Bức hình 'nghìn năm có một' chiến thắng giải nhiếp ảnh danh giá. Cuối cùng bức ảnh “nghìn năm có một” về một sao chổi, có thể sẽ không được chứng kiến từ Trái Đất một lần nữa, đã chiến thắng giải thưởng nhiếp ảnh danh giá về thiên văn.
Hình ảnh cho thấy một phần đuôi của sao chổi Leonard bị đứt ra và bị gió Mặt Trời cuốn đi. Chiếc sao chổi này hiện đã rời khỏi hệ Mặt Trời, theo BBC.
Đài quan sát Hoàng gia Greenwich ở London, đơn vị tổ chức cuộc thi mang tên "Nhiếp ảnh gia Thiên văn của năm", đã gọi bức ảnh này là "đáng kinh ngạc". Tổ chức này cũng trao cho hai cậu bé 14 tuổi ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) giải nhiếp ảnh gia thiên văn trẻ của năm.
Bức ảnh về sao chổi này đã thắng giải ảnh thiên văn. Ảnh: Gerald Rhemann.
Những hình ảnh được trưng bày trong một triển lãm tại Bảo tàng Hàng hải Quốc gia ở London từ ngày 17/9.
“Các sao chổi trông khác nhau theo từng giờ. Chúng rất đáng ngạc nhiên”, nhiếp ảnh gia Gerald Rhemann, đến từ Vienna (Áo), cho biết. Bức ảnh này được chụp vào ngày Giáng sinh năm 2021 từ một đài quan sát ở Namibia, nơi có bầu trời tối nhất thế giới.
Bức ảnh này đã giúp hai cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc giành giải thưởng trong cuộc thi. Ảnh: Yang Hanwen và Zhou Zezhen.
“Tôi rất vui khi được chụp bức ảnh - đó là điểm sáng trong sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi”, ông nói với BBC.
Tiến sĩ thiên văn học Ed Bloomer, một trong những giám khảo của cuộc thi, cho biết bức ảnh này là một trong những bức ảnh chụp sao chổi đẹp nhất trong lịch sử.
Hình ảnh này của nhiếp ảnh gia người Slovakia Filip Hrebenda cho thấy cực quang phản chiếu trên một hồ nước bị đóng băng ở Iceland. Bức ảnh này đã giành chiến thắng một hạng mục trong cuộc thi.
“Bức ảnh thiên văn hoàn hảo này là sự đan xen giữa khoa học và nghệ thuật. Nó không chỉ phức tạp về mặt kỹ thuật và đưa người xem vào không gian tối sâu mà còn gây ấn tượng về mặt thị giác và cảm xúc”, tiến sĩ Hannah Lyons, trợ lý sáng tạo nghệ thuật tại Bảo tàng Hoàng gia Greenwich, nói.
Ban giám khảo đã xem xét hơn 3.000 bài dự thi từ khắp nơi trên thế giới. Yang Hanwen và Zhou Zezhen, 14 tuổi, đã cùng nhau chụp ảnh Thiên hà Tiên nữ, vốn nằm gần Dải Ngân hà nhất.
“Tôi nghĩ bức ảnh này cho thấy người hàng xóm gần nhất của chúng ta tuyệt đẹp như thế nào”, Yang Hanwen nói.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Ed Bloomer nhận định chụp ảnh thiên văn rất quan trọng vì nó tiết lộ các đặc điểm của vũ trụ mà mắt người không thể nhìn thấy nếu chỉ nhìn vào bầu trời đêm.
VietBF@ sưu tập