Biden đang trên đường trở thành một trong những tổng thống Mỹ chi tiêu mạnh tay nhất đầu nhiệm kỳ với các gói ngân sách hàng nghìn tỷ USD.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, Joe Biden mô tả bản thân là một "nhà đàm phán" lưỡng đảng ôn hòa, theo trường phái cũ, nhưng hình ảnh đấy giờ đã lùi vào dĩ vãng, theo Rich Lowry, biên tập viên của Politico. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông đã lột xác trở thành một người sẵn sàng "chơi lớn", có thể chi khoản ngân sách khổng lồ mà trước đại dịch hoặc thậm chí bây giờ nhiều người không dám tưởng tượng.
Nhiều thành viên Dân chủ đồng thuận rằng cựu tổng thống Barack Obama đã quá thận trọng khi tung ra gói cứu trợ dưới một nghìn tỷ USD, không đủ đáp ứng nhu cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Biden thực sự có thể thông qua các gói kích cầu và cứu trợ nhờ cái gọi là nguyên tắc hòa giải ở Thượng viện, trong đó ông chỉ cần 50 phiếu bầu thay vì 60 để ngăn nỗ lực filibuster (nghị sĩ nói không ngừng để dự không không được thông qua) của phe Cộng hòa.
Biden gần đây đã gặp các nhà sử học tại Nhà Trắng và cựu tổng thống Franklin D. Roosevelt đã được nhắc tới nhiều trong cuộc thảo luận này. Một trong số người tham gia, sử gia Michael Beschloss, nói rằng Franklin D. Roosevelt hay Lyndon B. Johnson có thể là hình mẫu tương đồng nhất với cách Biden "biến đổi đất nước theo những cách quan trọng trong một thời gian ngắn".
Tổng thống Joe Biden phát biểu về kế hoạch chi tiêu cơ sở hạ tầng tại Pittsburgh hôm 31/3. Ảnh: AP.
Lowry cho rằng bất kỳ tổng thống Dân chủ nào của Mỹ cũng đều ghen tị với số tiền lớn mà Biden đang tung ra từ ngân sách chính phủ. Trong năm tài khóa 2019, chính phủ liên bang, khi chưa thực sự thắt lưng buộc bụng, đã chi 4,4 nghìn tỷ USD.
Với hai sáng kiến hành pháp lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ, gồm gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD ký cách đây vài tuần và dự luật cơ sở hạ tầng 2,3 nghìn tỷ USD, Biden sắp chi tiêu ngân sách bằng cả năm 2019. Chính quyền Biden được cho đang triển khai thêm một gói ngân sách vào lĩnh vực giáo dục và y tế trị giá khoảng 2.000 tỷ USD.
Các trường học Mỹ đã nhận hàng chục triệu USD từ các gói cứu trợ trước đó và giờ có thêm khoảng 100 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Các bang đã thu về 350 tỷ USD nhờ gói cứu trợ Covid-19, dù nhiều bang không bị thiệt hại nặng nề vì đại dịch.
Biden tin rằng ông có nhiều thời gian để thúc đẩy các dự án lớn. Mặc dù lợi thế của đảng Dân chủ ở lưỡng viện quốc hội là không lớn, Biden tin rằng chúng đủ để thực hiện một chương trình nghị sự từng bị Trump và các đồng minh cản trở vào năm ngoái.
Khi Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá ba nghìn tỷ USD vào tháng 5 năm ngoái, đây là dự luật lớn nhất từng được một viện của quốc hội thông qua trong lịch sử Mỹ. Tuy nhiên, nó đã vấp trở ngại ở Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa kiểm soát.
Trước đó, gói kích cầu trị giá 2,2 nghìn tỷ được Trump ký vào tháng 3/2020 là dự luật chi tiêu lớn nhất cho đến nay trong lịch sử Mỹ.
Một phần động lực thực hiện "hành động lớn và táo bạo" của Biden hiện nay là muốn tránh điều mà nhiều thành viên đảng Dân chủ xem là sai lầm của chính quyền Obama, khi thu nhỏ các dự luật để theo đuổi sự ủng hộ của đảng Cộng hòa, nhằm thông qua khoản chi mà theo họ không đủ đáp ứng nhu cầu.
Giống như Biden, Obama lên nắm quyền khi nền kinh tế Mỹ bị tàn phá nghiêm trọng. Ông đã nhanh chóng đề xuất khoản chi ngân sách được đánh giá là khá lớn vào thời điểm đó và gói kích cầu cuối cùng được thông qua là 787 tỷ USD, chưa bằng một nửa gói mà Biden đã ký.
Trump cũng không ký được một dự luật lớn quan trọng nào trong tháng đầu của nhiệm kỳ. Gần một nửa trong số 28 đạo luật đầu tiên mà ông ký đều là đảo ngược chính sách dưới thời Obama.
Một yếu tố khác trong cách tiếp cận của Biden là các động lực chính trị của đảng Dân chủ đã thay đổi trong 12 năm qua, với những người cấp tiến ngày càng có ảnh hưởng. Đây chính là động lực lớn nhất thúc đẩy Biden dám "chơi lớn" ngay đầu nhiệm kỳ, theo các trợ lý.
Tuy nhiên, biên tập viên Lowry đặt câu hỏi khi những số tiền này đã được chi hết, liệu có bất kỳ ai nhận ra sự thay đổi lớn của đất nước nhờ các gói ngân sách khổng lồ hay không. "Hay cũng như gói kích cầu của Obama, nó sẽ hoàn toàn bị lãng quên khi tiền được phân bổ đi khắp nơi nhưng không để lại dấu vết gì", Lowry lo ngại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế đa số trong quốc hội của Biden rất mong manh, những dự luật chi tiêu nghìn tỷ như vậy được xem là giải pháp thay thế cho việc thông qua những thay đổi chính sách không cần chi ngân sách khác, những thứ dường như nằm ngoài khả năng quyền lực của ông.
"Điều ông có thể làm, mà Franklin D. Roosevelt hay Lyndon B. Johnson không thể, đó là sử dụng từ 'nghìn tỷ' càng nhiều càng tốt", Lowry nhận định.