Điều đáng lo ngại rốt cuộc cũng đến, ở SEA Games 28, chủ nhà Singapore loại khá nhiều môn có ở SEA Games 27, đồng thời đưa vào một số môn không quen thuộc với người Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có nguy cơ tốn tiền đầu tư lại…
Đa số các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic và Asiad
30 môn thi đấu của SEA Games 28 trên đất Singapore sau đây 2 năm gồm: Điền kinh, nhóm môn thể thao dưới nước (bơi, bóng nước, nhảy cầu), cầu lông, bắn cung, Billiards & Snooker, bóng rổ, Bowling, xe đạp, đấu kiếm, canoeing, TDDC, bóng đá, golf, hockey trên cỏ, netball, Judo, Pencak Silat, Ruby sevens, Sailing, bắn súng, cầu mây, bóng mềm, squash, Taekwondo, quần vợt, bóng bàn, đua thuyền truyền thống, 3 môn phối hợp, Wushu và Waterski.
Số này có thể chia ra làm 2 nhóm môn, nhóm môn có tên tại các kỳ tranh tài Olympic và các môn không có ở Olympic, nhưng là thế mạnh của thể thao Singapore.
Nhóm môn nằm trong chương trình thi đấu của Olympic gồm: Điền kinh, các môn thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu, bóng nước), cầu lông, bắn cung, bóng rổ, xe đạp, đấu kiếm, canoeing, TDDC, bóng đá, hockey trên cỏ, Judo, Sailing, bắn súng, Taekwondo, quần vợt, bóng bàn, 3 môn phối hợp.
3 môn phối hợp (bơi, chạy bộ, xe đạp) có thể lạ với TTVN, nhưng là môn chính thống của Olympic
Nhóm môn không nằm trong chương trình thi đầu của Olympic gồm: Billiards & Snooker, Golf, Netball, Ruby Sevens, cầu mây, bóng mềm, squash, Wushu và Waterski. Riêng Billiards & Snooker, bóng mềm, Golf và Wushu có tên trong chương trình thi đấu tại Asiad.
Như vậy, lời cam kết chủ yếu tổ chức những môn nằm trong hệ thống thi đấu của Asiad và Olympic mà Singapore từ đưa ra là có cơ sở. Nếu như không tính các môn lạ như Ruby Sevens, Netball, Waterski.
Chỉ có điều, TTVN hơi thất vọng khi nhiều môn vốn không phải là thế mạnh của chúng hiện diện ở SEA Games 28 như bóng mềm, squash, Sailing, 3 môn phối hợp, bóng rổ, hockey trên cỏ, Golf… Trong khi các môn thế mạnh của chúng ta như vật, Karatedo, Muay, Vovinam, Petanque… lại không có tên.
Đầu tư lại từ đầu?
Điều mà mọi người lo ngại cuối cùng đã xảy ra, rằng do những môn chúng ta từng đầu tư như Kempo, hay dành rất nhiều tâm huyết, cũng như kỳ vọng rất nhiều vào chuyện thu gom HCV như Muay, vật, Petanque lại không có tên.
Và lời cảnh báo về chuyện có những môn ngay sau khi chúng ta kết thúc từng kỳ SEA Games, lại không được phát triển tiếp ở kỳ SEA Games tiếp theo đã xảy ra. Thực tế đó khiến cho tiền đầu tư vào những môn và nhiều tấm HCV trở nên lãng phí, vì không được phát triển lên nữa.
Cũng xin nói thêm về kỳ SEA Games 28 tới đây. Có một số môn sẽ thi đấu ở Singapore với TTVN là lạ, là khó chơi, kiểu như Sailing hay 3 môn phối hợp. Nhưng với phong trào Olympic thế giới, thì đây là những môn truyền thống của họ, nó đòi hỏi độ bền bỉ của các VĐV, và thành công ở các môn này cũng là thể hiện khát khao vươn lên của người chơi.
Lâu nay chúng ta quen đầu tư dàn trải, đầu tư vào những môn thi đấu vốn chỉ dành riêng cho SEA Games, nên khi đụng những môn truyền thống của Olympic, chính chúng ta cũng thấy lạ, và bắt đầu kêu ca về sự hiện diện của các môn ấy.
Vấn đề là thế mạnh của TTVN thường nằm ở những môn không có nhiều người chơi trên thế giới, đặc biệt là các môn võ mang tính biểu diễn. Mà riêng với những môn này, không phải ở kỳ SEA Games nào, nước chủ nhà cũng đưa vào chương trình thi đấu. Thế nên, TTVN thường hay bị “hổng chân” mỗi lần SEA Games thay nước chủ nhà và thay đổi các môn thi.
Lâu nay, lẽ ra nên đầu tư có trọng điểm vào những môn, hoặc những nội dung có trong chương trình thi đấu của Olympic, chúng ta lại tốn quá nhiều đầu tư vào những môn thiếu tính bền vững, xét trên tiêu chí phát triển của thể thao thế giới.
Có lẽ đã đến lúc nên tập trung vào các môn thể thao cơ bản, không mất quá nhiều tâm trí vào việc chạy đua huy chương ở các môn lạ. Bởi, nếu cứ tiếp tục chạy theo sự thay đổi môn thi ở các kỳ SEA Games thì chỉ tổ vừa tốn kém, vừa mất trọng tâm.
Kim Điền