Sau khi tổn thương xảy ra trên da, cơ thể bắt đầu quá trình sửa chữa tự nhiên, tăng sinh collagen tạo thành mô sẹo để thay thế vùng tổn thương.
Người từng bị cắt rạch, trầy xước hay tổn thương trên da đều có thể để lại sẹo. Một nghiên cứu quốc tế năm 2022 trên 11.000 người đăng trên Học viện Da liễu châu Âu cho thấy 22% có một vết sẹo mới chưa đầy một năm trên da.
Sẹo được tạo thành từ mô sợi, hình thành trong quá trình chữa lành vết thương và để lại dấu vết trên da sau khi vết thương lành. Là một phần trong cơ chế sửa chữa tự nhiên của cơ thể, mô sẹo sẽ thay thế vùng da bị tổn thương. Sự hình thành sẹo gồm 4 giai đoạn xảy ra theo thời gian với trình tự như sau:
Cầm máu (kéo dài vài giờ sau khi bị thương): Sau khi cầm máu, máu khô và cứng lại tạo thành một lớp vảy bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn lành vết thương, hình thành sẹo sau này.
Viêm (1-3 ngày sau khi bị thương): Phản ứng viêm kích hoạt giải phóng các cytokine như yếu tố tăng trưởng biểu bì, thu hút các tế bào chữa lành da như nguyên bào sợi, bạch cầu trung tính và đại thực bào đến vùng bị thương.
Tăng sinh và co lại (4-21 ngày sau chấn thương): Trong quá trình tăng sinh, các nguyên bào sợi tổng hợp thành ma trận ngoại bào (ECM), chủ yếu được tạo thành từ collagen. ECM hỗ trợ về mặt cấu trúc khi vùng da bị thương được thay thế bằng mô sẹo dạng sợi dựa trên collagen. Sự co lại cũng xảy ra khi các tế bào chuyên biệt gọi là nguyên bào sợi cơ kéo các mép vết thương lại gần nhau hơn, làm cô đặc khu vực hình thành sẹo vĩnh viễn.
Tái tạo (ba tuần đến 1-2 năm sau chấn thương): Giai đoạn cuối cùng của quá trình lành vết thương và hình thành sẹo là giai đoạn tái tạo hoặc trưởng thành. Lúc này, collagen lỏng lẻo và tương đối yếu từ các giai đoạn chữa lành vết thương trước đó dần được thay thế bằng collagen mạnh, giúp mô sẹo tương thích hơn với các mô da khỏe mạnh, không có sẹo xung quanh. Việc tái tạo da có thể kéo dài đến hai năm.
Vết xước nhỏ trên lớp trên cùng của da thường không để lại sẹo rõ ràng. Hầu hết vết thương và vết mổ xuyên sâu hơn vào da đều để lại sẹo. Việc lành thương mà không có sẹo rất ít, phụ thuộc vào một số yếu tố như tình trạng da, loại chấn thương, vị trí bị thương, tuổi tác, dinh dưỡng.
Có nhiều loại sẹo bao gồm:
Sẹo phẳng: Có thể hơi nhô lên, phẳng đi và thay đổi màu sắc khi lành, cuối cùng có màu sáng hơn hoặc tối hơn một chút so với vùng da xung quanh.
Sẹo phì đại: Những vết sẹo này nổi lên trên bề mặt da và có thể hạn chế cử động nếu xảy ra ở khớp. Chúng có thể xuất hiện sau khi phẫu thuật.
Sẹo lõm: Chúng xuất hiện bên dưới bề mặt da, tạo cảm giác trũng, xuất hiện trên mặt do mụn trứng cá nặng hoặc thủy đậu.
Sẹo lồi: Khi lượng collagen dư thừa tạo ra một vết sẹo nhô cao, vượt ra ngoài ranh giới ban đầu của vết thương gọi là sẹo lồi.
Sẹo co rút: Đây là những vết sẹo bao phủ một diện tích bề mặt lớn và khiến da căng cứng rồi co rút lại, có thể gây hạn chế cử động. Sẹo co rút thường do bỏng gây ra.
Sẹo giãn (rạn da): Mang thai hoặc thay đổi cân nặng nhanh chóng có thể khiến da căng ra nhanh chóng, gây rạn da.
Sẹo ít khi biến mất hoàn toàn nhưng thường mềm và mờ dần theo thời gian. Tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời giúp chúng mờ nhanh hơn. Những vết sẹo mới hình thành (dưới 18 tháng) rất dễ bị tổn thương do tia cực tím, có thể gây tăng sắc tố (các mảng da sẫm màu hơn vùng da xung quanh). Nếu được điều trị đúng cách, chúng có thể co lại, phẳng, mịn theo thời gian.
Để tối ưu hóa quá trình chữa lành và giảm mức độ nghiêm trọng của sẹo, mọi người nên lưu ý:
Chăm sóc vết thương kịp thời: Ngay sau khi bị thương trên da, hãy rửa vết thương bằng xà phòng dịu nhẹ và nước để loại bỏ vi trùng, mảnh vụn gây nhiễm trùng. Bôi thuốc mỡ kháng khuẩn có thể giúp các vết cắt hoặc vết xước nhỏ lành nhanh hơn và ít để lại sẹo hơn, nhưng không nên bôi thuốc này lên những vết thương sâu.
Che vùng da bị thương: Luôn băng vết thương mới bằng băng vô trùng để giữ sạch và ẩm. Thay băng và gạc hàng ngày hoặc bất cứ khi nào chúng bị ướt hoặc bẩn.
Giữ ẩm cho vết thương: Băng gel hydrocoloid tạo ra môi trường ẩm, có thể đeo trong nhiều ngày liên tiếp, giúp vết thương nhanh lành, hạn chế để lại sẹo. Dầu dưỡng ẩm cũng giữ ẩm cho những vết cắt nhỏ, thúc đẩy quá trình lành vết thương và có thể cải thiện vẻ ngoài của vết sẹo.
Tránh gãi vảy: Lớp vảy cứng ban đầu càng bám vào vết thương càng lâu càng tốt. Gãi vảy do ngứa làm gián đoạn quá trình lành thương và có thể gây ra sẹo nghiêm trọng hơn. Chờ lớp vảy này rụng tự nhiên để ngăn sẹo.
Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Giữ vùng da bị thương và các vết sẹo mới hình thành tránh ánh nắng mặt trời giúp thúc đẩy quá trình lành thương, mờ nhanh hơn.
|