- Nhiều khu vực châu Á sẽ trở thành vùng đất chết nếu sóng thần xảy ra do thiên thạch rơi xuống biển.
Cảnh báo này được đưa ra năm 2007, sau khi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Southampton (Vương quốc Anh) sử dụng phần mềm NEOimpactor mô phỏng hàng nghìn vụ va chạm có thể xảy ra trên khắp thế giới.
Theo mô hình NEOimpactor, nếu di chuyển với vận tốc khoảng 20.000km/giây, một thiên thạch có đường kính 100m cũng có thể gây ra những thiệt hại về người và tài sản cho một vài quốc gia.
Thiên thạch có đường kính 200m nếu rơi xuống biển có thể gây ra những trận sóng thần có mức độ ảnh hưởng toàn cầu. Còn với thiên thạch đường kính 500m, mất mát về sinh mạng và của cải của hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới sẽ là vô cùng to lớn.
Xét riêng về những thiệt hại liên quan đến tính mạng người dân, những nước có dân số tập trung đông ở các vùng duyên hải sẽ có con số thương vong cao nhất. Đó là Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mĩ.
Tổn thất về con người sẽ cực kỳ nghiêm trọng nếu thiên thạch rơi xuống khu vực châu Á ven Thái Bình Dương. Trong tình huống xấu nhất, nhiều bang của nước Mỹ và một số nước châu Á có thể trở thành vùng đất chết.
ảnh minh họa
Về mặt kinh tế, Mỹ đứng đầu danh sách các nước bị tàn phá do hầu hết các khu vực phát triển của quốc gia này đều tập trung ở các vùng bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Tiếp theo lần lượt là Trung Quốc, Thụy Điển, Canada và Nhật Bản.
Mức độ thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng sẽ nặng nề nhất nếu vụ va chạm xảy ra ở vùng biển bắc Đại Tây Dương, nơi sóng thần có thể lan tỏa đến cả châu Âu và Bắc Mĩ, san phẳng nhiều khu đô thị sầm uất trên đường nó đi qua.
Tuy nhiên, những dự báo trên đây có thể sẽ sai lệch khá nhiều nếu thiên thạch không đâm thẳng vào trái đất mà vỡ thành nhiều mảnh khi bay qua bầu khí quyển, tạo thành không phải một mà là nhiều vụ va chạm với quy mô nhỏ hơn nhưng xảy ra trên phạm vi lớn hơn.
Khí quyển Trái đất có thể bảo vệ chúng ta khỏi phần lớn các thiên thạch có đường kính dưới 40m. Tuy nhiên, trong số những vật thể gần Trái đất (NEO) thì có đến hơn 1 triệu thiên thạch đường kính lớn hơn 40m.
Các thiên thạch đường kính dưới 500m thường khó phát hiện hơn các thiên thạch lớn từ 1km trở lên, nhưng khả năng chúng đâm vào Trái đất lại dễ xảy ra hơn, trung bình 1 lần trong 10.000 năm, trong khi các thiên thạch lớn thì khoảng 100.000 năm mới có 1 lần.
Các thiên thạch có thể va chạm với Trái đất trong một thế kỷ tới:
-2036, thiên thạch Apophis, đường kính khoảng 300 mét. Xác suất 1/45.000
-2082, thiên thạch 2006 CS, đường kính khoảng 2,1km. Xác suất 1/77 triệu. Đây là thiên thạch có kích thước lớn nhất và khả năng va chạm nhỏ nhất trong danh sách NEO có khả năng va chạm với Trái đất.
-2102, thiên thạch 2004 VD17, đường kính 580m. Xác suất 1/2777.
Chí Quân (Theo New Scientist, Southampton University)