Bát chè đỗ đen chín nhừ bùi thơm, sánh mướt, vị ngọt vừa vặn, thoảng hương thơm của nước hoa bưởi. Chè đỗ đen đặc phù hợp với tiết trời mát mẻ ngày mưa hoặc vào mùa đông.
Cách làm
Chọn và ngâm đỗ đen: Chọn đỗ đen xanh lòng hạt đều, kích thước vừa phải, vỏ mỏng, màu đen óng, bóp vào chắc ruột thì khi nấu chè ngon hơn. Đỗ đen mua về nhặt bỏ hạt lép (nếu có), vo rửa sạch rồi đem ngâm nước lạnh khoảng 30 phút.
Chuẩn bị các nguyên liệu khác: Chè đỗ đen đặc lối cũ thường dùng bột sắn dây pha với nước cho vào lúc cuối. Để tạo hương thơm dịu cho chút nước hoa bưởi hoặc tinh dầu chuối. Ngày trước, các bà các mẹ thường dùng đường hoa mai hoặc đường phên tạo vị ngọt. Nếu không có dùng đường kính cũng được.
Ninh và ướp đỗ đen với đường: Đỗ đen sau khi ngâm cho vào nồi đun sôi cùng chút nước rồi chắt bỏ để đỡ bị chát. Cho lượng nước vào đun sôi, hạ lửa nhỏ rồi ninh. Tùy theo loại đỗ cũ hay mới mà thời gian ninh khác nhau. Nếu muốn nhanh ninh đậy vung 10 phút rồi tắt bếp đậy vung ủ khoảng 30 phút thì hạt đậu chín nhừ mà vẫn giữ nguyên vẹn hình dáng. Vớt đậu ra ướp với đường cho ngấm đượm vị ngọt.
Xào đỗ đen: Cho đậu đen đã ướp đường vào xào nhẹ tay trong vài phút. Sau đó, cho phần nước chè đã chắt vào, đun sôi trở lại, hớt bỏ bọt rồi cho chút nước hoa bưởi.
Xuống nước bột sắn: Pha chút bột sắn dây với nước lã, khuấy đều cho tan. Từ từ cho xuống nồi chè ở lửa nhỏ vừa, một tay vừa xuống, tay còn lại khuấy đều để không bị vón cục hay bén. Khi chè sánh mướt là được.
Yêu cầu thành phẩm: Bát chè đỗ đen chín nhừ, độ đặc vừa phải, mướt mịn. Khi ăn cảm nhận đỗ bùi thơm, vị ngọt vừa vặn, thoảng hương thơm của nước hoa bưởi. Chè đỗ đen đặc ăn nóng hay để nguội cho vào ngăn mát tủ lạnh đều ngon.
Chú ý:
Chọn đỗ đen xanh lòng nấu chè mới đượm vị. Đỗ đen sau khi ninh mềm nhừ nên ướp với đường để thấm vị ngọt. Đây là cách nấu truyền thống của người Hà thành.
Tùy theo khẩu vị mà điều chỉnh lượng đường cho phù hợp.
Khi cho nước sắn dây cần cho từ từ và khuấy đều để canh độ đặc sánh mịn là được.
|