Tập thể dục, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng, kết nối xã hội, tham gia các trò chơi trí não, góp phần tăng cường sức khỏe não bộ, tránh suy giảm trí nhớ khi già.
Não có xu hướng lão hóa khi già đi, làm giảm khả năng ghi nhớ, tập trung, hiệu quả xử lý công việc và các tình huống trong cuộc sống. Một số mẹo dưới đây góp phần tăng cường trí nhớ, giúp não khỏe.
Ăn uống cân bằng
Chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu hỗ trợ sức khỏe não. Các thực phẩm này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chất trắng, tránh suy giảm nhận thức.
Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, thịt nguội, đồ đóng hộp. Tránh rượu bia, đồ uống có đường, thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cũng là cách giúp não khỏe.
Duy trì hoạt động
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tập thể dục thường xuyên đem đến nhiều lợi ích như hạn chế nguy cơ mắc bệnh mạn tính, nâng cao hệ miễn dịch. Tập thể dục có thể tránh căng thẳng, cải thiện tâm trạng, thúc đẩy ngủ ngon giấc, từ đó góp phần tăng cường trí nhớ, hạn chế nguy cơ suy giảm nhận thức.
Người trưởng thành cần duy trì tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày trong khoảng 5 ngày trong tuần. Các bài tập cường độ cao như tập tạ, chạy marathon cần ít thời gian thực hiện hơn, khoảng 15-20 phút.
Người phụ nữ tập thể dục ở Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh minh họa: Ngọc Thành
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe não bộ. Theo Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ (NINDS) Mỹ, giấc ngủ rất cần thiết cho chức năng não củng cố trí nhớ, sự tập trung và chú ý. Người lớn nên ngủ 7-8 giờ mỗi đêm để có trí nhớ tốt hơn. Người thiếu ngủ, hay mất ngủ khi còn trẻ dễ gặp vấn đề về trí nhớ khi về già.
Thiết lập thói quen ngủ đều đặn như thức và đi ngủ cùng một khung giờ mỗi ngày. Không dùng đồ uống chứa caffein vào chiều tối, tránh rượu bia... nhằm đảm bảo ngủ đủ giấc.
Quản lý căng thẳng
Căng thẳng mạn tính có thể có tác động tiêu cực đến chức năng não và khả năng ra quyết định, gây hại cho não. Mọi người có thể thử một số kỹ thuật giảm căng thẳng như chánh niệm, thiền, hít thở sâu hoặc yoga để kiểm soát căng thẳng, cải thiện chức năng nhận thức.
Giữ kết nối xã hội
Tạo ra và duy trì các kết nối xã hội mang lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe tinh thần, tránh nguy cơ suy giảm nhận thức. Giao lưu bạn bè, nói chuyện, hoạt động vui chơi cùng nhau tạo cảm giác kết nối với người khác, cải thiện khả năng ghi nhớ, tập trung và tuổi thọ.
Giữ cho tâm trí luôn hoạt động
Ngoài hoạt động thể chất, não cũng cần được rèn luyện để tăng cường sức khỏe khi già. Người lớn nên duy trì tham gia các hoạt động kích thích trí óc nhằm hỗ trợ sức khỏe não bộ. Các bài tập gồm đọc sách, chơi trò giải ô chữ, học kỹ năng hoặc ngôn ngữ để giữ cho trí óc minh mẫn. Các bài tập này có tác dụng tạo ra thách thức não bộ, cải thiện chức năng nhận thức và giảm nguy cơ suy giảm nhận thức.
VietBF@sưu tập