Tự cho rằng phương pháp miễn dịch cộng đồng sẽ cho kết quả khả quan nhưng thực tế trả lời rằng đó là một sai lầm với tỷ lệ tử vong vì Covid-19 Thụy Điển cao hơn Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới.
Thụy Điển, quốc gia hơn 10,2 triệu dân, ghi nhận 3.040 ca tử vong liên quan đến nCoV, tương đương tỷ lệ 297,16 ca trên một triệu dân, theo dữ liệu từ Đại học John Hopkins. Tỷ lệ này cao hơn mức 226,33 ca trên một triệu dân của Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, nơi báo cáo 74.239 ca tử vong do Covid-19.
Trong khi các nước trên thế giới ra lệnh người dân ở nhà, hạn chế đi lại, thậm chí áp phong tỏa, Thụy Điển lại theo đuổi chiến lược ứng phó Covid-19 mềm mỏng hơn, chủ yếu dựa vào ý thức tự giác giãn cách của người dân.
Thụy Điển cho phép các trường học, cửa hàng, nhà hàng vẫn mở cửa để tránh gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Mục tiêu của nước này là làm chậm tốc độ lây nhiễm, hay nói cách khác là tạo ra "miễn dịch cộng đồng", dù giới chức nước này chưa từng thừa nhận.
Một phụ nữ tự lấy mẫu dịch họng để xét nghiệm nCoV tại một trạm kiểm tra lái xe ở Alvsjo, Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: TT News Agency.
Kết quả là tỷ lệ tử vong do nCoV ở Thụy Điển cao hơn so với những nước láng giềng có quy mô dân số tương tự, bao gồm Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan, những nước áp dụng các chính sách nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn Covid-19 lây lan.
Phong tỏa hay không phong tỏa cho tới nay vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi trên thế giới khi các quốc gia chạy đua ngăn đại dịch. Việc "xóa sổ" nCoV hay tạo "miễn dịch cộng đồng" sẽ là con đường đúng đắn hơn khi đối đầu với Covid-19 vẫn là câu hỏi chưa có đáp án. Nhiều chuyên gia trên thế giới nhận định hiện còn quá sớm để đánh giá chiến lược chống dịch của quốc gia nào là thành công hơn, cho tới khi có vaccine hoặc cách điều trị hiệu quả để kiểm soát nCoV.
Covid-19 khởi phát ở Trung Quốc từ cuối năm ngoái và xuất hiện ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế giới ghi nhận hơn 3,9 triệu ca nhiễm và hơn 270.000 ca tử vong do nCoV.
VietBF@sưu tập