Chi phí tháo dỡ và thay thế thiết bị Huawei, ZTE trong mạng lưới viễn thông Mỹ đã đội lên nhiều lần so với ước tính cuối năm 2020.
Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) Jessica Rosenworcel hôm qua thông báo với Quốc hội rằng các nhà cung cấp dịch vụ đã yêu cầu đền bù 5,6 tỷ USD để "tháo dỡ và thay thế" thiết bị được chính phủ đánh giá là không an toàn.
Con số này tăng vọt so với ước tính của FCC hồi tháng 9/2020, khi cơ quan này đánh giá Mỹ sẽ mất khoảng 1,8 tỷ USD. Quốc hội Mỹ sau đó phê duyệt ngân sách 1,9 tỷ USD để đền bù cho các nhà cung cấp dịch vụ.
Logo của công ty Huawei và ZTE. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, Chủ tịch Rosenworcel cho biết FCC đã nhận hơn 181 đơn đăng ký từ các nhà mạng. "Tôi mong sẽ được phối hợp với Quốc hội để bảo đảm có đủ nguồn tiền cho dự án, nhằm thúc đẩy các mục tiêu an ninh và bảo đảm Mỹ vẫn dẫn đầu về an ninh 5G", bà nói.
Chương trình Đền bù Chuỗi cung ứng SCRP được triển khai sau khi các cơ quan tình báo Mỹ bày tỏ lo ngại nguy cơ từ thiết bị Trung Quốc trong hệ thống mạng 5G nước này. FCC coi ZTE và Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia và cấm các hãng viễn thông mua sản phẩm của hai công ty này.
Tuy nhiên, nhiều nhà mạng khi đó đã đặt hàng và lắp đặt thiết bị ZTE và Huawei, trong khi những hãng nhỏ khẳng định không thể gánh chi phí thay thế, nhất là khi ưu điểm của thiết bị Trung Quốc là mức giá rẻ. SCRP đặt mục tiêu "đền bù khoản phí loại bỏ, thay thế và xóa sổ thiết bị từ ZTE và Huawei cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hiện đại".
Thống kê do FCC đưa ra không đồng nghĩa với Quốc hội Mỹ sẽ chi 5,6 tỷ USD cho chương trình này. Chủ tịch FCC cho biết cơ quan này đang đánh giá các đơn đăng ký và có khả năng phí đền bù tổng thể sẽ thấp hơn.