Khi các siêu nhà máy (megafactory) đang lần lượt mọc lên ở Mỹ, bài toán tìm đâu ra công nhân để vận hành chúng ngày càng căng thẳng.
Rất khó tìm được công nhân sản xuất ở quanh Columbus, nơi có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất bang Ohio. Các nhà máy tại đây có hàng nghìn vị trí trống. Thiếu người khiến cấp quản lý cũng phải cùng làm việc trên dây chuyền với công nhân.
Các nhà sản xuất tại Mỹ từ lâu đã phải vật lộn để tuyển đủ công nhân cần thiết. Giới chủ dự báo làn sóng các siêu nhà máy ra đời hiện nay có thể đẩy tình trạng thiếu hụt trở thành cuộc khủng hoảng.
Lo lắng đặc biệt nghiêm trọng ở miền Trung Ohio, nơi Intel đang xây dựng 2 nhà máy bán dẫn với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ USD. Honda và LG Energy Solution đang xây dựng nhà máy pin xe điện trị giá 3,5 tỷ USD. Các công ty đều dự kiến tuyển dụng hơn 5.000 công nhân. Cùng với đó, các nhà cung cấp địa phương cũng có khả năng cần thêm hàng nghìn lao động.
Công trường xây dựng nhà máy của Intel ở Ohio. Ảnh: WSJ
Viễn cảnh đó khiến các nhà sản xuất nhỏ phải chuẩn bị cho một cuộc chiến giành lao động ngày càng gay gắt. Ryan Augsburger, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất Ohio cho biết tuyển người là vấn đề chung ở Ohio và càng khó khăn ở khu vực miền Trung. "Mọi chuyện sẽ tệ hơn nhiều với các công ty lớn như Intel", ông nói.
Mỹ đang trong thời kỳ bùng nổ xây dựng nhà máy khi các công ty trải qua giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch. Chính quyền Biden cũng ưu tiên các ngành công nghiệp bán dẫn và xe điện, xem chúng là vấn đề an ninh quốc gia và dành hàng tỷ USD trợ cấp để hỗ trợ phát triển tại chỗ.
Richard Branch, Kinh tế trưởng Dodge Construction Network, cho biết vốn đầu tư đổ vào các dự án sản xuất mới ở Mỹ đã đạt kỷ lục 102 tỷ USD vào 2022, gấp 3 lần năm 2019. Kể từ năm 2021, 33 dự án sản xuất vốn đầu tư từ một tỷ USD trở lên ra đời, với hầu hết liên quan đến bán dẫn hoặc xe điện.
Năm ngoái, Intel chọn một địa điểm cách trung tâm thành phố Columbus 32 km về phía đông bắc để xây khu phức hợp bán dẫn mới đầu tiên sau 40 năm. Hai nhà máy này nằm trong số 37 cơ sở sản xuất chip mới hoặc đang mở rộng được công bố tại Mỹ sau khi Đạo luật Khoa học và Chips trị giá 53 tỷ USD ban hành từ 2020.
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ cảnh báo bùng nổ xây dựng nhà máy có thể đi kèm với tình trạng thiếu lao động. Họ dự đoán hơn một nửa trong số khoảng 115.000 vị trí mới vào cuối thập kỷ này có thể không tìm được người.
Cindi Harper, Phó chủ tịch hoạch định và thu hút nhân tài Intel cho biết tập đoàn có kinh nghiệm xây dựng lực lượng lao động tại các cơ sở ở Oregon, New Mexico và Arizona, nên đang có chiến lược tương tự ở Ohio.
Cụ thể, tập đoàn thiết kế một chương trình đào tạo tại các trường cao đẳng cộng đồng ở Ohio. Chương trình này có chi phí khoảng 3.700 USD mỗi sinh viên. Họ sẽ được làm quen với sản xuất chất bán dẫn để trở thành kỹ thuật viên - cấp độ đầu tiên, liên quan đến bảo trì và xử lý sự cố thiết bị. Trường hợp nhanh nhất, sinh viên có thể hoàn tất chương trình học chỉ trong một năm.
Đợt đầu tiên của chương trình có 8 sinh viên, bắt đầu học vào mùa thu năm nay tại Cao đẳng Cộng đồng Bang Columbus. Forest Colegrove, 27 tuổi, nghỉ việc ở một nhà máy để đi học. "Đây là một kiểu sản xuất khác, cần người có trình độ, được đào tạo đặc biệt", anh cho biết.
Tương tự, Honda - hiện đã có 4 nhà máy ở miền Trung Ohio - đang thảo luận với các trường cao đẳng cộng đồng và quan chức địa phương để phát triển lực lượng lao động phục vụ cho lộ trình xe điện của hãng. Hồi tháng 10, đại diện công ty đã đến dự ngày hội nghề nghiệp ngành sản xuất dành cho học sinh trung học. Nhân viên Honda giới thiệu các công nghệ sản xuất ôtô tiên tiến, trong khi Intel mang đến kính thực tế ảo để học sinh hình dung công việc trong nhà máy.
Thông qua các hoạt động này, các công ty cố gắng thay đổi nhận thức cộng đồng về công việc trong nhà máy. Ned Hill, Giáo sư phát triển kinh tế Đại học Ohio, cho biết người dân Rust Belt (khu vực ở Đông Bắc và Trung Tây nước Mỹ với lịch sử sản xuất công nghiệp lâu đời), thường hình dung về các dây chuyền lắp ráp kiểu cũ "tối tăm và bẩn thỉu".
Kristina Clouse, chuyên gia của Sở phát triển Ohio (JobsOhio), cho biết có công ty bày tỏ lo ngại về việc mất công nhân vào tay các nhà máy mới. Tuy nhiên, Intel, liên doanh Honda/LG nói không định giành người của nhà máy khác.
Dana Peters, Đồng sở hữu nhà sản xuất phụ tùng và phụ kiện súng Milspin, cho biết quanh Columbus rất khó tìm được công nhân lành nghề. Vì vậy, ông tập trung vào đào tạo những người thiếu kinh nghiệm và đầu tư vào tự động hóa. "Tôi hình dung là họ sẽ lấy đi tất cả lao động", ông nói.
Tiền lương có thể là quyết định để hút công nhân. Theo Cục Thống kê Lao động, mức lương sản xuất trung bình ở Ohio là khoảng 25 USD một giờ, và một số tin tuyển dụng ở khu vực Columbus có mức lương dưới 20 USD một giờ.
Đại diện của Intel và liên doanh Honda/LG từ chối nêu chi tiết mức lương dự kiến. Intel cho biết các kỹ thuật viên sản xuất của họ ở những nơi khác trong nước có thể kiếm 50.000 đến 90.000 USD một năm, bao gồm cả các khoản thưởng. Giáo sư Hill cho biết mức lương cao là một giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu lao động nhưng một số nhà sản xuất có thể không thể theo kịp.
VietBF©sưu tập