Mới đây, sự kiện Samsung Galaxy Unpacked đã thu hút sự chú ý của công chúng với loạt sản phẩm mới được giới thiệu. Ông lớn công nghệ Hàn Quốc đã trình làng những thiết bị được người dùng mong chờ đã lâu như bộ đôi smartphone màn hình gập Galaxy Z Fold6, Z Flip 6, nhẫn thông minh Galaxy Ring, smartwatch Watch 7 và Watch Ultra.
Tuy nhiên, không phải tất cả những gì diễn ra trong sự kiện này đều suôn sẻ. Một sự cố bất ngờ đã xảy ra trong phần trình chiếu chính của Samsung Việt Nam, khi màn hình hiển thị bỗng nhiên xuất hiện một bảng thông báo lỗi không mong muốn.Thay vì các thông tin sản phẩm mong đợi, một thông báo lỗi hiển thị rõ ràng trên màn hình: "Ứng dụng Adobe không được cấp phép của bạn đã bị vô hiệu hóa".
Thông báo này xuất hiện khi người dùng sử dụng các ứng dụng của Adobe mà không có bản quyền hoặc gặp vấn đề về trạng thái đăng nhập vào tài khoản Adobe. Đặc biệt, những người sử dụng phiên bản "crack" không mua bản quyền thường gặp phải thông báo này.
Đây là một lỗi có thể gây phiền toái đặc biệt đối với những người phụ thuộc vào các sản phẩm của Adobe cho công việc hằng ngày. Trường hợp người dùng bị thông báo lỗi này thường rất nhạy cảm và hiếm khi xảy ra trong các sự kiện quan trọng.
Được biết, gói bản quyền phần mềm chỉnh sửa ảnh, video chính hãng của Adobe hiện có giá 30 USD/tháng, tương đương hơn 750.000 đồng và gói năm có giá khoảng 9 triệu đồng.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều người tỏ ra tán thưởng đối với hoạt động chống crack của Adobe và cũng có những cá nhân tỏ ra lo lắng đối với những người hoạt động trong việc tổ chức sự kiện Samsung Galaxy Unpacked.
Trong quá khứ, không ít lần ông lớn Samsung vấp phải những sự cố và bê bối về bản quyền hay rắc rối xoay quanh vấn đề quảng cáo sản phẩm khiến công chúng xôn xao.
Vào năm 2022, Samsung đã chấp thuận trả khoản tiền phạt lên tới 14 triệu USD vì quảng cáo điện thoại gây hiểu lầm. Hãng điện thoại này được cho là đã quảng cáo sai về khả năng chống nước của điện thoại Galaxy.Theo đó, vào năm 2019, Ủy ban Người tiêu dùng và Cạnh tranh Australia (ACCC) đã kiện Samsung về những quảng cáo liên quan tới 7 mẫu điện thoại Galaxy. Cơ quan Australia này cho rằng ông lớn Samsung đã có hành động lừa dối khách hàng với 684 quảng cáo.
Nội dung gây hiểu lầm mà ACCC đưa ra là Samsung đã quảng cáo về khả năng chống nước của điện thoại Galaxy khi trong thực tế, 7 mẫu điện thoại trên đều ngừng hoạt động sau khi dính nước.
Các quảng cáo của những mẫu điện thoại trên đã được đăng trên các phương tiện truyền thông cũng như xuất hiện hàng loạt ở khắp các biển quảng cáo.
Theo số liệu mà luật sư ACCC đưa ra, trong suốt giai đoạn năm 2016 đến 2018, Samsung đã bán được ba triệu chiếc smartphone Galaxy, gồm Galaxy S7, S7 Edge, A5, A7, S8, S8 Plus và Note8. Tuy nhiên, công ty Hàn Quốc này không phân loại mẫu nào chống nước.
Phía Samsung sau đó đã thừa nhận việc sử dụng smartphone Galaxy trong nước mặn hoặc hồ bơi thực tế có nguy cơ bị hư hỏng do sự ăn mòn tác động lên cổng sạc của điện thoại. Ông lớn công nghệ Hàn Quốc đã chấp nhận khoản tiền phạt sau vụ kiện.
Chủ tịch Ủy ban Người tiêu dùng và Cạnh tranh Australia cho hay, hình phạt này như một lời nhắc nhở đối với các doanh nghiệp rằng các công bố về tính năng của sản phẩm phải được chứng minh thực, không được gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.Ngoài việc vướng phải vụ kiện về hoạt động quảng cáo sản phẩm, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc cũng đã từng bị yêu cầu bồi thường do vi phạm bản quyền sinh trắc học lên tới 3 tỷ USD.
Theo trang tin nước ngoài PhoneArena, PACid Technologies, một công ty mã hóa dữ liệu của Mỹ đã kiện Samsung do vi phạm ba bằng sáng chế về mã hóa dữ liệu sinh trắc học.Cụ thể, PACid Technologies đã cáo buộc Samsung sử dụng bằng sáng chế này với mục đích phát triển máy quét vân tay, nhận dạng khuôn mặt và máy quét mống mắt. Được biết, các điện thoại của Samsung có tên trong cáo buộc gồm Galaxy S6, Galaxy S6 edge, Galaxy S6 edge+, Galaxy S7, Galaxy S7 edge, Galaxy S8 và Galaxy S8+.
Công ty mã hóa tới từ Mỹ cũng cho biết thêm, dịch vụ quản lý nhận dạng Samsung PASS là thủ phạm xâm phạm ba bằng sáng chế nói trên. Thời điểm hiện tại, số tiền mà Samsung phải nộp phạt cho công ty mã hóa PACid Technologies vẫn chưa được tiết lộ.
|