Sau một tuần thị trường chứng khoán toàn cầu biến động, các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao hơn bình thường đối với dữ liệu lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các số liệu công bố ngày 14/8 dự kiến sẽ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng Mỹ (CPI) vào tháng 7 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, không thay đổi so với tháng trước.
Nhưng CPI lõi vốn vẫn ở mức cao ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong 23 năm. Lạm phát lõi tháng 7 (loại trừ năng lượng và thực phẩm dễ biến động) được các nhà kinh tế dự đoán giảm nhẹ 3,2% so với mức 3,3% của tháng 6.
Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy áp lực lạm phát tăng trở lại đều có thể khiến các thị trường nhạy cảm với dữ liệu kinh tế trở nên hoang mang.
Đợt bán tháo ồ ạt tuần trước diễn ra khi nhà đầu tư lo ngại về nền kinh tế Mỹ và thái độ cứng rắn của Ngân hàng Nhật Bản. Báo cáo việc làm tháng 7 yếu hơn dự kiến khiến các nhà đầu tư càng tin rằng Fed sắp cắt giảm lãi suất. Nhưng chỉ số chi phí nhân công (ECI) – thước đo rộng nhất về chi phí lao động cho thấy lạm phát đang có xu hướng giảm đáng kể và có thể góp phần tăng khả năng cho việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, các thị trường hiện dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất 1 điểm phần trăm trong năm nay. Điều đó đồng nghĩa Fed sẽ cắt giảm tới 0,5 điểm phần trăm ở một trong ba cuộc họp còn lại.
VietBF@sưu tập