NASA công bố một bức ảnh tuyệt đẹp chụp bởi kính viễn vọng không gian Hubble, cho thấy khoảng không đầy bí ẩn bên trong tinh vân NGC 1999.
Tinh vân NGC 1999 trong quan sát mới từ kính viễn vọng không gian Hubble. Ảnh: NASA/ESA
Nằm trong chòm sao Lạp Hộ cách Trái Đất khoảng 1.350 năm ánh sáng, tinh vân NGC 1999 là một tàn tích của quá trình hình thành sao, bao gồm những mảnh vụn và mây bụi còn sót lại bao quanh một ngôi sao trẻ có tên là V380 Orionis.
Trong ảnh chụp mới từ kính viễn vọng không gian Hubble được NASA công bố vào tuần này, NGC 1999 xuất hiện như một đám mây xoáy màu trắng và xanh nhạt với một nguồn sáng duy nhất (V380 Orionis) ở trung tâm, trông như sương mù cuộn quanh đèn đường.
Tuy nhiên, khía cạnh đáng chú ý nhất của tinh vân là một khoảng không khổng lồ màu đen nằm ngay cạnh ngôi sao V380 Orionis. Do hình dạng và vị trí đặc biệt của nó, khoảng trống này còn được mệnh danh là "ổ khóa của vũ trụ".
Khi tinh vân NGC 1999 lần đầu tiên được quan sát thấy bởi kính Hubble vào năm 1999, các nhà thiên văn học tin rằng vùng trung tâm của nó là một tinh cầu Bok - cấu trúc mây khí lạnh, cùng với các phân tử và bụi vũ trụ dày đặc.
Tuy nhiên, các quan sát bổ sung từ một loạt kính thiên văn khác, bao gồm cả Đài quan sát không gian Herschel của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), đã tiết lộ mảng tối thực sự là một vùng không gian trống. Điều gì tạo nên "ổ khóa vũ trụ" này vẫn là một bí ẩn.
Để tạo ra hình ảnh tuyệt đẹp trên, các nhà thiên văn học từ NASA và ESA đã sử dụng dữ liệu lưu trữ từ camera trường rộng 2 của Hubble, kết hợp các cảm biến tia cực tím, ánh sáng khả kiến và cận hồng ngoại, trong đó cảm biến cận hồng ngoại đóng vai trò quan trọng nhất vì các cảm biến khác không thể nhìn thấy những đám mây bụi ở phía sau tinh vân.
Với camera hồng ngoại nhạy hơn nhiều, kính viễn vọng không gian James Webb - mới đi vào hoạt động từ giữa năm nay - được kỳ vọng có thể cung cấp cái nhìn chi tiết hơn, giúp giải mã những bí ẩn chưa có lời giải về NGC 1999.