Nhà ga Frankfurt - Đức một chiều đông. Từng chuyến tàu cao tốc chầm chậm tiến vào. Dòng người trên tàu ào ào đổ xuống. Họ di chuyển rất nhanh đến các cửa để thoát ra ngoài.
Đứng trước cổng có vòm rộng như một đại lộ, tháo chiếc khẩu trang, bà Hòa hít thở thật sâu. Hành trình từ Luxen đến đây khiến bà thấy mỏi. Không định ngồi nghỉ, bà đưa mắt tìm. Thật khó phát hiện ra ai với ai trong đoàn người ken đặc này. Tin nhắn nổi lên trên điện thoại: "Cháu mặc áo đỏ, khoác túi màu xanh cô ạ". Bà vội trả lời: "Cô đứng ở cổng chính. Cô mặc áo dạ màu lông chuột".
Từ xa, xuất hiện một cô gái châu Á khoác áo gió màu đỏ đun, cái bụng nhô cao, chiếc túi xanh to đùng chẳng ăn nhập gì. Trông cô hiền lành, ngơ ngác đến tội nghiệp. Bà Hòa chột dạ. Cảnh sát hay đi lại ở đây, chỗ này không thể đứng lâu được. Bà vội rẽ đoàn người hối hả, chạy ngược về phía cô gái: "Loan hả cháu? Cô Hòa đây, đi theo cô".
Chuyến tàu ICE bắt đầu chuyển bánh. Cảnh vật hai bên đường vun vút trôi qua. Thỉnh thoảng, bà Hòa nhìn sang bên cạnh. Loan mệt mỏi ngả người trên ghế. Đôi mắt đẹp có hàng mi cong dày, để lộ dấu vết thâm quầng vì mất ngủ. Tội nghiệp, bà đã nghe kể về cuộc đời chìm nổi của Loan. Cô bị chủ hãm hiếp đến có thai rồi bị đẩy ra đường.
Cái cách Loan sang đây cũng giống nhiều số phận không giấy tờ khác. Tin lời hứa hẹn của dịch vụ đưa người đi xuất khẩu lao động, rời xa quê hương, đến một nơi mà tương lai chỉ là sự mơ hồ, huyễn hoặc. Bà đã giúp bao nhiêu người, bà đâu nhớ nữa. Chỉ biết, trong nhóm cộng đồng xa xứ vùng này, người ta hay giới thiệu đến bà khi ai đó gặp khó khăn, muốn nhập trại tị nạn.
***
Hai tháng sau tại Luxen.
- Nhanh lên Tuấn ơi. Ối vỡ rồi...
Tuấn lái xe luồn lách thật khéo. Có lúc đèn đỏ quá lâu khiến anh sốt ruột. Ở hàng ghế sau, Loan đang rên rỉ. Hai tay cô ôm chặt cái bụng tròn vo như sợ nó tuột mất. Bà Hòa luống cuống vơ cả nắm giấy, lau từng chút nước ối đang luồn theo chân Loan chảy xuống. Dự định còn ba tuần nữa mới sinh mà giờ đã đòi ra rồi. May có Tuấn đến kịp.
Trước cửa phòng hộ sinh, bà Hòa thấp thỏm. Tiếng Loan kêu trời mỗi lần cơn đau ập đến. Tay cô túm chặt tay Tuấn. Anh nhẹ nhàng lấy tay còn lại vuốt những sợi tóc của cô sang một bên. Anh mới gặp cô đôi lần khi qua nhà bà Hòa chơi. Chỉ biết, chưa thân. Nhưng khi bác sĩ gọi: Chồng đâu? Bà Hòa nhìn anh, anh nhìn bà. Chẳng ai bảo ai, Tuấn bước vội vào. Ca sinh "mẹ tròn con vuông" nhưng cả hai đều rất yếu.
Vào trong trại, đồ ăn không hợp, Loan bị mất sữa. Thương hai mẹ con, bà Hòa tìm mọi cách thuyết phục ông trưởng trại, cho bà bảo lãnh họ về ở tạm chỗ bà.
***
Thị trấn Luxen qua một đêm tuyết rơi, các ngả đường bỗng trở nên trắng xóa. Cửa hàng thực phẩm châu Á của chị Hồng nằm ngay cạnh nhà ga. Hai tuần nữa là đến Tết âm lịch nên mọi người tranh thủ mua thêm đồ dự trữ. Trên cái bảng con con treo ở góc tường chi chít thông tin. Nào tìm thợ làm móng, tìm phụ bếp, chuyển nhà hộ, xin quần áo cũ... Họ ghi lên đây, hy vọng ai đó trong cộng đồng sẽ giúp.
Đánh chiếc xe Opel cũ kỹ tấp sát lề đường, bà Hòa đi nhanh vào cửa hàng. Trông thấy bà, chị Hồng reo lên: "Chị, mọi người cho nhiều đồ lắm, em để nguyên một thùng trong kia kìa". Mấy người đứng đó liền xúm lại hỏi thăm: "Con bé sinh non hả chị?". "Sao chị giỏi thế, xin cho nó được ra trại". Bà Hòa ngập ngừng: "Ở tạm nhà chị mấy hôm thôi. Lại sắp phải chuyển trại khác rồi. À, chị viết tin lên xin quần áo cũ cho thằng cu, sao mọi người gửi nhiều thế. Cảm ơn các em nhé. Mà nhớ lịch đón Tết của hội chúng ta đấy nhé. Chị đã thông báo chi tiết trong nhóm Zalo rồi".
Mọi người rộ lên: "Nhất trí chị ơi, hai năm COVID-19 không được đón Tết rồi". "Em xin phụ trách món cháo lòng ăn đêm". "Còn em, đóng góp mấy cây giò tự làm". "Vụ bắt gà tươi năm nay để vợ chồng em"...
Họ phân chia công việc như thể ngày mai là Tết, nét phấn khởi hiện ra mặt. Bà Hòa về vẫn không quên dặn, ai đăng ký nhớ báo số lượng để bà cân đối. Hơn mười năm nay, năm nào cũng bỏ ra mấy ngày phép để lo cho mọi người ăn Tết chung nên bà thừa kinh nghiệm.
Bà Hòa lùi chiếc xe từ từ vượt qua đống tuyết, còn phải qua tiệm sushi của Tuấn. Anh hứa cho bà cái nôi còn tốt của cô con gái. Đứng bên ngoài, bà thấy Tuấn đang khéo léo xắt từng lát cá hồi đỏ au. Cô con gái sáu tuổi đang líu ríu xếp hình bên cạnh. Bà thầm trách người vợ cũ bạc nghĩa, cạn tình.
Quán chưa có khách. Tuấn chạy vào bê ra mấy thứ lỉnh kỉnh, anh mỉm cười: "Cô cầm ít móng giò về ninh cho Loan. Còn đây là bỉm và sữa". "Sao nhiều thế cháu?". Tuấn gập chiếc nôi gọn lại, nhét vào cuối xe: "Có chi đâu cô. Hôm nào cháu đến thăm mẹ con Loan sau". Bà Hòa gật đầu. Người ta có lòng, bà đâu dám từ chối.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
***
Buổi sáng, trong căn hộ nhỏ, bà Hòa đang lau chùi bàn thờ. Mùi hương trầm ấm áp tỏa ra, mâm ngũ quả đủ sắc màu, bó hoa hồng tươi tắn, lại thêm cặp bánh chưng cô Đào gửi. Thế là Tết đã về.
Hôm nay ba mươi rồi. Chắc giờ này ở nhà, mọi người đang làm cơm cúng tất niên. Bất giác, bà thấy sống mũi cay cay. Bao nhiêu năm sống cuộc đời cô đơn xa xứ, Tết đến, bà lại nhớ bố, nhớ mẹ, dù cả hai đã theo mây trắng về trời lâu rồi. Bà nhớ từng vốc nước lá mùi già, thơm miên man thấm vào da thịt. Nhớ hình ảnh cả gia đình đoàn tụ bên mâm cơm chiều cuối năm. Thời gian đã xa thật là xa, mà sao cứ đến lúc này, trong bà lại rưng rưng thương nhớ...
Chợt, bà Hòa nhẩm tính những công việc chuẩn bị cho buổi tối nay. Đồ ăn, nước uống, lì xì..., tất cả đã hòm hòm. Hình như còn thiếu cây đào giấy bên nhà cô Lựu.
Tiếng trẻ con phòng bên oe oe khóc, bà Hòa giật mình chạy sang. Cái miệng xinh xinh gào lên một lúc rồi lim dim ngủ khi bà bế trên tay cưng nựng. Nhẹ nhàng đặt cu cậu vào nôi, những con xúc xắc nhiều màu rung rinh theo nhịp tay bà. Trộm vía, thằng bé thật đáng yêu, vậy mà họ nỡ khước từ.
Hôm qua, bà Hòa đã đến gặp bố thằng bé. Trong cái nhà hàng sang trọng đó, mụ vợ có khuôn mặt bóng lẫy như tượng sáp, rít từng câu sắc lẹm, chửi mẹ con Loan không tiếc lời. Bà bịt tai, bà đâu đến đây để nghe chửi. Bà rất thiện chí: "Cô ấy không cần chu cấp gì cả. Thằng bé chỉ cần cái giấy khai sinh có tên cha, hãy giúp nó, cho nó tương lai".
Gã chồng từ trong bếp chạy ra, hai mắt trợn lên như Trương Phi, hùng hổ đuổi bà và cấm bén mảng đến đó. Gã la um sùm với mấy người làm rằng Loan ngủ với thằng nào có con rồi đổ vấy cho gã.
"Khốn nạn, gã là loại cẩu chứ không phải người" - bà Hòa ra về mà uất nghẹn dâng đầy. Khổ thân Loan, bao nhiêu lần bị gã lôi xuống tầng hầm giở trò đồi bại. Thân cô thế cô nơi xứ lạ, chỉ biết chịu đựng mà đâu dám hé răng. Thỉnh thoảng về đêm, bà vẫn nghe tiếng Loan hét lên sợ hãi. Nỗi ám ảnh hiện ra cả trong ánh mắt run rẩy khi cô nhắc lại chuyện đó.
Dưới bếp, Loan đang nạo su hào chuẩn bị cho món nộm, khuôn mặt đượm buồn. Ngày mai, cô sẽ phải chuyển đến trại khác cách đây hơn hai trăm cây số. Không người thân quen, tiếng tăm chẳng biết, rồi tương lai nào cho mẹ con cô đây. Bất giác, cô bật lên tiếng nức nở.
Bà Hòa nghe thấy, khẽ thở dài. Tự tay bà sắp xếp những bộ quần áo cho thằng bé. Các vật dụng cần thiết của hai mẹ con, bà đã mua sẵn, lèn chặt một túi to. Ừ, thì bà cứ sắp vào, đỡ chút nào hay chút đó. Nhìn về phía Loan, bà nhỏ nhẹ:
- Tối nay, cháu ra với các cô chú cho vui?
- Thôi cô à, mẹ con cháu ở nhà đón Tết cũng được. Cô cho cháu gửi lời chào và cảm ơn mọi người cô nhé. Mai mẹ con cháu đi rồi...
Giọng Loan nghèn nghẹn, mặt cúi xuống, cố ngăn những giọt nước mắt tự trào.
***
Đêm ba mươi, bầu trời ngân ngấn bạc, đường phố im vắng. Chỉ ở góc kia, nơi hội trường nhỏ, sân khấu được trang hoàng rực rỡ nổi bật dòng chữ "Chúc mừng năm mới". Chị Hồng thướt tha trong tà áo dài duyên dáng, đang trao lì xì cho các cháu. Bên cạnh, cành đào giấy e ấp nụ hồng.
Tiếng nhạc xuân tưng bừng, rộn rã. Mọi người cùng cất cao tiếng hát chào đón xuân sớm. Gương mặt ai cũng lấp lánh niềm vui. Họ quên hết bao vất vả của cuộc sống tha phương, quên đi mùa đông ngoài kia mịt mù, giá lạnh. Dường như, quê hương không còn xa xôi nữa. Ngay ở đây thôi, họ đã được trở về.
Bà Hòa tất bật đi lại đôn đáo. Nhìn mọi người hân hoan, bà phấn khởi lắm. Sống ở đây lâu, bà luôn đau đáu một điều. Làm sao để cộng đồng nhỏ bé này luôn đoàn kết, thương quý lẫn nhau.
Có người chạy theo kéo áo cảm ơn bà Hòa. Nhờ bà chịu khó tìm thuê hội trường, trang trí sân khấu, mượn dàn âm thanh, lo từng cái bát đôi đũa, họ mới có cơ hội tụ tập. Công bà to lắm. Có người dúi vào tay bà chút tiền gửi mẹ con Loan. Ừ, thì bà nhận. Thương nhau lúc khó khăn, bà vẫn làm cầu nối để mọi người có cơ duyên giúp đỡ.
Tiếng chuông đồng hồ điểm 24 giờ. Mọi người lại nâng ly, chúc tụng. Bà Hòa sắp chút đồ ăn vào cái hộp. Bà muốn chạy về động viên Loan. Thời khắc này nhạy cảm lắm, ngày mai cô phải đi, chắc đang ngồi khóc vì tủi thân đây mà. Biết làm gì cho hai mẹ con bây giờ. Tự thâm tâm bà thấy rối bời.
Vừa đến trước căn hộ, bà Hòa giật mình. Cửa khép hờ, chẳng lẽ Loan quên đóng? Nhẹ nhàng, bà mở ra. Phía trong phòng khách, Tuấn và Loan đang ngồi sát bên nhau nói chuyện. Không gian thơm mùi trầm, thật tĩnh lặng cho đôi bạn trẻ. Họ không biết có bà. Thảo nào tối nay, Tuấn mang dàn karaoke đến rồi đi đâu mất. Bà Hòa mỉm cười đi ra.
Ngoài trời tuyết lại rơi. Mùa đông nước Đức luôn kéo dài. Những bông tuyết xốp mềm thấm vào da thịt bà buốt lạnh. Nhưng trong lòng bà, một dòng nhựa ấm đang cựa mình tuôn chảy. Bước những bước thật nhanh, bà đi về phía nơi xuân sớm vẫn đang rộn ràng.
VietBF@sưu tập