Nga đang tăng cường các nỗ lực can thiệp bầu cử Mỹ, cụ thể là nhằm giúp ông Donald Trump đánh bại bà Kamala Harris bằng các kỹ thuật tinh vi, theo các quan chức tình báo Mỹ.
Những thông tin này được các quan chức cấp cao của Mỹ đưa ra trong cuộc họp báo kéo dài 75 phút với các phóng viên.
Theo tờ USA Today, cuộc họp báo đánh dấu lần đầu tiên các quan chức tình báo Mỹ chỉ rõ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng giúp ông Trump đắc cử trong kỳ bầu cử hiện tại sau các cáo buộc vào năm 2016 và 2020.
Khi được yêu cầu bình luận, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump, Steven Cheung nói rằng ông Putin ủng hộ bà Kamala Harris, ý nhắc đến một bình luận mà Tổng thống Nga đưa ra vào thứ Năm (5/9), trong đó ông tuyên bố ủng hộ phó tổng thống vì tiếng cười truyền cảm hứng của bà.
Đại diện chiến dịch tranh cử của ông Trump không bình luận khi được hỏi liệu cựu tổng thống có biết về các nỗ lực can thiệp bầu cử bị cáo buộc của Nga hay chưa và ông Trump có phủ nhận hay không.
Các quan chức tình báo cho biết những nỗ lực mới này dường như chưa từng có về phạm vi và quy mô. Một quan chức của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) đã mô tả bộ máy gây ảnh hưởng của Moscow là rất lớn và mạnh mẽ.
Trước đó, một bản báo cáo được đưa ra hôm thứ Tư cáo buộc Nga chi 10 triệu USD cho những người có ảnh hưởng tại Mỹ thông qua các công ty truyền thông giả mạo để phát tán các quan điểm của Nga đến người Mỹ.
Bản thân ông Trump đã bác bỏ các cáo buộc hôm 4/9 trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội Truth của ông.
Mặc dù không cung cấp thông tin chi tiết, ông cáo buộc đây là một phần trong nỗ lực của Bộ Tư pháp "nhằm can thiệp và ngăn chặn cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho đảng Dân chủ bằng cách khơi lại trò lừa bịp Nga, Nga, Nga và cố gắng nói rằng Nga đang cố gắng giúp tôi. Điều này hoàn toàn sai lầm".
Chiến dịch tranh cử của Harris cũng không có bình luận vào thứ Sáu về thông tin tình báo mới.
Ngày 4/9, các công tố viên đã buộc tội hai công dân Nga chỉ đạo một chiến dịch trị giá 10 triệu USD để tác động đến cuộc bầu cử năm 2024 thông qua các nền tảng trực tuyến khiến hàng triệu người Mỹ bị tràn ngập thông tin sai lệch.
Theo đó, 2 nhân viên của hãng RT là Kostiantyn Kalashnikov và Elena Afanasyeva bị nghi ngờ chuyển 10 triệu USD cho một công ty Mỹ có trụ sở ở Tennessee.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland nói rằng 2 nhân viên của hãng RT là Kostiantyn Kalashnikov và Elena Afanasyeva đã tài trợ cho chiến dịch tuyên truyền thông qua Tenet Media - để cung cấp thông tin sai lệch của Nga cho những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội của Mỹ và khuyến khích sự chia rẽ trong chính trị Mỹ.
Trong một trường hợp, một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã được trả 400.000 USD/tháng cho nội dung của họ, theo cáo trạng.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã tịch thu 32 tên miền internet mà người Nga sử dụng để phát tán thông tin sai lệch về cuộc bầu cử theo một chương trình có tên là "Doppelganger", ông Garland cho biết.
Các quan chức Mỹ cũng cho biết việc sử dụng những người có ảnh hưởng này là một trong số nhiều ví dụ về các kỹ thuật tinh vi hơn mà Điện Kremlin đang sử dụng trong kỳ bầu cử lần này.
VietBF@ Sưu tập