Các nhà khoa học đã phát hiện âm nhạc "gây khó chịu" tại nơi làm việc khiến nhân viên bị kiệt quệ nhận thức, dẫn đến việc mắc nhiều lỗi hơn. Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Ứng dụng (Journal of Applied Psychology - JAP).
Âm nhạc thường được nghe thấy khi mọi người ghé thăm các trung tâm mua sắm, phòng tập thể dục và các cơ sở dịch vụ ăn uống. Việc lựa chọn các bản nhạc phụ thuộc vào ý tưởng của địa điểm, đối tượng khách hàng mục tiêu, thời gian trong ngày và các yếu tố khác, nhưng hầu hết các trường hợp đều nhắm đến việc phục vụ khách hàng.
Tuy nhiên, số lượng giai điệu thường bị giới hạn, và chính nhân viên là những người phải nghe chúng gần như mỗi ngày.
Để tìm hiểu xem âm nhạc ảnh hưởng thế nào đến năng suất lao động và trạng thái tâm lý của nhân viên, các nhà khoa học tiến hành một nghiên cứu với sự tham gia của 166 tình nguyện viên. Trước khi bắt đầu thí nghiệm, những người tham gia chia sẻ về sở thích của họ liên quan đến âm lượng, tốc độ, độ phức tạp và cảm xúc trong âm nhạc.
Sau đó, các tình nguyện viên được yêu cầu thực hiện một nhiệm vụ sáng tạo trong khi nghe một trong hai loại danh sách nhạc. Danh sách nhạc đầu tiên bao gồm các bài hát pop vui tươi, sôi động với mức độ phức tạp vừa phải. Danh sách thứ hai gồm những giai điệu chậm hơn, “u ám” hơn và có âm lượng thấp hơn.
Kết quả cho thấy những người tham gia thường xuyên trải qua sự kiệt quệ nhận thức — cảm giác mệt mỏi tinh thần — nếu họ cảm thấy âm nhạc gây khó chịu. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với những người được gọi là “không có khả năng chọn lọc kích thích”.
Các nhà khoa học giải thích “chọn lọc kích thích” là khả năng tập trung vào một nguồn thông tin cảm giác tại một thời điểm. Những người gặp khó khăn trong việc tập trung thường báo cáo tâm trạng và hiệu suất làm việc giảm sút do âm nhạc không phù hợp.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện trong quá trình nghe các bản nhạc "gây căng thẳng", người tham gia suy nghĩ chậm hơn, thường xuyên thực hiện các hành động gây hại cho công ty và ít đưa ra các giải pháp tốt hơn.