Phục hồi chức năng giống như tập thể dục, có thể tự thực hiện tại nhà... là những quan điểm sai lầm phổ biến, có thể làm chậm quá trình phục hồi của người bệnh.
ThS.BS.CKI Võ Dương Hương Quỳnh, Phó khoa Phục hồi chức năng, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tập phục hồi chức năng là một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị các bệnh về xương khớp. Những tác nhân vật lý như tia laser, sóng xung kích, máy móc thiết bị chuyên dụng hiện đại và các bài tập thể chất khoa học giúp người bệnh nhanh hồi phục, cải thiện sức mạnh, sự linh hoạt của hệ thống cơ xương khớp. Từ đó, người bệnh giảm đau, tăng khả năng vận động, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Quỳnh chỉ ra một số quan điểm sai lầm về tập phục hồi chức năng, dẫn đến chủ quan, lơ là trong tập luyện, làm chậm quá trình phục hồi, có thể khiến tổn thương nặng thêm.
Có thể tập thể dục thay thế cho phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng khác với tập thể dục. Tập thể dục chú trọng nâng cao sức khỏe tổng quát. Hình thức vận động này không được cá nhân hóa và không được thiết kế cho từng người bệnh, vì vậy không cần nhân viên y tế theo dõi.
Trong khi đó, phục hồi chức năng chú trọng đến điều chỉnh hoạt động nhằm mục đích giảm đau, cải thiện sức mạnh và sự linh hoạt của cơ bắp. Phương pháp này giúp người bệnh nhanh chóng lấy lại khả năng vận động bình thường, giảm khiếm khuyết chức năng và nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật như viêm phổi, đông máu, loét do nằm lâu... Các bài tập được thiết kế cho từng người, dựa trên tình trạng bệnh lý cụ thể.
Không cần tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật, nhất là phẫu thuật liên quan chấn thương chỉnh hình, cơ xương khớp..., tập luyện phục hồi chức năng và vật lý trị liệu rất quan trọng. Chương trình phục hồi tốt sau mổ giúp người bệnh đạt được tối đa tầm hoạt động. Tùy vào tình trạng người bệnh và phương pháp điều trị, có một số chống chỉ định khi tập luyện. Ví dụ, người bệnh gãy xương, tổn thương sụn hay phẫu thuật tái tạo có thể được yêu cầu hạn chế tầm vận động hoặc chống chân chịu lực...
Tự tập phục hồi chức năng tại nhà
Theo bác sĩ Quỳnh, các bài tập trên mạng thường chỉ phù hợp cho một giai đoạn hoặc thời điểm cụ thể. Trong khi mỗi người có tình trạng bệnh lý khác nhau, có thể đi kèm với các chấn thương khác. Người bệnh cần đến các cơ sở uy tín để được đánh giá chấn thương ở giai đoạn nào.
Các bài tập phục hồi chức năng còn được thiết kế khác nhau, phụ thuộc vào mục tiêu của người bệnh. Ví dụ, nếu người bệnh chỉ muốn đi lại và sinh hoạt bình thường, các bài tập sẽ tập trung vào một giai đoạn nhất định để khôi phục các chức năng cơ bản. Trường hợp người bệnh muốn quay lại chơi thể thao, quá trình phục hồi phức tạp hơn. Người bệnh cần tập luyện nâng cao để đủ thể lực và khả năng quay lại môn thể thao yêu thích như cầu lông, bóng đá, bóng rổ...
Bác sĩ Quỳnh cho biết người bệnh tập phục hồi chức năng tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được kiểm tra với hệ thống máy móc hiện đại như robot Dyneelax đánh giá tình trạng sức khỏe dây chằng, khớp gối; dàn máy Tergumed 710 hỗ trợ tập luyện và kiểm tra lực trục thân cho người bệnh sau phẫu thuật cột sống; hệ thống radio trúng đích giúp giảm đau hiệu quả... Với sự phối hợp của chương trình tập luyện cá nhân hóa và hệ thống trang thiết bị hiện đại, bác sĩ theo sát quá trình tập luyện, phục hồi của người bệnh, thay đổi kịp thời giúp đạt hiệu quả cao nhất.
|