Xin một phút chia buồn cùng nhà thơ...Những người làm thơ tâm hồn rất bay bổng lênh láng, tình cảm lúc nào cũng tràn đầy.
Nhà thơ Trúc Chi, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hội viên HNV TPHCM đã qua đời vào lúc 1 giờ ngày 28-1-2015 sau một thời gian lâm bệnh nặng.
Nhà thơ Trúc Chi (ảnh), tên thật là Nguyễn Trúc Chi, sinh ngày 3-12-1933 tại xã An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông nhập ngũ từ năm 1950, từng công tác ở các đoàn văn công Quân khu 5, Sư đoàn 305, 324; giảng dạy văn học tại các trường Học sinh miền Nam, Phổ thông Công nghiệp ở Hải Phòng. Nhà thơ Trúc Chi là học viên khóa 3 (1968-1969) Trường viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, ông giảng dạy bộ môn văn học tại Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM từ 1975 cho đến khi về hưu và tiếp tục sáng tác. Ông là một trong những cây bút có tầm ảnh hưởng lớn vào thập niên 80 của thế kỷ trước.
Các tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Trúc Chi, về thơ: Cánh chim biển (1967), Dư âm sóng (1980), Chú dế đàn (1980), Thành phố hoa mặt trời (trường ca, 1986), Miền sóng trắng tôi yêu (1987)... Truyện ngắn: Arú và con voi già (1987), Thị trấn đêm màu trắng (1989), Điều kỳ lạ trong vườn chim (1989), Câu chuyện từ lớp học này (1989), Con trai người săn cá mập (1997)... Truyện dài: Huyền thoại biển (2000); bút ký và phóng sự: Cuộc đời như một truyền thuyết (1992); Vị giám đốc hát rong (2001); Dặm đường cát bụi (1997). Tiểu luận phê bình: Ba mươi năm một nền thơ (1999). Năm 1989, tập ký sự phóng sự Tiếng kêu con chim gõ kiến của ông gây nhiều tiếng vang dư luận.
Năm 2011, nhân cuộc vận động sáng tác với chủ đề “Đây biển Việt Nam” do báo Vietnamnet tổ chức, ông sáng tác bài thơ Trường Sa sau đêm bão tình ca và ngay lập tức được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc với nhan đề Tình ca sau đêm bão.
Linh cữu của nhà thơ Trúc Chi được quàn tại Nhà tang lễ TPHCM, lễ viếng bắt đầu vào 12 giờ ngày 28-1-2015. Lễ động quan diễn ra vào 15 giờ ngày 29-1-2015. Sau đó hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.
Tổng hợp