Giá dầu ở châu Á ngày 5-6 dao động gần mức thấp nhất trong 4 tháng qua (gần 78 USD/thùng) khi các thị trường phản ứng với quyết định mới của OPEC+ về nguồn cung.
Theo hãng tin Reuters, giá dầu có diễn biến trên sau khi OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất bên ngoài, có kế hoạch tăng sản lượng khai thác từ quý IV/2024.
Trước đó, tại cuộc họp diễn ra ngày 2-6, OPEC+ quyết định duy trì cắt giảm sản lượng tự nguyện lên đến 2,2 triệu thùng dầu/ngày đến cuối tháng 9-2024.
Việc cắt giảm này sau đó được loại bỏ dần hằng tháng, bắt đầu từ quý cuối năm 2024 và kéo dài trong 3 quý đầu năm 2025. Tuy nhiên, OPEC+ lưu ý thêm kế hoạch này có thể tạm dừng hoặc đảo ngược tùy theo điều kiện thị trường.
Một cơ sở của Công ty Dầu khí Aramco ở Shaybah - Ả Rập Saudi. Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, bước đi trên đánh dấu sự thay đổi chiến lược của OPEC+. Trước đó, liên minh này tập trung vào việc giảm lượng hàng tồn kho dư thừa và thúc đẩy giá lên mức 100 USD/thùng.
Tuy nhiên, một loạt bước đi cắt giảm sản lượng chính thức và tự nguyện của Ả Rập Saudi và các thành viên khác của OPEC+ không thể nâng giá dầu dù động thái này có lẽ đã ngăn giá giảm mạnh hơn.
Giờ đây, họ chuyển trọng tâm sang ổn định hoặc thậm chí giành lại một số thị phần đã mất vào tay các đối thủ tại Mỹ, Canada, Brazil và Guyana trong 2 năm qua. Để ổn định và giành lại thị phần, OPEC+ sẽ cần sản lượng của các đối thủ tăng trưởng chậm hơn và mức tiêu thụ tăng trưởng nhanh hơn.
Thông tin về dự trữ dầu thô cùng các sản phẩm tinh chế của Mỹ cũng tác động đến giá dầu. Số liệu mới nhất của Viện Dầu khí Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất tăng trong tuần trước. Trong số này, tồn kho dầu thô và xăng đều tăng hơn 4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 31-5.
VietBF@sưu tập