Các chuyên gia cho biết kinh tế hoặc thị trường chứng khoán cần phải biến động hơn nữa mới có thể buộc FED cắt giảm lãi suất khẩn cấp.
Sau dữ liệu việc làm tháng 7 của Mỹ yếu hơn dự kiến, nhiều nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về nguy cơ suy thoái kinh tế. Điều đó cũng làm dấy lên đồn đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp trước cuộc họp tháng 9.
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường đang dự đoán khả năng cao ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9. Điều này có nghĩa là hoặc Fed sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản vào thời điểm đó, hoặc cắt giảm 25 điểm cơ bản trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 9.
Fed bắt đầu tăng mạnh lãi suất từ năm 2022, vì lạm phát tăng vọt cùng lúc nền kinh tế mở cửa sau đại dịch. Sau một năm giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% - 5,5%, các quan chức Fed đang cố gắng đạt được hạ cánh mềm bằng cách kiềm chế lạm phát mà không khiến nền kinh tế suy thoái.
Khi lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể, Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất để kích thích lại nền kinh tế và ngăn chặn sự suy thoái của thị trường lao động và chi tiêu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, báo cáo việc làm tháng 7 không như mong đợi khi số việc làm mới là 114.000. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, kích hoạt chỉ báo suy thoái Sahm nổi tiếng dự báo chính xác. Thị trường lập tức phản ứng với dữ liệu mới với một đợt bán tháo mạnh.
Bất ổn gia tăng khiến một số nhà đầu tư tự hỏi liệu Fed có thực hiện các biện pháp đặc biệt và cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến hay không. Nhưng đó có phải là một kịch bản thực tế? Dưới đây là nhận định của 5 chuyên gia hàng đầu về khả năng này.
Desmond Lachman , cựu thành viên cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Fed vốn dĩ nên cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 7. Nhưng việc thực hiện cắt giảm lãi suất trước tháng 9 có hại nhiều hơn có lợi.
Ông chỉ ra rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất giữa chừng, nhưng đó là khi mọi thứ đang sụp đổ. Nếu mọi thứ chưa quá tồi tệ, Fed sẽ không muốn hành động như thể có chuyện xấu đã xảy ra.
Jeff Muhlenkamp , giám đốc danh mục đầu tư của Quỹ Muhlenkamp, cho biết rằng Fed không quá bận tâm đến cách thị trường chứng khoán hoạt động. Do đó, khả năng cắt giảm lãi suất sớm là không có.
“Fed sẽ không quá lo lắng cho đến khi có điều gì nghiêm trọng bắt đầu lan sang nền kinh tế chính thống”, ông nói.
Ian Shepherdson , nhà sáng lập và nhà kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics, cho rằng việc cắt giảm khẩn cấp là không thể vì nó có thể phản tác dụng về mặt thông điệp gửi đến các nhà đầu tư.
“Thông thường, các chủ tịch Fed sẽ vẫn chờ đợi, ngay cả khi họ rất muốn nới lỏng chính sách. Ba trong bốn lần nới lỏng suốt 30 năm qua đều diễn ra đúng theo lịch trình”, ông lưu ý.
Ông cho biết thêm nền kinh tế hoặc thị trường chứng khoán sẽ phải xấu đi nhiều hơn nữa thì Fed mới có thể can thiệp sớm.
Lukasz Tomicki , người sáng lập LRT Capital, tin rằng nỗi lo suy thoái không phải là động lực chính gây ra biến động thị trường chứng khoán. Vì vậy, Fed sẽ không cần cắt giảm.
"Tôi tin rằng đợt bán tháo hiện tại bắt nguồn từ việc hủy bỏ giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) yên Nhật. Và điều này không nên ảnh hưởng đến quyết định của Fed", Tomicki cho biết.
John Sheehan , phó chủ tịch kiêm giám đốc danh mục đầu tư của Osterweis Strategic Income Fund, cho biết dữ liệu việc làm gần đây chưa thể là lý do để cắt giảm lãi suất. Các nhà đầu tư nên đặt dữ liệu vào bối cảnh chung.
Ông chỉ ra rằng chỉ số S&P 500 vẫn tăng 9% từ đầu năm đến nay. Tỷ lệ thất nghiệp mới ở mức 4,3%. Đây đều là những con số có thể kiểm soát.
Ông nói thêm: “Chúng tôi không thấy lý do nào để ngăn Fed tiếp tục đợi 6 tuần nữa cho đến cuộc họp tháng 9”.
VietBF@ Sưu tập