biệt danh là "Dorito biết bay".
Hải quân dự định gắn tiền tố "A" cho dự án này để thể hiện khả năng tấn công mặt đất mặc dù thực tế nó có khả năng đối đầu với mục tiêu trên không với hai tên lửa AIM-120 AMRAAM được lưu trữ bên trong. Nói cách khác, A-12 Avenger II sẽ là máy bay chiến đấu tàng hình thực sự đầu tiên của Mỹ.
Tuy nhiên, đến năm 1991, A-12 bị quá trọng lượng, vượt ngân sách và chậm tiến độ, dẫn đến việc bị hủy bỏ không chút tiếc nuối.
Model 853-21 Quiet Bird của Boeing
Model 853-21 Quiet Bird là một nguyên mẫu máy bay tàng hình bị lãng quên, được phát triển từ trước khi chiếc Have Blue – tiền thân của F-117 gần 15 năm.
Dự án này bắt đầu như một nghiên cứu phát triển một máy bay quan sát có độ phản xạ radar thấp cho Lục quân Mỹ.
Trong suốt các năm 1962 và 1963, Boeing đã thử nghiệm các khái niệm thiết kế máy bay tàng hình cho Quiet Bird, sử dụng các hình dạng và vật liệu xây dựng khác nhau, nỗ lực giảm diện tích phản xạ radar (RCS) của máy bay.
Mặc dù các thử nghiệm của Boeing đã cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn nhưng Lục quân không thực sự đánh giá cao giá trị của một máy bay tàng hình và chương trình này cuối cùng đã bị xếp xó. Tuy nhiên, Boeing đã ghi nhận những bài học từ việc phát triển Quiet Bird là yếu tố giúp họ thành công với tên lửa hành trình AGM-86 Air Launched Cruise Missile sau này.
X-36 Tailless Fighter Agility Research Aircraft của NASA và Boeing
Giống như Bird of Prey, dự án X-36 không nhằm mục đích triển khai một máy bay tàng hình mới cho chiến đấu mà là để phát triển các công nghệ có thể được áp dụng sau này.
Các máy bay chiến đấu tàng hình ngày nay rất khó bị tấn công nhưng không quá khó để phát hiện và theo dõi, ngay cả khi sử dụng radar lỗi thời. Vì yêu cầu hiệu suất của một máy bay chiến đấu, những chiếc máy bay như F-35 và F-22 cần các thành phần như cửa hút gió lớn và bề mặt đuôi thẳng đứng. Tuy nhiên, những phần này có thể được loại bỏ khỏi các máy bay tàng hình ít nhào lộn hơn như B-2 Spirit.
Vào giữa những năm 1990, NASA và McDonnell Douglas (sau này là Boeing) đã hợp tác để cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa khả năng tàng hình của các thiết kế cánh bay như B-2 và các máy bay chiến đấu nhào lộn như F-22. X-36 được thiết kế để bay mà không có phần đuôi thông thường như ở hầu hết các máy bay chiến đấu.
X-36 được chế tạo với tỷ lệ 28% so với kích thước thật, với chiều dài chỉ 19 feet. Nó sử dụng cánh mũi phía trước, aileron tách, và điều khiển vectơ lực đẩy để bù đắp cho việc thiếu đuôi. Phi công trên mặt đất điều khiển máy bay bằng một màn hình hiển thị được kết nối với một camera gắn trên mũi máy bay.
X-36 đã bay tổng cộng 31 chuyến bay thành công chỉ trong 25 tuần, tích lũy được 15 giờ và 38 phút bay, sử dụng 4 phiên bản phần mềm điều khiển bay khác nhau.
Mặc dù chưa có máy bay nào sau đó liên quan trực tiếp với dự án X-36, nhưng điều đáng chú ý là gần như tất cả các hình ảnh chính thức từ các chương trình phát triển máy bay chiến đấu NGAD của Không quân và F/A-XX của Hải quân đều cho thấy các máy bay tàng hình không có bề mặt đuôi thông thường, cho thấy di sản của X-36 có thể vẫn đang được giấu kín trong bí mật.
VietBF@ Sưu tập