Tiêu thụ vàng của người Việt giảm liên tiếp hai quý, đưa sức mua 6 tháng đầu năm bằng hơn 68% so với cùng kỳ năm ngoái và trên 71% so trước dịch.
Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới cho biết nhu cầu vàng của Việt Nam trong quý II đạt 12,7 tấn, giảm 9% so cùng kỳ 2022. Nhu cầu tiêu thụ vàng thỏi và xu vàng giảm 5%. Điều tương tự cũng xảy ra với vàng trang sức khi nhu cầu giảm từ 4,5 tấn trong quý II/2022 xuống còn 3,7 tấn vào quý trước, tương đương giảm 18%.
Trước đó, tiêu thụ vàng trong quý I cũng giảm 12% so cùng kỳ 2022. Với hai quý liên tiếp đi xuống, tổng tiêu thụ vàng của người Việt nửa đầu năm chỉ ở mức 22,9 tấn, giảm gần 32% so với cùng kỳ năm ngoái (33,6 tấn). So với năm trước dịch (2019), sức mua cũng giảm gần 29%.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) & Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới, sức mua vàng ở Việt Nam giảm trong quý II cũng tương tự với tình hình chung của các nước tại Đông Nam Á.
"Suy giảm kinh tế Việt Nam thời gian qua đã tác động đến tâm lý thị trường và nhu cầu tiêu thụ trang sức. Nhu cầu mua vàng thỏi và xu vàng cũng bị hạn chế do tính thanh khoản thấp", ông Shaokai Fan lý giải.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trong lúc kinh tế khó khăn, người dân lo phòng thủ và dùng tiền chi tiêu cuộc sống chứ không ưu tiên mua vàng. Ngoài ra, các kênh đầu tư khác bắt đầu có tín hiệu khởi sắc, đơn cử như chứng khoán đang cải thiện nên hút tiền trở lại.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cũng nhìn nhận việc người dân giảm mua vàng là tín hiệu tốt với nền kinh tế. Bởi tiền của dân nằm trong vàng được xem là "tiền chết". Do đó, nếu tiền này không bỏ vào vàng mà mang đi gửi tiết kiệm sẽ giúp ngân hàng huy động vốn để cho vay, chưa nói đến việc đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh", chuyên gia này phân tích.
Kết quả kinh doanh nửa đầu năm của doanh nghiệp trong ngành cũng phản ánh xu hướng do WGC ghi nhận. Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) có doanh thu thuần hơn 16.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.100 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 56% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tuy nhiên, đại diện đơn vị cho biết doanh thu trang sức bán lẻ 6 tháng đầu năm giảm 10,3% so với cùng kỳ do chịu tác động bất lợi từ thị trường. Tương tự, vì sức mua trang sức nội địa lẫn đơn đặt từ khách doanh nghiệp có phần hạ nhiệt, doanh thu mảng bán sỉ này cũng giảm hơn 30%.
Trên toàn thế giới, tiêu thụ vàng (không bao gồm thị trường OTC) quý II giảm 2% so với cùng kỳ 2022, xuống còn 921 tấn. Trong đó, tiêu thụ vàng trang sức vẫn ổn định ngay cả khi giá vàng tăng cao, mang lại mức tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng tiêu thụ vàng trang sức nửa đầu năm lên 951 tấn. Nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc phục hồi và hoạt động mua hàng mạnh mẽ của người tiêu dùng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy sức tiêu thụ vàng trong quý vừa qua.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương đã mua số lượng vàng kỷ lục lên đến 387 tấn trong nửa đầu năm. Bà Louise Street, Chuyên viên Nghiên cứu Thị trường tại Hội đồng Vàng Thế giới, cho rằng xu hướng mua vàng của các ngân hàng trung ương đã thể hiện tầm quan trọng của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và điều kiện kinh tế đầy thách thức.
Đánh giá tình hình nửa cuối năm 2023, chuyên gia này cho rằng suy thoái kinh tế có thể mang đến cơ hội tăng giá cho vàng, từ đó củng cố thêm vị thế của kim loại quý này như một tài sản trú ẩn an toàn. "Trong tình huống này, nhu cầu từ các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ giá vàng, giúp bù đắp cho sự sụt giảm trong nhu cầu mua sắm trang sức của người tiêu dùng", bà Louise nói.
|