Trong vòng 1 thập kỷ, thiệt hại kinh tế mà biến đổi khí hậu gây ra cho thế giới đã lên tới con số hàng nghìn tỷ USD...Tháng trước, hai trận bão lớn ở Mỹ là bão Helene và bão Milton đã gây thiệt hại tài sản tổng cộng khoảng 51,5-81,5 tỷ USD, chủ yếu ở các bang miền Nam của Mỹ - theo ước tính của CoreLigic được hãng tin CNN trích dẫn.
Đó là một con số lớn, nhưng mới chỉ là một phần nhỏ thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra cho thế giới. Một báo cáo mới đây đã đưa ra cảnh báo về thiệt hại khổng lồ mà thế giới phải gánh chịu do biến đổi khí hậu và thiên tai, cho thấy tổng thiệt hại lên tới con số hàng nghìn tỷ USD.
Mức thiệt hại tài sản từ các sự kiện thời tiết cực đoan liên quan tới biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu là khoảng 2 nghìn tỷ USD trong thời gian từ năm 2014-2023, theo ước tính trong báo cáo được Hội đồng Thương mại Quốc tế (ICC) đưa ra tại Hội nghị Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu diễn ra ở Azerbaijan mới đây. Con số thiệt hại này gần ngang với thiệt hại kinh tế từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
ICC, tổ chức doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, có sứ mệnh thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế. Trong báo cáo công bố hôm 10/11, ICC cho biết tổ chức muốn thúc đẩy các chính phủ và doanh nghiệp trên thế giới đẩy nhanh các chính sách nhằm giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính - một nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu.
“Các nhà lãnh đạo thế giới đã phản ứng nhanh chóng và đồng bộ với cuộc khủng hoảng tài chính. Chúng ta cần các chính phủ hiểu rằng ảnh hưởng kinh tế của biến đổi khí hậu cũng đòi hỏi sự phản ứng với tốc độ và quyết tâm tương tự như vậy”, Tổng thư ký John W.H. Denton AO của ICC nhận định trong một tuyên bố.
Báo cáo của ICC được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ. Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã cam kết sẽ nới lỏng các quy chế giám sát về khí hậu ở Mỹ, bao gồm nới bớt giới hạn ô nhiễm khí thải đối với xe cộ và các nhà máy điện. Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, cho rằng thỏa thuận này đặt ra một gánh nặng kinh tế không bình đẳng đối với người Mỹ.
Báo cáo của ICC đã đánh giá gần 4.000 sự kiện thời tiết ở khắp 6 châu lục trong thập kỷ qua, xem xét cả thiệt hại tài chính trực tiếp từ việc các sự kiện này phá hủy nhà cửa, cơ sở kinh doanh và hạ tầng, cũng như tác động của thời tiết cực đoan đối với năng suất lao động của con người.
Các nhà nghiên cứu của ICC phát hiện thấy khoảng 1,6 tỷ người bị ảnh hưởng bởi các sự kiện thời tiết trên, đồng thời cho rằng mức độ thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra đối với thế giới sẽ chỉ tăng lên theo thời gian. Số liệu mà ICC đưa ra cho thấy số thảm họa thiên nhiên được ghi nhận trong thời gian từ năm 2000-2019 đã tăng 83% so với thời kỳ 1980-1999.
Trong năm 2022-2023, thiệt hại kinh tế do thời tiết cực đoan trên thế giới là 451 tỷ USD, tăng 19% so với mức bình quân hàng năm của 8 năm trước đó, theo báo cáo.
“Dữ liệu trong thập kỷ quan cho thấy một điều chắc chắn rằng biến đổi khí hậu không phải là một vấn đề của tương lai: thiệt hại năng suất do các sự kiện thời tiết cực đoan đang được cảm nhận rõ rệt trong nền kinh tế thực ngay vào thời điểm hiện tại”, ông Denton nói.
Dữ liệu do tổ chức Copernicus Climate Change Service của châu Âu công bố gần đây cũng xác nhận thế giới có thể xác nhận một cột mốc tồi tệ trong năm nay. Đó là năm 2024 có thể sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử.
|