Theo Reuters, Nga và Trung Quốc đang lên kế hoạch tái khởi động hoạt động trao đổi hàng hoá từng được thực hiện từ thời Liên Xô để né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Hãng tin này trích dẫn các nguồn thương mại và thanh toán ẩn danh, các thoả thuận giữa 2 nước có thể liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và có khả năng được thực hiện vào mùa thu này. Nguồn tin từ một công ty công nghiệp Nga tiết lộ, các công ty Nga cũng đang nói về việc trao đổi kim loại để lấy máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc.
Những thoả thuận này đang trong quá trình thảo luận, trong bối cảnh hoạt động thương mại giữa Nga và Trung Quốc gặp khó khăn do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Gần đây, khoảng 80% giao dịch chuyển khoản ngân hàng được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc bất ngờ hồi phục mà không rõ lý do. Trước đó, hoạt động này vốn bị đình trệ trong nhiều tuần, khi các ngân hàng cân nhắc có thể thực hiện giao dịch hay không, theo hãng truyền thông Nga Kommersant.
Trước năm 2024, Nga và các đối tác thương mại đã né tránh biện pháp trừng phạt bằng cách giao dịch qua các ngân hàng nhỏ hơn và các phương thức thanh toán khác, hoặc dùng các đồng tiền tệ không phải USD. Phương Tây đã ban hành lệnh cấm đối với một số ngân hàng Nga sử dụng hệ thống SWIFT.
Tuy nhiên, chiến lược này lại gặp trở ngại kể từ khi Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt thứ cấp, nhắm đến các tổ chức tài chính đang hỗ trợ Nga. Những hạn chế này đã khiến các ngân hàng toàn cầu từ Trung Quốc đến UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Áo giảm hoạt động giao dịch với Nga.
Đây không phải lần đầu tiên Nga và Trung Quốc sử dụng hình thức này để giao thương.
Năm 2019, Trung Quốc đã đồng ý mua bán dầu cọ trị giá gần 150 triệu USD từ Malaysia cho các dịch vụ xây dựng, sản phẩm tài nguyên thiên nhiên cũng như thiết bị dân sự và quốc phòng. Năm 2021, một công ty Trung Quốc xuất khẩu phụ tùng ô tô trị giá 2 triệu USD sang Iran để đổi lấy quả hồ trăn.
Các thỏa thuận trao đổi hàng hóa trực tiếp thay vì bằng tiền giữa Moscow và Bắc Kinh khá phổ biến trước khi Liên Xô sụp đổ và tiếp tục kéo dài đến những năm 1990, nhưng các thỏa thuận hiện đang được thảo luận sẽ là thỏa thuận đầu tiên trong khoảng 30 năm.
Kyle Shostak, phó chủ tịch hội đồng quản trị tại Qifa, một công ty kinh doanh ở Trung-Nga, cho biết họ đang tìm cách giảm bớt những căng thẳng thương mại song phương bằng các nền tảng kỹ thuật số. Shostak cho biết nền tảng của Qifa sẽ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch trao đổi hàng hóa khi các quy định được áp dụng đầy đủ.
Hồi tháng 2, Bộ kinh tế Nga đã công bố một tài liệu tư vấn cho các công ty Nga cách thực hiện các giao dịch trao đổi hàng hóa và chỉ ra những rủi ro cần tránh. Tài liệu dài 15 trang bao gồm hướng dẫn từng bước để tính toán chi phí và thuế hải quan, giải thích các yêu cầu kế toán cần thiết và cung cấp các mẫu hợp đồng cho các loại hình trao đổi hàng hóa khác nhau - song phương, đa phương và thu phí.
Ngoài ra, Iran - quốc gia cũng hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt, và Ấn Độ cũng đang đàm phán với Nga để thực hiện trao đổi hàng hoá trong những tháng đầu tiên xảy ra xung đột ở Ukraine. Năm ngoái, do gặp khó khăn, Pakistan đã cho phép trao đổi hàng hoá cụ thể với Nga. Song, vẫn chưa rõ có quốc gia nào tham gia thoả thuận trao đổi hàng hoá với Nga hay không.
Mặc dù vậy, trao đổi hàng hoá không được thực hiện trong xã hội hiện đại. Alexandra Prokopenko, thành viên tại Trung tâm nghiên cứu Á-Âu Carnegie Russia, chia sẻ: “Việc trao đổi hàng hoá lấy hàng hoá cần được hạch toán thủ công. Điều này sẽ gây khó khăn lớn cho bất kỳ doanh nghiệp lớn hoặc công nghệ hiện đại nào sử dụng hệ thống kế toán tự động.”
Chính quyền của Tổng thống Putin hiện đang tìm hướng đi khác nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt với hoạt động thanh toán từ phương Tây. Nước này đang gấp rút thiết lập các hệ thống thanh toán thay thế, bao gồm cả tiền số, nhằm hỗ trợ các hoạt động thương mại.
VietBF@ Sưu tập