Cơn đau ngực dữ dội như bóp nghẹt trái tim khiến bệnh nhân nhanh chóng mất ý thức hoàn toàn.
Trong tuần qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh liên tiếp cấp cứu thành công 3 trường hợp bệnh nhân bị ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Lê Văn Nh. (43 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở nhiều. Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) tiếp nhận cấp cứu với chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp.
Sau khi hội chẩn từ xa với bác sĩ Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhân được nhanh chóng chuyển tuyến để tiếp tục điều trị. Quá trình chuẩn bị chụp mạch vành kiểm tra, bệnh nhân đột nhiên rung thất liên tục và ngừng tim đột ngột. Ngay lập tức, các bác sĩ đã khẩn trương sốc điện ngoài lồng ngực giúp tim đập bình thường trở lại.
Sau khi người bệnh ổn định, kíp can thiệp tiếp tục đặt stent để tái thông lòng mạch bị hẹp tắc, khôi phục tưới máu cho cơ tim. Nhờ cấp cứu ngưng tim và can thiệp kịp thời, bệnh nhân đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm.
Một trường hợp đặc biệt khác được chuyển từ đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) là ông Bùi Văn Đ. (75 tuổi). 12 giờ trước khi vào viện, ông đau tức ngực trái, đau lan lên vai trái kèm khó thở từng cơn và được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế Vân Đồn.
Các bác sĩ ở đây nhận định, bệnh nhân tình trạng nhồi máu cơ tim cấp trên nền bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính (COPD), các bác sĩ hội chẩn cấp cứu từ xa và nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp tục điều trị. Vừa nhập viện, ông Đ. đột ngột co giật, rung thất và ngừng tim.
Chụp mạch kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước đoạn 2, nhồi máu cơ tim cấp thành trước rộng biến chứng rối loạn nhịp tim trên nền bệnh COPD.
Trường hợp cao tuổi nhất là ông Đoàn Văn Ch. (81 tuổi) ở TP.Cẩm Phả. Bệnh nhân ở nhà xuất hiện cơn đau ngực sau xương ức, đau lan ra sau lưng và lên vai hai bên, kèm theo khó thở.
Tại Bệnh viện da khoa tỉnh Quảng Ninh, bệnh nhân bất ngờ rung thất, ngừng tim ngay trong lúc cấp cứu. Kết quả chụp động mạch vành cho thấy tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước đoạn 1 cùng với tình trạng hẹp tắc nặng trên 50% các mạch khác.
Bác sĩ Trần Quang Định, Trưởng khoa Phẫu thuật và Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh, ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng cấp cứu tối khẩn, có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh chỉ trong vài phút.
Khi tim ngừng đập, máu không thể lưu thông để nuôi dưỡng não và các cơ quan quan trọng, khiến bệnh nhân mất ý thức ngay lập tức, ngừng thở và rơi vào trạng thái nguy kịch. Nếu không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.
Nhờ sự nhanh nhạy và quyết đoán, cả 2 bệnh nhân đều được đội ngũ bác sĩ kịp thời sốc điện cấp cứu, hồi sức tim phổi giúp tim đập trở lại. Sau khi ổn định, các bác sĩ tiến hành can thiệp đặt stent để tái thông lòng mạch bị hẹp tắc hoàn toàn, giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy kịch và hồi phục tốt.
Bác sĩ Định cho biết: “Cả 3 bệnh nhân nhồi máu cơ tim lần này đều rơi vào tình trạng rung thất, ngừng tim chỉ trong vài giây. Đây là tình trạng rất nguy hiểm, song nhờ theo dõi sát sao, chúng tôi đã lập tức phát hiện bệnh nhân bị ngừng tim, thực hiện sốc điện, ép tim ngoài lồng ngực ngay thời điểm đó để khôi phục nhịp tim bình thường.
Sau khi ổn định, êkip tiến hành can thiệp tái thông động mạch vành giúp bệnh nhân hết đau tức ngực, hồi phục tốt. Đây là yếu tố quan trọng giúp người bệnh ngừng tim thoát khỏi nguy kịch, phục hồi tốt mà không để lại biến chứng nguy hiểm.
Sự phối hợp hội chẩn từ xa xuyên suốt giữa các đơn vị y tế trong toàn ngành đã mang đến những hiệu quả rõ rệt, giúp xử trí nhanh chóng và chính xác các ca bệnh khó, nguy kịch, qua đó phát huy hiệu quả của công tác tuyến".

Theo bác sĩ Định, trong những năm gần đây, số ca nhồi máu cơ tim cấp có xu hướng gia tăng và tỷ lệ trẻ hóa ngày càng cao. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, mỗi năm trung bình tiếp nhận khoảng hơn 300 ca nhồi máu cơ tim cấp.
Bác sĩ Định cũng khuyến cáo, nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng nguy hiểm, xảy ra đột ngột, đe dọa tính mạng. Phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời giúp tăng cơ hội sống, giảm biến chứng.
"Người dân cần chú ý các dấu hiệu điển hình: đau thắt ngực dữ dội, cảm giác bóp nghẹt vùng ngực kéo dài, đau lan lên tay, hàm, lưng, kèm khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt. Một số trường hợp không đau ngực nhưng có triệu chứng như mệt mỏi, rối loạn tri giác.
Khi xuất hiện dấu hiệu, cần dừng ngay hoạt động, nghỉ ngơi tại nơi thoáng và báo cho người xung quanh. Nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có năng lực cấp cứu gần nhất. Nếu người bệnh ngừng thở, cần ép tim ngoài lồng ngực liên tục đến khi nhân viên y tế có mặt".
VietBF@ sưu tập