Thị trường ngày càng tin vào khả năng Mỹ giảm lãi suất, nhưng điều này sẽ chỉ diễn ra nếu kinh tế chậm lại đáng kể và thất nghiệp tăng cao.
Hôm 29/11, đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất lại dấy lên, khi thành viên Hội đồng Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết cơ quan này có thể giảm lãi nếu số liệu lạm phát đi đúng hướng trong 3-5 tháng tới. Tuy nhiên, chỉ vài phút trước đó, một thành viên khác của Fed là Michelle Bowman vẫn khẳng định tăng lãi là điều cần thiết.
Thị trường đã chọn nghe theo Waller. Có lẽ vì ông là một trong những quan chức Fed có quan điểm nghiêng về thắt chặt hơn.
Thị trường ngày càng nghiêng về dự báo Fed sắp giảm lãi suất. Công cụ theo dõi FedWatch Tool của CME Group cho thấy lãi suất năm tới có thể giảm 5 lần, với mức 0,25% mỗi lần. Chứng khoán Mỹ gần đây tăng điểm khi nhà đầu tư chuẩn bị cho khả năng này.
"Nếu lãi suất thực (đã điều chỉnh theo lạm phát) tăng lên, Fed sẽ phải giảm lãi để bù đắp. Tôi cho rằng nếu điều đó xảy ra, mức giảm sẽ là tương đối lớn", Joseph LaVorgna - kinh tế trưởng tại SMBC Nikko Securities America - dự báo. Ông cho rằng Fed có thể giảm 200 điểm cơ bản (2%) năm tới.
Dù vậy, đây có thể là canh bạc liều lĩnh nếu lạm phát không đi đúng hướng của Fed.
Diễn biến lãi suất tham chiếu tại Mỹ giai đoạn 1983 - 2023. Đồ thị: CNBC
"Fed không muốn kéo phanh quá sớm. Kinh tế sẽ phải yếu đi năm tới thì mới giảm lãi suất được. Nhưng nếu lãi suất giảm mạnh, điều đó đồng nghĩa nền kinh tế phải yếu đi đáng kể. Mà giá cổ phiếu hiện không phản ánh khả năng đó", Chris Marangi, Giám đốc Đầu tư tại Gabelli Funds, cho biết.
Giới phân tích luôn nhắc nhở nhà đầu tư rằng việc giảm lãi suất sẽ không diễn ra khi tình hình tốt đẹp. Nếu Fed đáp ứng kỳ vọng của thị trường và bắt đầu giảm lãi suất vào năm tới, nhiều khả năng kinh tế Mỹ khi đó đang chậm lại đáng kể và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Vì chỉ có như vậy, lạm phát mới hạ nhiệt hơn nữa.
Các ngân hàng trung ương không phải cứ muốn giảm lãi suất là giảm được. Họ cần lý do bắt buộc, và kể cả nếu giảm, tốc độ cũng sẽ rất chậm. Trừ phi có vấn đề ngoài dự liệu khiến Fed phải giảm mạnh tay.
"Các thị trường đang kỳ vọng Fed giảm lãi có thể thất vọng. Với tình hình khác, khi lạm phát không tăng quá mạnh, tôi nghĩ Fed đã giảm lãi rồi. Nhưng tình hình hiện tại rất khác. Họ cần thận trọng hơn", Kathy Jones - chiến lược gia tại Charles Schwab nhận định.
Giữa tháng tới, quan chức Fed sẽ cập nhật lại dự báo kinh tế cho vài năm tới. Họ cũng sẽ điều chỉnh dự báo lãi suất trong tương lai. Trong lần cập nhật mới nhất, Fed cho biết có thể cắt giảm hai lần năm tới. Mỗi lần 0,25%.
Fed chỉ giảm lãi suất mạnh trong trường hợp kinh tế yếu đi đáng kể. Gần như tất cả chu kỳ giảm lãi trước đó của họ đều diễn ra trong hoặc quanh thời kỳ suy thoái.
Dù vậy, nhà đầu tư nổi tiếng Bill Ackman hôm 28/11 cảnh báo nếu Fed không giảm lãi suất sớm, "Mỹ sẽ gặp rủi ro hạ cánh cứng". Trong khi đó, các quan chức vốn có quan điểm nới lỏng tại Fed cũng chưa biết khi nào có thể giảm lãi.
Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic hôm 29/11 cho biết ông nhận thấy hoạt động kinh tế và lạm phát đang chậm lại. Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin cũng thấy điều tương tự, nhưng vẫn "ngờ vực" khả năng lạm phát về mục tiêu 2% nhanh chóng. Vì thế, quan chức Fed vẫn cần giữ khả năng tăng lãi.
Gary Cohn - cựu cố vấn kinh tế dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump - cho biết khả năng kinh tế yếu đi đến mức Fed phải vội vàng giảm lãi là không thể xảy ra, ít nhất là trong nửa đầu năm 2024. Vì thế, Fed khả năng đi sau các nước khác trong quá trình này. Họ có thể phải đợi đến quý III.
"Anh không muốn rời đi sớm khi mình đã nhập tiệc muộn hơn người khác đâu. Anh phải là người cuối cùng. Và Fed đang đóng vai đó", Cohn cho biết trên CNBC hôm 29/11.
VietBF©sưu tập