Hạnh phúc không phải là bất biến, mang tính chủ quan, không gắn liền với của cải vật chất, nó là một hành trình, không phải đích đến.
1. Hạnh phúc không phải là bất biến
Chúng ta thường rơi vào cái bẫy suy nghĩ rằng một khi đạt được cột mốc hoặc mục tiêu nào đó, chúng ta sẽ hạnh phúc mãi mãi. Nhưng cuộc sống không diễn ra theo cách đó.
Hạnh phúc cũng lên - xuống, giống như mọi cảm xúc khác. Có những ngày tốt và ngày xấu là điều bình thường. Bạn có thể cảm thấy vui sướng trong khoảnh khắc này rồi lại chỉ thấy hài lòng trong khoảnh khắc tiếp theo.
Điều quan trọng là phải hiểu được sự lên xuống này, thay vì theo đuổi trạng thái hạnh phúc khó nắm bắt và liên tục. Chấp nhận sự thực này có thể dẫn đến một cuộc sống cân bằng và mãn nguyện hơn. Và bản thân điều đó là một dạng hạnh phúc.
Càng sớm nhận ra rằng hạnh phúc không phải là trạng thái vĩnh viễn, chúng ta càng sớm có thể bắt đầu sống trọn vẹn và trân trọng từng khoảnh khắc.
2. Hạnh phúc mang tính chủ quan
Vài năm trước, khi tác giả Ethan Sterling của Hack Spirit quyết định nghỉ việc công ty lương cao để theo đuổi nghề viết tự do, nhiều người đã không thể hiểu được quyết định này. Họ coi sự an toàn và địa vị của công việc công ty là chuẩn mực cho hạnh phúc. Nhưng đối với Ethan, sự tự do kiểm soát thời gian và sự sáng tạo của bản thân mới mang lại niềm vui.
Điều này giúp chúng ta nhận ra một bài học quan trọng: hạnh phúc là rất chủ quan. Nó khác nhau tùy từng người, dựa trên các giá trị, kinh nghiệm và nhận thức của từng cá nhân.
Chúng ta thường rơi vào cái bẫy so sánh hạnh phúc của mình với người khác. Chúng ta nhìn cuộc sống của người khác, với những thành tựu và tài sản, và nghĩ rằng họ hẳn phải hạnh phúc hơn. Nhưng phiên bản hạnh phúc của họ có thể hoàn toàn khác với ta.
3. Theo đuổi hạnh phúc có thể khiến bạn không hạnh phúc
Đây là một sự trớ trêu. Nghiên cứu cho thấy bạn càng theo đuổi hạnh phúc, khả năng bạn thực sự cảm thấy hạnh phúc càng thấp. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Tích cực cho thấy những cá nhân coi trọng hạnh phúc hơn thường báo cáo mức độ hạnh phúc, sự hài lòng trong cuộc sống nói chung thấp hơn.
Tại sao lại như vậy? Có vẻ như áp lực liên tục cố gắng đạt được trạng thái hạnh phúc dẫn đến sự thất vọng và căng thẳng khi thực tế không đáp ứng được kỳ vọng.
Hạnh phúc không phải là thứ bạn có thể theo đuổi hoặc nắm bắt. Nó liên quan nhiều hơn đến việc trân trọng khoảnh khắc hiện tại, tìm kiếm sự hài lòng và hiểu rằng không phải lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc là điều hoàn toàn bình thường.
4. Hạnh phúc không đồng nghĩa là không có cảm xúc tiêu cực
Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng hạnh phúc có nghĩa là không bao giờ cảm thấy buồn, tức giận hoặc sợ hãi. Điều đó hoàn toàn không đúng! Hạnh phúc không có nghĩa là bạn sẽ chẳng bao giờ trải qua những cảm xúc tiêu cực.
Trên thực tế, những cảm xúc này là một phần thiết yếu trong cuộc sống. Chúng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân mình, điều hướng các mối quan hệ và thậm chí thúc đẩy chúng ta thực hiện những thay đổi cần thiết. Cố gắng kìm nén những cảm xúc này để theo đuổi hạnh phúc liên tục có thể không lành mạnh.
Sẽ có lợi hơn nếu bạn cho phép bản thân cảm nhận những cảm xúc này, hiểu chúng và sau đó để chúng trôi qua một cách tự nhiên.
Hãy nhớ rằng, đôi khi cảm thấy không vui là điều hoàn toàn bình thường. Đó là một phần của con người và không có nghĩa là bạn không xứng đáng được hạnh phúc về lâu dài.
5. Hạnh phúc không gắn liền với của cải vật chất
Nhiều người từng tin rằng càng có nhiều thứ, họ càng hạnh phúc. Vì vậy, họ làm việc chăm chỉ, kiếm tiền và mua những thứ họ nghĩ sẽ khiến mình hạnh phúc. Nhưng dù có tích lũy được bao nhiêu, hạnh phúc cũng chỉ thoáng qua.
Sự phấn khích khi mua được thứ gì đó mới sẽ nhanh chóng biến mất, và sau đó bạn sẽ lại chạy theo thứ khác. Theo thời gian, bạn dần nhận ra rằng mặc dù tiền có thể mang lại sự thoải mái và an toàn, nhưng nó không đảm bảo hạnh phúc.
Niềm vui thực sự đến từ những trải nghiệm, mối quan hệ và sự phát triển cá nhân.
6. Hạnh phúc đòi hỏi nỗ lực
Có một thực tế là hạnh phúc không tự nhiên mà có. Nó không phải thứ bạn đột nhiên có được khi thức dậy vào một ngày nào đó. Nó đòi hỏi nỗ lực có ý thức, thực hành và đôi khi là rất nhiều công sức.
Cho dù đó là nuôi dưỡng tư duy tích cực, thực hành lòng biết ơn hay chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất, thì việc nuôi dưỡng hạnh phúc là một quá trình chủ động. Nó có thể liên quan đến việc đưa ra những quyết định khó khăn như cắt đứt các mối quan hệ độc hại, đặt ra ranh giới hoặc tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp khi cần thiết.
Theo nghiên cứu từ Đại học Stanford, tham gia vào các hoạt động thúc đẩy sức khỏe tâm lý có thể dẫn đến hạnh phúc lâu dài. Nghiên cứu này cho thấy nỗ lực cá nhân trong các hoạt động như thiền định, tập thể dục và duy trì các kết nối xã hội góp phần đáng kể vào việc nâng cao sự hài lòng trong cuộc sống.
7. Hạnh phúc là một hành trình, không phải là đích đến
Hạnh phúc không phải là thứ bạn đạt được một ngày rồi xong. Đó là một quá trình liên tục, đầy thăng trầm, ngày tốt và ngày xấu. Đó là về việc tìm thấy niềm vui trong những khoảnh khắc nhỏ, học cách vượt qua những thất bại và hiểu rõ hơn về bản thân khi bạn vượt qua cuộc sống.
Hạnh phúc là con đường bạn đi, không phải là nơi bạn đến. Và mỗi bước của hành trình đó, mỗi khoảnh khắc vui vẻ bạn trải nghiệm trên đường đi, đều rất quý giá.
|